Vĩ Hào (bên phải) cùng các đồng đội ăn mừng chức vô địch ASEAN Cup 2024. Ảnh: INT.
Để giành chức vô địch, huấn luyện viên Kim Sang Sik cần lựa chọn nhân sự hợp lý, xây dựng chiến thuật phù hợp với lực lượng hiện tại.
Nhận diện khó khăn
Nước chủ nhà SEA Games 33 Thái Lan đã quyết định áp dụng quy định chỉ sử dụng cầu thủ U22 cho môn bóng đá nam. Các đội tuyển chỉ được đăng ký những cầu thủ sinh từ ngày 1/1/2003 trở về sau, mà không có suất dành cho cầu thủ quá tuổi (trên 22 tuổi).
Quy định này nhằm thúc đẩy sự phát triển của bóng đá trẻ Đông Nam Á. Tuy nhiên, đây sẽ là trở ngại khó khăn cho tham vọng giành Huy chương Vàng của U22 Việt Nam đồng thời đặt ra thử thách lớn với huấn luyện viên Kim Sang Sik trong quá trình xây dựng lực lượng.
Sự xuất hiện của tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son đã tạo ra bước ngoặt mới cho đội tuyển Việt Nam. Cú đúp giải thưởng “Vua phá lưới” và “Cầu thủ xuất sắc nhất” ASEAN Cup 2024 của tiền đạo 27 tuổi này đã chứng minh điều đó. Vậy nên, không chỉ khán giả mà ngay cả chiến lược gia người Hàn cũng bày tỏ mong muốn Son nhanh chóng bình phục chấn thương để góp mặt trong đội hình U22 Việt Nam, với vai trò cầu thủ quá tuổi. Nhưng người Thái, với quyền lực của chủ nhà SEA Games 33 đã xóa bỏ quy định cho phép đội U22 sử dụng cầu thủ quá tuổi.
Ở những kỳ SEA Games gần đây được sử dụng cầu thủ quá tuổi, U22 Việt Nam đã tận dụng rất tốt nguồn lực này để gia tăng sức mạnh đội hình, đặc biệt là ở vị trí cần kinh nghiệm như tiền vệ trung tâm và tiền đạo.
Đơn cử, SEA Games 30 năm 2019, U22 Việt Nam với 2 cầu thủ quá tuổi là Hùng Dũng và Trọng Hoàng đã giành Huy chương Vàng đầu tiên sau 60 năm. Trong vai trò tiền vệ trung tâm, Hùng Dũng trở thành nhạc trưởng, giúp U22 Việt Nam kiểm soát thế trận, hỗ trợ tấn công và phòng ngự xuất sắc. Trọng Hoàng bên cánh phải, vừa hỗ trợ phòng ngự vừa tham gia tấn công ấn tượng. Cả hai đều đạt phong độ cao, đóng góp rất lớn vào thành tích lịch sử của U22 Việt Nam.
Đến kỳ đại hội trên sân nhà năm 2022, huấn luyện viên Park Hang Seo đã tận dụng tối đa nhóm cầu thủ quá tuổi với Hùng Dũng, Hoàng Đức và Tiến Linh. Những gương mặt này đã chơi rất chững chạc, kiểm soát trận đấu tốt và cùng các đàn em bảo vệ thành công chức vô địch. Trong đó, Hùng Dũng tiếp tục đóng vai trò thủ lĩnh tuyến giữa, giữ nhịp và tạo đột biến bằng những đường chuyền chất lượng. Hoàng Đức hỗ trợ tấn công mạnh mẽ, chơi sáng tạo và kết nối tốt với hàng công. Tiến Linh là tiền đạo chủ lực, ghi bàn thắng duy nhất giúp Việt Nam thắng Thái Lan 1-0 ở chung kết. Nhưng ở SEA Games 32, không được tăng cường cầu thủ quá tuổi trở thành một nguyên nhân hàng đầu khiến U22 Việt Nam chỉ đứng hạng ba.
