Thứ bảy, 18/01/2025 | 11:15
RSS

Phương Tây gióng chuông cảnh báo về thảm họa toàn cầu

Thứ hai, 02/12/2024, 16:38 (GMT+7)

Diện tích đất cằn cỗi đã vượt quá diện tích Nam Cực và lên tới 15 triệu km2, tờ Guardian đưa tin dẫn tài liệu “Rút lui khỏi bờ vực” của Viện nghiên cứu về Biến đổi khí hậu Potsdam.

Cháy rừng gây ô nhiễm không khí và hạn hán là những tác nhân của biến đổi khí hậu. Ảnh CF

Theo tài liệu này, tình trạng thoái hóa đất đang diễn ra trên toàn cầu với tốc độ 1 triệu km2 mỗi năm, làm suy yếu trầm trọng các nỗ lực ổn định khí hậu, bảo vệ thiên nhiên và đảm bảo nguồn cung cấp lương thực bền vững.

Ấn phẩm lưu ý rằng cho đến gần đây, các hệ sinh thái trên cạn vẫn hấp thụ gần một phần ba lượng ô nhiễm carbon dioxide do con người tạo ra, ngay cả khi lượng khí thải này tăng gấp đôi. Tuy nhiên trong thập kỷ qua khả năng hấp thụ lượng CO2 dư thừa của cây và đất đã giảm 20% do nạn phá rừng và biến đổi khí hậu.

Nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng tiêu cực này là việc áp dụng các biện pháp nông nghiệp không bền vững, khiến 80% diện tích rừng bị mất.   

 Về ngắn hạn, việc sử dụng nhiều tài nguyên như vậy có thể làm suy giảm năng suất đất và dẫn đến suy giảm chất lượng dinh dưỡng của cây trồng. Điều này dẫn đến tình trạng sa mạc hóa ngày càng nhanh và hình thành những cánh đồng bụi. Nghiên cứu đã xác định một số điểm nóng về suy thoái đất ở các vùng khô hạn như Nam Á, miền bắc Trung Quốc các vùng đất bằng trên cao nguyên và California ở Mỹ cũng như khu vực Địa Trung Hải. 1/3 nhân loại hiện đang sống ở các vùng đất khô cằn chiếm 3/4 châu Phi.

Các tác giả nghiên cứu kêu gọi cần khẩn cấp xem xét lại chiến lược nhằm tránh sử dụng đất một cách không bền vững, gây nguy hiểm cho khả năng Trái đất hỗ trợ sức khỏe con người và môi trường.

Nghiên cứu này nhằm mục đích thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu về quản lý đất đai bền vững trước hội nghị thượng đỉnh của 200 quốc gia diễn ra vào tuần này tại Riyadh, Ả Rập Saudi, theo Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD).

PV (Theo Sputnik)
Theo Dân Việt