Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên cả nước. Từ cuối tháng 12/2021, sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên biến thể Omicron, số mắc cả nước tăng cao nhất trong 3 tuần đầu của tháng 3/2022 do Omicron đã chiếm chủ đạo về số mắc, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng 3/2022 đến nay.
Bộ Y tế cho rằng, các hướng dẫn về cách ly y tế đang được nới lỏng phù hợp diễn biến dịch. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng việc nới lỏng đó là hoàn toàn phù hợp. Vì dịch đã diễn ra 2 năm, và theo quy luật, thường vi rút sẽ “lui” dần. Tuy nhiên, đeo khẩu trang và rửa tay xà phòng hiện vẫn nên áp dụng vì đây là thói quen vệ sinh cá nhân tốt mà mỗi cá nhân nên duy trì.
Chia sẻ trên báo Thanh niên ngày 19/4, TS.BS Nguyễn Thành Dũng - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, ca mắc covid-19 nhập viện giảm rất nhiều so với hồi tháng 3/2022, có thể đã giảm chạm đáy, điều này cũng có thể miễn dịch cộng đồng đã rất cao. Nếu không có biến chủng mới nữa thì tình hình dịch bệnh là ổn.
Theo TS.BS Dũng, hiện tại bệnh viện dã chiến 3 tầng số 14 (do BV Bệnh nhiệt đới phụ trách) chỉ còn 5 ca bệnh nặng, 4 ca thở máy, 1 ca ECMO, không có ca bệnh nặng nhập viện mới. Còn tại bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 (do Bệnh viện Nhân dân Gia Định phụ trách) chỉ còn 5 ca bệnh nặng ở hồi sức.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng tình hình dịch bệnh giảm qua ghi nhận thực tế và phù hợp với dự báo, quy luật của dịch. Do đó, những biện pháp phòng chống dịch không hiệu quả, tốn thời gian, cản trở cuộc sống thì nghiên cứu bỏ đi, như khai báo khi vào siêu thị, sân bay, ngân hàng... Các app khai báo y tế nếu áp dụng không hiệu quả thì nên bỏ.
Ảnh minh hoạ
Trong khi đó, BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM cũng khẳng định, dịch bệnh hiện nay “không có gì để nói” nữa, do đó các thủ tục liên quan đến xét nghiệm Covid-19 nên bỏ hết, chỉ ai có nghi ngờ thì mới làm.
Về vấn đề sau 30/4 hoặc đến cuối năm TP.HCM có nguy cơ bùng dịch như năm 2021, BS Khanh cho rằng khó có thể xảy ra, nếu có thì đã xảy ra vào dịp nghỉ lễ giỗ Tổ vừa qua. Nếu có ca bệnh thì cũng xảy ra lai rai, vì miễn dịch cộng đồng đã cao.
Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM, điều cần làm nhất hiện nay là phải tiếp tục bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ. Cụ thể là tiêm mũi 4 cho những người nguy cơ. Phát hiện ca nặng để điều trị thuốc kháng vi rút. Ưu tiên xét nghiệm ho người có khả năng mắc Covid-19 nặng. “Còn lại, mọi việc giờ cứ bình thường để phát triển kinh tế. Khẩu trang và rửa tay là biện pháp phòng ngừa thông thường dễ thực hiện”, BS Khanh nói.
Về tình hình dịch bệnh tại nước ta, bản tin phòng chống dịch Covid-19 ngày 19/4 của Bộ Y tế cho biết có 13.500 ca mắc mới Covid-19 tại 60 tỉnh, thành; số ca khỏi bệnh trong ngày là hơn 124.600 ca, nhiều gấp gần 10 lần số mắc mới.