Như vậy, trong 2 lần môn bóng đá nam SEA Games cho tăng cường cầu thủ quá tuổi, U22 Việt Nam đều đăng quang. Không có cầu thủ quá tuổi, U22 Việt Nam gặp khó khăn trong các trận đấu lớn. Hàng tiền vệ và hàng công thi đấu mờ nhạt, bế tắc. Đây sẽ là thử thách thực sự tiềm ẩn nhiều rủi ro với huấn luyện viên Kim Sang Sik, đặc biệt khi các đối thủ mạnh trong khu vực cũng đang đầu tư mạnh vào bóng đá trẻ. Ở những trận quan trọng, có tính chất loại trực tiếp như bán kết hoặc chung kết, bản lĩnh và kinh nghiệm của các cầu thủ lớn tuổi thường là yếu tố quyết định cho chiến thắng.
Khuất Văn Khang không ngừng thi đấu cho các cấp độ đội tuyển trong 2 năm qua. Ảnh:Hoàng Linh.
Thực tế, không có những vị trí lớn tuổi dẫn dắt trên sân cũng như trong phòng thay đồ, các cầu thủ trẻ Việt Nam dễ bị tâm lý, mắc sai lầm trong các trận cầu căng thẳng. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi đối đầu với những đối thủ giàu thể lực và chơi áp sát như Indonesia, Thái Lan hay Malaysia.
Ngoài ra, U22 Việt Nam sẽ thiếu người có năng lực và bản lĩnh điều phối lối chơi và vực dậy tinh thần đồng đội khi bị dẫn bàn. Hùng Dũng tại SEA Games 30 và 31 luôn là người giữ nhịp trận đấu và làm điểm tựa tinh thần cho đồng đội. Trọng Hoàng trở thành chỗ dựa cho các cầu thủ trẻ, giúp đội không bị vỡ trận khi gặp khó khăn.
Nhóm cầu thủ quá tuổi có thể lực, sức mạnh và kinh nghiệm va chạm tốt hơn so với các cầu thủ trẻ. Không có họ, U22 Việt Nam dễ bị lép vế trong các tình huống tranh chấp tay đôi với các đối thủ như Indonesia hay Thái Lan, vốn có nền tảng thể lực rất tốt. Đơn cử như SEA Games 32, hàng tiền vệ U22 Việt Nam không có cầu thủ đủ sức tranh chấp ở giữa sân, dẫn đến việc bị Indonesia dễ dàng áp đảo và đánh bại ở bán kết.
Đặc biệt, một đội hình trẻ hoàn toàn sẽ gặp khó khăn trong việc tổ chức lối chơi, kiểm soát thế trận, đặc biệt là khi bị đối thủ pressing tầm cao. Ông Kim sẽ phải chú trọng về chiến thuật để bù đắp khoảng trống kinh nghiệm, đồng thời tìm kiếm cầu thủ có tố chất lãnh đạo, đảm nhận vai trò dẫn dắt đội bóng.
Việc huấn luyện viên Park Hang Seo từng giúp U22 Việt Nam giành 2 Huy chương Vàng SEA Games liên tiếp (2019, 2022) chắc chắn sẽ tạo ra áp lực vô hình đối với huấn luyện viên Kim Sang Sik tại SEA Games 33.
Người hâm mộ muốn U22 Việt Nam trở lại vị thế số một Đông Nam Á sau thất bại ở SEA Games 32. Đáng chú ý, chức vô địch ASEAN Cup 2024 cùng đội tuyển Việt Nam cũng vô hình trung đẩy trọng trách của ông Kim lên tầm cao mới. Nếu không thể giúp U22 Việt Nam vào đến chung kết, hoặc vô địch SEA Games, chiến lược gia người Hàn có thể chịu áp lực sa thải hoặc bị đánh giá thấp.
