Thứ bảy, 18/01/2025 | 18:10
RSS

Sáng tỉnh dậy, chân … mềm nhũn vì kê đèn sưởi ấm

Thứ sáu, 15/01/2021, 13:25 (GMT+7)

Trời rét đậm rét hại, có những đêm nhiệt độ chỉ còn dưới 10 độc C, ông P (60 tuổi, Quảng Ninh), một bệnh nhân đái tháo đường, phải dùng đèn sưởi để tối về ngủ ngon giấc.

Có hôm quá rét, ông P kê đèn sát lại gần chân. Nhưng khổ nổi, chân tê bì nên ông không cảm nhận được độ nóng. "Tỉnh dậy, chân tôi mềm nhũn", ông nói.  

Vết bỏng khiến vùng ngón chân và cổ chân của ông P phồng rộp như bóng nước. Nhưng bệnh đái tháo đường đường cũng khiến ông không cảm nhận được đau đớn nên không đi viện ngay mà dùng tăm để chọc vết bỏng vỡ ra. 

Sáng tỉnh dậy, chân mềm nhũn vì kê đèn sưởi ấm

Thầy thuốc rửa vết thương hoại tử bàn chân nghiêm trọng của bệnh nhân đái tháo đường. Ảnh: D.Linh

3 ngày sau, vùng tổn thương bắt đầu có dấu hiệu mưng mủ, đỏ loét, ông P mới đi tới bệnh viện để điều trị.

Đi khám ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương, các bác sĩ nhận định, bệnh nhân P bị bỏng sâu, nhiễm trùng trên nền đái tháo đường tuýp II. Bệnh nhân được cắt lọc toàn bộ phần da, thịt bị hoại tử. 

Đáng nói, tổn thương bỏng lan rộng, đồng thời khu vực cẳng chân là vùng ít mạch máu nuôi dưỡng, kết hợp bệnh nhân bị teo cơ do biến chứng tiểu đường nên quá trình điều trị khó khăn, tiến triển chậm, cần tiếp tục theo dõi và điều trị lâu dài.

Bác sĩ Khoa Chăm sóc bàn chân (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết đây không phải là trường hợp bệnh nhân đái tháo đường duy nhất nhập viện điều trị do sưởi ấm trong mùa đông. 

Trước đó, đơn vị này đã ghi nhận nhiều bệnh nhân tiểu đường bị bỏng, loét bàn chân do sử dụng sản phẩm đá muối Hymalaya, đá chườm nóng để làm ấm bàn chân. Nhiều người nhập viện khi đã bỏng loét tại vùng gan bàn chân và nhiễm trùng lan rộng, xuất hiện một số vùng hoại tử. 

Ngoài ra, nhiều bệnh nhân bỏng nặng toàn bộ bàn chân do thói quen ngâm chân bằng nước nóng, nước lá trước khi đi ngủ nhưng lại không kiểm soát được nhiệt độ. 

Bệnh nhân đái tháo đường thường có biến chứng thần kinh ngoại vi, biểu hiện chân tay tê bì, mất cảm giác ở chân tay. Bệnh nhân không kiểm soát được nhiệt độ nên thường tiếp xúc nhiệt quá nóng và kéo dài. Thậm chí có bệnh nhân chân đỏ rực sau khi chườm đá muối Hymalaya do "quên" gấp đôi thời gian chườm.

Với người tiểu đường, có đường huyết cao, thường kèm nhiều bệnh mãn tính khác (như tim mạch), làm giảm sức đề kháng, dễ nhiễm khuẩn, nhiễm trùng nặng. Chỉ một tổn thương rất nhỏ nhưng có thể dẫn tới nguy cơ lớn, vết thương lan rộng, hoại tử. 

Bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương khuyến cáo, người mắc đái tháo đường cần kiểm soát tốt đường huyết. Tuyệt đối không tự ý sử dụng các biện pháp sưởi ấm trong mùa đông mà không có sự kiểm tra, giám sát của người thân.

Nếu không may xảy ra tai nạn bỏng, gia đình cũng cần đưa bệnh nhân tơi cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị kịp thời, không sử dụng các biện pháp đắp lá, thuốc nam để điều trị khiến tình trạng nhiễm trùng càng nặng nề hơn. Nếu vết thương không được điều trị kịp thời, hoại tử lan rộng, bệnh nhân có thể phải cắt cụt chân tay và thậm chí còn nguy hiểm tới tính mạng.

T.Nguyên
Theo GiadinhNet