Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên toàn cầu, nhiều nước tuyên bố sẽ xử lý nghiêm các hành vi tung tin đồn, dù là trong ngày quốc tế nói dối 1/4.
Thông tin trên Vietnamnet, giới chức Thái Lan hôm tuyên bố những người bông đùa liên quan tới Covid-19 có thể chịu án 5 năm tù. Theo đó, trên tờ The Hill, Chính phủ Thái Lan đăng một thông điệp với nội dung: “Đừng nói dối, lan truyền thông tin sai về tình trạng Covid-19, sự lây nhiễm vào ngày 1/4”.
Bên cạnh Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) cũng cảnh báo việc lan truyền thông tin sai về dịch Covid-19 sẽ bị phạt tới 3 năm tù hoặc bị phạt tiền. Tiếp đó, đơn vị an ninh mạng bang Maharashtra, Ấn Độ cũng thề sẽ có hành động pháp lý đối với bất cứ ai phát tán thông tin sai lệch hay tin đồn về Covid-19.
Bộ trưởng Nội vụ bang Anil Deshmukh cho hay, bang sẽ không cho phép bất cứ ai truyền bá tin đồn về virus corona chủng mới. Ở châu Âu cũng hưởng ứng mạnh về việc không nói dối trong ngày này khi tình hình dịch đang diễn biến quá căng thẳng. Bộ Y tế Đức cảnh báo: “corona không phải trò đùa”.
Theo báo Thanh niên, Việt Nam cũng có rất nhiều người thắc mắc nếu nói dối về dịch thì có bị phạt không. Luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao vừa có hướng dẫn về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, nhiều hành vi sẽ bị xử lý hình sự, bao gồm cả đưa tin sai về dịch Covid-19”.
Luật sư Thanh khẳng định, không có quy định nào hay loại trừ trách nhiệm cho ai ngày Cá tháng Tư. Một nguyên tắc pháp luật được luật hiến định đó là Cơ quan pháp luật chỉ được phép làm những gì luật quy định. Do vậy, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu bất kể cả là ngày nào đi nữa thì đều bị xử lý nghiêm.
Ảnh minh họa.
Cùng với đó, luật sư nêu thêm, người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 bị xử lý về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155. Người có hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174.
Như vậy, dù là ngày Quốc tế nói dối thì trong tình hình dịch bệnh căng thẳng hiện nay, mỗi người dân hãy nên ý thức dừng việc đùa giỡn lại như mọi năm. Trong hai tuần quyết định thành bại này, chúng ta hãy nghiêm túc thực hiện những phương án của Nhà nước, cùng với toàn cầu, đẩy lùi Covid-19, giành sự thắng lợi để cuộc sống trở về quỹ đạo.