Nuôi ong thu phí, xác nhận mất 10 lần tiền
Còn nhớ mùa ong lấy mật năm ngoái, nhiều người “méo mặt” khi di chuyển đàn ong đến địa bàn xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), bởi họ phải nộp từ 2-3 triệu đồng mới được đặt đàn ong “ăn mật”. Chính quyền xã Kỳ Tây khẳng định việc đóng tiền là tự nguyện và số tiền này dùng để chi cho công an xã nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
"Giấy mời" đến nộp phí nuôi ong của công an xã Kỳ Tây
Tuy nhiên, các hộ nuôi ong lại cho rằng khoản thu này là vô lý và họ bị bắt buộc và công an xã đến từng trại để thu tiền. Mỗi trại phải nộp 3 triệu đồng, nhưng các hộ xin giảm còn 2 triệu vì ong đang mất mùa.
Giải thích về việc "phí tự nguyện" nhưng lại có giấy yêu cầu nộp tiền, vị chủ tịch UBND xã Kỳ Tây nói: "Công an xã gửi giấy mời về các hộ, viết như vậy là do lỗi đánh máy". Còn ông trưởng công an xã lại nói rằng: "Xã giao cho công an đốc thúc thu tiền, giấy mời không sai".
Mới đây, anh Trịnh Văn Tuấn ở xã Mai Phụ (huyện Lộc Hà – Hà Tĩnh) đăng trên trang cá nhân của mình bức ảnh biên lai thu tiền lệ phí xác nhận tình trạng hôn nhân cao gấp 10 lần quy định.
Mức thu phí xác nhận tình trạng hôn nhân chỉ là 10.000 đồng nhưng cán bộ UBND xã Mai Phụ thu gấp 10 lần với lý do "tiền tự nguyện phúc lợi"
Theo anh Tuấn, anh tới UBND xã Mai Phụ để xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, xong việc chị Hoan phụ trách văn thư yêu cầu anh nộp 100.000 đồng lệ phí có biên lai kèm theo như hình. Anh Tuấn nghi ngờ và sau khi tìm hiểu theo Nghị quyết số 26/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và Thông tư số 226/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng thực thì mức thu thực tế chỉ là 10.000 đồng.
Anh Tuấn bức xúc khi quay lại xã để xác nhận thì nhận được câu trả lời đó là tiền tự nguyện phúc lợi cho địa phương. Sau đó, chị văn thư đưa một tờ đơn "tự nguyện phúc lợi" và bảo anh Tuấn ký vào.
Không làm ruộng vẫn phải đóng tiền bê tông nội đồng
Xã Hưng Lộc (Hậu Lộc – Thanh Hóa) yên bình như bao làng quê khác, nhưng cuộc sống của người dân nơi đây chưa bao giờ hết “dậy sóng” bởi những khoản phí rất vô lý. Nhà chị Nguyễn Thị Nhung ở thôn Thái Hòa, cả thôn ai cũng ái ngại, xót xa cho hoàn cảnh của chị. Chị Nhung sinh năm 1991, một mình nuôi con nhỏ bởi vừa mất chồng sau một tai nạn thương tâm. Nhà có 3 mẹ con, nhưng chị Nhung bảo, số tiền hàng tháng đóng cho xã “chẳng thua hộ nào”.
"Họ thu vô lý lắm, nhà em không có ruộng, thế mà vẫn phải đóng tiền làm đường bê tông nội đồng. Em có thắc mắc nhưng chả được, họ bảo quy định thế rồi", chị Nhung bức xúc.
Tương tự, ông Nguyễn Chí Chanh, đảng viên 31 tuổi Đảng bảo ở thôn Thái Hòa cũng bức xúc vì nhiều khoản thu vô lý của địa phương.
Ông Chanh bảo, để thúc thu, đối với những gia đình khó khăn chưa đóng ngay tắp lự sau mỗi vụ đóng góp thì chính quyền sẽ cử đoàn công tác đặc biệt đến… vận động. "Họ thành lập đoàn để đến nhà, ban đầu là vận động, nhưng sau đó là dọa nạt".
Theo ông Chanh, ở Thái Hòa, dù tiền điện đã thu riêng nhưng không hoàn thành các khoản thu khác, đã có gia đình bị cắt điện.
Máy gặt muốn xuống đồng phải đóng phí - chuyện xôn xao xứ Thanh mấy ngày qua
Những năm trước, tình trạng một số hộ dân nuôi thả gia súc bừa bãi phá hoại hoa màu, bờ vùng, bờ thửa của người dân xã Thiệu Dương (TP. Thanh Hóa) thường xuyên xảy ra. Lấy lý do này, HTX Dịch vụ Minh Anh đã đưa ra mức thu phí chăn thả với trâu bò là 100.000 đồng/con, mức thế chấp với mỗi con trâu, bò là 300.000 đồng/con.
Chưa hết, các hộ có máy gặt, máy lồng cũng bắt buộc phải nộp tiền thế chấp. “Vì chủ máy mỗi khi đưa máy ra đồng sẽ làm ảnh hưởng đến bờ vùng, bờ thửa và hệ thống mương thủy lợi, nếu chủ máy không tự sửa chữa thì phải chịu trừ vào khoản tiền đã đặt cọc.
Theo lý giải của ông Dương Đình Minh, Chủ tịch HTX thì “Đến cuối năm, chúng tôi sẽ hoàn trả số tiền đã thế chấp nếu hộ không để gia súc phá hoại hoa màu của nhân dân. Tất cả các hộ dân đã đồng ý thống nhất trong hội nghị. Về việc thu phí chăn thả trâu, bò là HTX dựa trên quy ước đồng điền do UBND xã ban hành từ lâu đời rồi, chúng tôi chỉ kế thừa thôi”.
Được biết, “quy ước đồng điền” mà HTX Minh Anh đưa ra chỉ là một văn bản đóng dấu bản sao do HTX tự lập nên từ tháng 1/2018 để yêu cầu người dân phải thực hiện việc đóng phí. Thống kê sơ bộ, trên địa bàn xã Thiệu Dương có 19 hộ có máy gặt, máy lồng đều đã đóng tiền thế chấp. Có 19 hộ dân đã phải đóng phí cho trâu, bò khi chăn thả ngoài đồng.
Thiết nghĩ, xã hội hóa là xu hướng cần thiết trong nhiều lĩnh vực, nhưng cách triển khai như thế nào cho hợp tình hợp lý lại là việc không hề đơn giản. Trong khi Chính phủ đang kêu gọi các bộ ngành giảm tối đa các loại phí không cần thiết, thì cách làm từ cơ sở như những câu chuyện nêu trên đang đi ngược chủ trương tốt đẹp mà chúng ta đang hướng tới.