Thứ năm, 25/04/2024 | 11:02
RSS

PCT Hội Di sản Văn hóa: "Nếu không tôn tạo kịp thời, Văn Miếu sẽ xuống cấp"

Thứ ba, 10/01/2017, 21:39 (GMT+7)

Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang được quét lớp ve mới nhằm chống rêu mốc, sau đó sẽ được phủ một lớp ve màu trầm nhằm trả lại vẻ cổ kính vốn có.

Những ngày qua, cộng đồng mạng xã hội liên tục phát tán hình ảnh "Văn Miếu thay áo mới". Theo đó khu di tích nổi tiếng Thủ đô không còn được vẻ cổ kính rêu phong như trước kia khi được khoác lên mình lớp ve màu sáng. Sự việc sau đó nhận được nhiều ý kiến bình luận trái chiều của dư luận.

Thay-ao-moi-cho-Van-Mieu-1

Hình ảnh Văn Miếu sau khi được phủ lớp ve chống rêu mốc. Ảnh Trí Kiên

Để làm rõ vấn đề trên, chiều 10/1, PV Đời Sống Plus đã có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân Kiêu -  Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu.

Ông Kiêu cho hay, hiện đơn vị đang phối hợp với Viện bảo tồn di tích Quốc gia để quét vôi tôi truyền thống, sau đó sẽ tiến hành phủ một lớp sơn màu xám trắng lên để trả lại vẻ trầm tích, rêu phong vốn có của di tích.

Thay-ao-moi-cho-Van-Mieu-2

Toàn bộ khu vực khuôn viên và một số tường bao được quét lớp "ve chống rêu phong" để bảo tồn di tích. Ảnh Trí Kiên

Ông Kiêu thông tin thêm, hiện trạng của di tích sau một thời gian dài không được vệ sinh nên tất cả đều bị rêu phong, bụi đất phủ đầy. Nếu không được tôn tạo kịp thời để lấy đi các lớp rêu phong, mọt gỗ, bụi bẩn thì di tích sẽ có nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng. 

"Việc tiến hành tôn sửa được lên kế hoạch từ hồi tháng 6/2016 và đã được các cấp có thẩm quyền thông qua. Công việc tôn tạo này cũng được tiến hành theo định kỳ, gần đây là đợt tu sửa vào năm 2014" - ông Kiêu nói.

Thay-ao-moi-cho-Van-Mieu-4

Đến hết ngày 10/1, công tác "quét ve chống rêu phong, nấm mốc cho Văn Miếu" về cơ bản đã hoàn thành trên 80%. Ảnh Trí Kiên

Theo lời ông Kiêu, hiện các nhân viên đang tiến hành tẩy rửa toàn bộ lớp rêu bám, bụi bẩn để quét lớp ve chứa hợp chất chống rêu mốc lên. Sau đó, các chuyên gia sẽ tiến hành phủ lại một lớp ve màu trầm như vẻ vốn có của Văn Miếu. 

Thay-ao-moi-cho-Van-Mieu-5

Theo Giám Đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Công tác tôn tạo, làm sạch bụi bẩn, chống mọt, quét ve chống thấm và rêu phong cho khu di tích được tiến hành trong nhiều ngày. Ảnh Trí Kiên

Trao đổi với Đời Sống Plus, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch hội di Sản Văn hóa Việt Nam cũng cho hay, nếu không trùng tu, tôn tạo kịp thời, di tích sẽ bị xuống cấp nghiêm trọng, từ đó làm giảm tuổi thọ của của công trình văn hóa độc đáo này. 

Ông Bài cũng cho biết, trước khi thực hiện kế hoạch trùng tu, tôn tạo Văn Miếu, ông Kiêu có trao đổi về vấn đề này. Bức ảnh "Văn Miếu thay áo mới" trên mạng xã hội thực chất chỉ là lớp ve chống rêu phong, côn trùng và ký sinh ăn mòn tường, phá hoại di tích. 

Thay-ao-moi-cho-Van-Mieu-8

Ông Đặng Văn Bài (ảnh phải) - Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đến trao đổi trực tiếp để người dân hiểu hơn về quá trình tôn tạo di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh Trí Kiên

"Các công nhân trước khi quét ve đã được ban quản lý trao đổi và giải thích rõ về những đường nét hoa văn nên họ làm rất cẩn thận, tỉ mẩn đến từng chi tiết. Vậy nên, việc tôn sửa này không ảnh hưởng đến kiến trúc cũng như không gian văn hóa của Văn Miếu" - ông Bài nói thêm.

Trao đổi về việc dư luận bức xúc, ông Lê Xuân Kiêu cho rằng, du luận luôn có hai mặt của nó, có nhiều ý kiến khác nhau là chuyện bình thường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện trùng tu Văn Miếu, Ban quản lý luôn tiếp thu các thông tin đa chiều một cách có chắt lọc để giúp công tác tôn tạo được tốt hơn.

Thay-ao-moi-cho-Van-Mieu10

Phần ve chống thấm, chống rêu phong sau khi phủ lên tường trông sáng hơn và làm mất đi vẻ cổ kính vốn có của Văn Miếu. Ảnh Trí Kiên

Ông Kiêu cho biết thêm, trước khi tiến hành tôn sửa, Trung tâm đã tham vấn các ý kiến đa chiều từ chuyên gia văn hóa, lịch sử, đồng thời thông báo rộng rãi đến người dân.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong hơn 4.000 di tích lịch sử của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn phát triển kể từ khi thành lập kinh đô Thăng Long dưới triều Lý. 

Năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho dựng Văn Miếu để thờ Đức Khổng Tử và làm nơi học hành cho các thành viên hoàng gia.

Tháng 3/2010, 82 tấm bia tiến sĩ triều Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đến ngày 27/7/2011, 82 bia tiến sĩ lại tiếp tục được công nhận là Di sản tư liệu thế giới trên phạm vi toàn cầu. 

Ngày 25/2/2013, Văn Miếu - Quốc Tử Giám được đón chứng nhận Di tích quốc gia đặc biệt.

Trí Kiên
Theo Đời sống Plus