Cái khó nữa của U22 Việt Nam hiện nay nằm ở lối chơi. Thời huấn luyện viên Park Hang Seo, đội tuyển và U22 Việt Nam nhất quán sơ đồ chiến thuật 3-4-3 linh hoạt, có thể chuyển thành 5-4-1 khi phòng ngự. Lối chơi phòng ngự phản công hiệu quả, tận dụng tốc độ và sự kỷ luật của cầu thủ đã giúp bóng đá Việt Nam trải qua chu kỳ thành công rực rỡ, lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, vô địch AFF Cup 2018 và 2 Huy chương Vàng SEA Games...
Trong khi đó, huấn luyện viên Kim Sang Sik theo đuổi lối chơi kiểm soát bóng và tấn công trung lộ, nhưng liệu điều đó có phù hợp với U22 Việt Nam hay không? Thế nên, ông Kim cần tìm ra chiến thuật phù hợp với tố chất các cầu thủ trẻ Việt Nam, chứ không chỉ áp đặt triết lý cá nhân giống như cách ông đã làm ở đội tuyển Việt Nam.
Viktor Lê (giữa) ăn mừng bàn thắng trong màu áo câu lạc bộ Hà Tĩnh. Ảnh: Ngọc Nhất.
Chất lượng khá ổn
Mặc dù vậy, U22 Việt Nam có nhiều thuận lợi hướng tới SEA Games 33, với mục tiêu vô địch. Theo đó, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và huấn luyện viên Kim Sang Sik đã chủ động xây dựng phương án từ rất sớm.
Trong năm 2024, U22 Việt Nam đã tham gia giải giao hữu quốc tế tại Trung Quốc được đối đầu với các đội mạnh như Trung Quốc, Uzbekistan và Nhật Bản Điều này giúp các cầu thủ trẻ tích lũy kinh nghiệm và nâng cao trình độ. Ngoài ra, việc triệu tập nhiều cầu thủ U22 vào đội tuyển quốc gia đã giúp họ làm quen với môi trường thi đấu đỉnh cao và sẵn sàng cho các giải đấu quan trọng trong năm 2025.
Cụ thể, trong quá trình chuẩn bị cho ASEAN Cup 2024 của đội tuyển Việt Nam, những cầu thủ trẻ tiềm năng - nòng cốt trong đội hình tham dự SEA Games 33 - được tập trung như thủ môn Trung Kiên, tiền vệ Văn Khang, Văn Trường, Thái Sơn, tiền đạo Đình Bắc, Quốc Việt, Vĩ Hào... Một số gương mặt nổi bật đã trụ lại, đóng góp đáng kể vào chức vô địch ASEAN Cup 2024. Trong đó, Văn Khang ra sân trong nhiều trận đấu quan trọng. Vĩ Hào ghi 1 bàn thắng và 1 pha kiến tạo.
Và cũng phải nhắc lại, đội tuyển Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Philippe Troussier đã có một loạt kết quả đáng buồn, khiến ông thầy người Pháp phải ra đi. Nhưng chiến lược trẻ hóa đội tuyển Việt Nam của ông Troussier đã giúp nhiều cầu thủ U22 trưởng thành, như Văn Khang, Thái Sơn, Đình Bắc, Thanh Nhàn, Văn Cường, Ngọc Sơn.
Trong năm 2025, U22 Việt Nam được tạo điều kiện tập trung, tập huấn cùng thời điểm các đợt FIFA Days. Theo kế hoạch, trong đợt hội quân đầu tiên trong năm nay, các tuyển thủ trẻ sẽ tiếp tục tham dự giải “Tứ hùng” U22 quốc tế tại Trung Quốc vào tháng 3 tới.
Đặc biệt, đội tuyển U22 Việt Nam hướng đến SEA Games 33 được xác định sẽ tham dự vòng loại U23 châu Á, dự kiến diễn ra vào tháng 9/2025. Lễ bốc thăm sẽ diễn ra trong tháng 6/2025. Đây là cơ hội tốt để huấn luyện viên Kim Sang Sik thử nghiệm lối chơi, đồng thời xây dựng bộ khung tốt nhất cho U22 Việt Nam.
