Thứ sáu, 19/04/2024 | 12:04
RSS

Sáu công dân ở Tây Ninh được bồi thường hơn 6 tỷ đồng oan sai

Thứ ba, 13/10/2020, 10:57 (GMT+7)

Viện KSND tỉnh Tây Ninh đã trao tiền bồi thường cho các nạn nhân bị hàm oan 41 năm trong vụ án “Cướp tài sản riêng của công dân”.

Theo báo SGGP, ngày 12/10, Viện KSND tỉnh Tây Ninh đã trao hơn 6 tỷ đồng tiền bồi thường cho các nạn nhân bị bắt giam oan trong vụ án “Cướp tài sản riêng của công dân”, xảy ra trên địa bàn vào năm 1979. 

Theo đó, đại diện Viện KSND tỉnh Tây Ninh đã trao tiền bồi thường cho bà Võ Thị Thương (95 tuổi), bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (76 tuổi), ông Nguyễn Văn Chiến (67 tuổi), bà Nguyễn Thị Lan (67 tuổi), ông Hồ Long Chánh (sinh năm 1952, đã mất), ông Nguyễn Thành Nghị (sinh năm 1918, đã mất), mỗi người trên 1 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Dũng (62 tuổi, Dũng “lớn”), một trong 8 người bị hàm oan trong vụ án trên, trước đó đã nhận bồi thường 615 triệu đồng. Một người bị oan khác là ông Nguyễn Văn Dũng (59 tuổi, Dũng “nhỏ”) chưa được chi trả vì không đồng ý mức bồi thường và hiện đã khởi kiện ra tòa. 

Viện KSND tỉnh Tây Ninh trao trả 6 tỷ đồng tiền bồi thường oan sai
Các nạn nhân được nhận tiền bồi thường. Ảnh: VNE

Theo hồ sơ vụ việc mà VNE đăng tải, tối 26/7/1979, nhà máy xay lúa ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng xảy ra vụ cướp 5 chỉ vàng. Từ tin báo của nạn nhân, công an bắt bà Võ Thị Thương (lúc đó 54 tuổi) cùng 7 người khác trong gia đình. Họ bị truy tố tội Cướp tài sản riêng công dân theo Điều 6 Sắc luật 03 ngày 15/3/1976 của Hội đồng Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam

Hồ sơ vụ án thể hiện, những người này bị ép cung, buộc phải nhận tội. Trong đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan và Nguyễn Thị Lan lúc bị bắt đang có bầu, hoặc đang nuôi con 2 tháng rưỡi; ông Nguyễn Văn Dũng (61 tuổi, tức Dũng Lớn) lúc đó là quân tình nguyện tại Campuchia về quê nghỉ phép.

Đến năm 1983, sau hơn 45 tháng bị tạm giam, cả 8 người được thả. Trở về nhà, cuộc sống bị đảo lộn vì mang thân phận bị can, gia đình hiểu lầm nhau ly tán, kinh tế kiệt quệ. Riêng bà Lan sinh con gái trong tù, sau đó thất lạc suốt 40 năm mới đoàn tụ. Chồng bà là ông Chánh, khi được thả cũng bỏ đi, chỉ quay về khi gia đình tìm được con.

Đầu năm 2018, ông Dũng Lớn nhận quyết định đình chỉ bị can, sau đó đòi bồi thường hơn 600 triệu đồng. Tuy nhiên, đến ngày 4/4/2019, Viện KSND tỉnh Tây Ninh mới trao quyết định đình chỉ điều tra cho những người còn lại.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN