Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:15
RSS

'Quan' bóng đá chửi tục và câu chuyện buồn về văn hóa ứng xử

Thứ năm, 24/05/2018, 06:48 (GMT+7)

Không chỉ là một môn thể thao, bóng đá là văn hóa. Cả người tổ chức lẫn cầu thủ, người hâm mộ đều cần ứng xử có văn hóa bởi họ là đại diện cho thể thao văn minh trong xã hội hiện đại.

Văn minh như bóng đá Việt Nam
Bóng đá luôn cần những fan hâm mộ văn minh

Ở Italia, bóng đá như một thứ tôn giáo. Người hâm mộ đến sân cổ vũ cho đội bóng yêu thích được thoải mái thể hiện tình yêu, nhưng trong khuôn khổ luật pháp. Đó là văn hóa cổ vũ. 

Ở Anh hay Tây Ban Nha, khán giả và cầu thủ thậm chí không có khoảng cách. Họ ngồi xem bóng đá trật tự, cổ vũ có văn hóa. Đó là văn minh.

Về phía những người tổ chức, họ chịu sự tác động rất lớn của cụm từ “văn hóa ứng xử”. Họ phải ứng xử thật chuyên nghiệp với các cầu thủ, huấn luyện viên để những người này còn quyết tâm cống hiến vì một thứ bóng đá đẹp mắt, quyến rũ, lôi kéo khán giả đến sân.

Ban tổ chức cũng phải ứng xử thật văn hóa với khán giả, người hâm mộ để họ không ngừng ủng hộ, đầu tư cho bóng đá, làm cho bóng đá ngày càng thêm đẹp, thêm phát triển. Qua đó tăng giá trị thương hiệu, tăng lợi nhuận cho giải đấu. Đôi bên đều có lợi.

Với chính những người trong cuộc, những người tổ chức cuộc chơi, họ như một khối sức mạnh, phối hợp nhịp nhàng, làm việc chuyên nghiệp. Trước hết, họ cống hiến vì tình yêu với bóng đá, không vụ lợi, không toan tính. Nhờ thế, Premier League, La Liga, Serie A mới vươn tầm trở thành những giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh.

Còn với V-League, "cơn gió lành" mang tên HAGL dường như vẫn tạo được hiệu ứng rất tích cực. Những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh... xuất hiện ở đâu là sân đó chật kín khán giả. 

Người hâm mộ mê hoặc HAGL không chỉ bởi lối đá ban bật đẹp mắt mà đó còn là cách ứng xử văn hóa của "những đứa trẻ" nhà bầu Đức. Hiếm khi thấy các cầu thủ của đội bóng phố Núi chơi bóng thô bạo hay phản ứng thái quá.

Tương tự, Hà Nội FC với lứa cầu thủ tài năng như Văn Quyết, Quang Hải Văn Hậu... cũng đang hướng đến lối chơi đẹp. Thậm chí một đội bóng nổi tiếng "chém đinh chặt sắt" trong quá khứ như SLNA thì hiện tại cũng chơi rất mềm mại, uyển chuyển.

Cầu thủ và nhiều đội bóng thay đổi tích cực nhưng "thượng tầng", các cấp lãnh đạo thì sao? VFF là cơ quan quản lý nhà nước về bóng đá, lùm xùm vụ bầu cử khóa mới. Thế nhưng "vết nhơ" lớn nhất là chuyện Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Trần Mạnh Hùng chửi Phó Ban trọng tài Dương Văn Hiền bằng những lời lẽ chợ búa, thô tục.

Dù ông Hùng đã phải từ chức nhưng dư âm để lại cho bóng đá Việt vẫn rất lớn. Nhiều người ngỡ ngàng khi một "quan" lớn của nền bóng đá nước nhà lại có cách ứng xử như thế. Bóng đá Việt vẫn tồn tại những lãnh đạo như thế quả thật đáng lo ngại cho cả một nền bóng đá.

Văn minh như bóng đá Việt Nam 2
Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Trần Mạnh Hùng vừa buộc phải từ chức sau lùm xùm chửi Phó Ban trọng tài Dương Văn Hiền.

Không đơn giản mà bóng đá được coi là môn thể thao vua. Bóng đá cũng không đơn giản là môn thể thao được nhiều người yêu thích nhất, có ý nghĩa kết nối lớn nhất. Bóng đá còn là một nét đẹp thể hiện sự văn minh của một quốc gia. Ở đó, người tổ chức, người thực hiện, đến cầu thủ, người hâm mộ cùng chung một quan điểm là vì cái đẹp.

Chính vì lẽ đó, người làm bóng phải biết gạt bỏ cái ích kỷ cá nhân mà hướng tới cái chung, cái văn hóa, cái hiệu quả đối với trọng trách được xã hội tin tưởng, giao phó thì khi đó mới mong bóng đá nước nhà phát triển lên được. Nhưng khó lắm thay.


Xem thêm Clip: Chửi phó ban trọng tài VFF, Phó chủ tịch VPF Trần Mạnh Hùng từ chức

Minh Nam
Theo Đời sống Plus/GĐVN