Bên cạnh đó, với chính sách nhập tịch cầu thủ mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đang áp dụng, huấn luyện viên Kim Sang Sik có thêm điều kiện tuyển quân, khi nguồn lực cầu thủ Việt kiều về nước ngày càng nhiều, khát khao cống hiến và thi đấu cho đội tuyển Việt Nam. 20 tuổi, Lê Khắc Viktor (Viktor Lê) trở về Việt Nam vào năm 2023. Cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo CSKA Moscow (Nga) được câu lạc bộ Bình Định ký hợp đồng. Đến mùa 2023 - 2024, Viktor Lê chuyển đến Hà Tĩnh và được ra sân nhiều hơn. Viktor Lê ngày càng tiến bộ hơn về chuyên môn và nhận quốc tịch Việt Nam vào tháng 12/2024.
Một cầu thủ Việt kiều khác cũng có quốc tịch Việt Nam khi trở về quê hương chơi bóng là Lê Trung Vinh. Cầu thủ 22 tuổi này từng là thành viên đội U19 MLS lọt vào bán kết Giải U19 toàn nước Mỹ. Trung Vinh gia nhập câu lạc bộ TPHCM vào năm 2023 và được cho đội Bà Rịa - Vũng Tàu mượn thi đấu ở hạng Nhất 2023 - 2024, và hiện thi đấu cho Đồng Tháp ở hạng nhất 2024 - 2025. Andrej Nguyễn An Khánh (Andrej Nguyễn, sinh năm 2005) thi đấu ở CH Czech sẽ là phương án triển vọng cho U22 Việt Nam. Đặc biệt, cầu thủ này đã được huấn luyện viên Troussier đưa vào danh sách U23 Việt Nam dịp FIFA Days tháng 6 và tháng 9/2023.
Ngoài ra, trung vệ Zan Nguyễn sinh năm 2006 sở hữu chiều cao ấn tượng 1,9m, hiện thuộc biên chế câu lạc bộ TPHCM, tham dự V-League 2024 - 2025. Zan Nguyễn sở hữu phong cách thi đấu an toàn, đơn giản và hiệu quả, mang lại lợi thế trong các pha tranh chấp và không chiến. Tuy nhiên, do mới 19 tuổi và thiếu kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao, Zan Nguyễn cần thêm thời gian cũng như cơ hội để phát triển và hòa nhập với môi trường bóng đá Việt Nam. Nếu tiếp tục nỗ lực và cải thiện, anh có thể trở thành một trung vệ chất lượng trong tương lai, đồng thời là lựa chọn tiềm năng cho đội tuyển U22 Việt Nam tham dự SEA Games 33.
Rõ ràng, về nhân sự, lứa U22 Việt Nam năm nay khá ổn, ở cả 3 tuyến. Nhiều đội bóng ở V-League và giải hạng Nhất 2024 - 2025 tiếp tục tin dùng cầu thủ trẻ, như Sông Lam Nghệ An, Hoàng Anh Gia Lai... Điều đó giúp huấn luyện viên Kim Sang Sik có điều kiện mở rộng biên độ tìm kiếm và lựa chọn ra những cầu thủ tốt nhất cho U22 Việt Nam.
Một điểm thuận lợi của huấn luyện viên Kim Sang Sik và U22 Việt Nam là việc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam để sắp xếp lịch thi đấu mùa giải 2025 - 2026 trên nguyên tắc đảm bảo tốt nhất cho các đội tuyển và hài hòa, cân đối với lợi ích của các câu lạc bộ. Tuy chưa có quyết định chính thức, song U22 Việt Nam gần như được bảo đảm về quỹ thời gian, nhân sự tốt nhất vào thời điểm tham dự SEA Games 33.