Chủ nhật, 24/11/2024 | 10:19
RSS

Phụ nữ nên nhớ: Hạnh phúc không thể dạy bạn điều gì, chỉ nỗi đau mới có thể

Thứ bảy, 30/05/2020, 06:45 (GMT+7)

Hai lần kết hôn, hai lần ly hôn, nhưng với chuyên gia thương hiệu Ann Dan (Hoài Anh), những sai lầm và thất bại ấy đã cho cô cơ hội để thoát ra khỏi hai chữ “ổn định” mà sống một cuộc đời đột phá và hạnh phúc từng phút giây.

Nếu một ngày sự ổn định của bạn bị phá vỡ, bạn sẽ ngồi đó để khóc than luyến tiếc hay sẽ mạnh mẽ nói lời tiễn biệt để xây lại tương lai trên những ngổn ngang? Chuyên gia thương hiệu Ann Dan (Hoài Anh) đã trải qua giai đoạn ấy ở tuổi 30, tuổi mà lẽ ra người phụ nữ phải đạt sự ổn định theo quan niệm truyền thống thì cô từ bỏ tất cả để làm lại cuộc đời. Đã có lúc tiếc nuối vì giá như mình trẻ ra 10 tuổi, song cô chấp nhận rằng: Thà sai sớm rồi đứng dậy, còn hơn sai muộn rồi mãi mãi không dậy nổi nữa. Và hạnh phúc chỉ đến khi người phụ nữ dám sống cho chính mình.

Cuộc sống ổn định đa phần không khiến chúng ta hạnh phúc

Cha mẹ sinh ra con gái, ai cũng mong hai chữ ổn định, bình yên. Các cô gái lớn lên với bao ước mơ hoài bão, nhưng đến tuổi cập kê cũng chỉ mong hai chữ ổn định: công việc trôi chảy, lấy chồng, sinh con, cuộc sống nhàn hạ. Ổn định trở thành một thước đo quan trọng để đánh giá một cô gái sướng hay khổ. Hoài Anh nghĩ gì về quan điểm này?

Tôi hay bất kỳ người phụ nữ nào thuộc thế hệ 8x hoặc một phần 9x đều được dạy như vậy. Đa số cũng vô thức làm theo như một điều hiển nhiên. Chúng tôi sống như mô-tuýp mà gia đình, quan niệm xã hội vẽ ra. Nhưng, khác với những gì được dạy là trong thực tế, cuộc sống đó đa phần không khiến chúng tôi hạnh phúc. Trái lại, nó khiến chúng tôi chật vật với những nỗi lo cơm áo gạo tiền, những khúc mắc về sự kìm kẹp, coi thường... nhỏ mọn của cuộc đời. Vậy theo bạn, điều đó có tốt không? 

Nhưng nhìn ở góc độ truyền thống hay hiện đại, ổn định cũng là một điều tốt. Đó là nền tảng của sự bình an, cân bằng. Tuy nhiên một người đã từng trải qua cuộc sống ổn định trong nhiều năm như Hoài Anh chắc hẳn biết về mặt trái của nó…

Là bạn luôn phải phụ thuộc vào một điều gì hoặc một người nào đó. Bạn sống cuộc đời của mình mà như phải sống hộ người khác vậy. Bạn ổn định nơi ở, ổn định công việc, ổn định với cuộc hôn nhân và ổn định với giờ giấc ăn ngủ làm việc. Nhưng tâm hồn bạn, tâm trí bạn thì xao động như những cơn sóng chỉ trực trào lên.

Trước khi tôi quyết định nghỉ làm báo để chuyển sang công việc marketing hoàn toàn mới mẻ, tôi từng nói chuyện với anh trai mình - một cựu giảng viên Đại học Bách Khoa. Tôi nhớ mãi lời của anh: "Ổn định không phải từ cuộc sống bên ngoài, từ một ai đó mang đến. Khi bản thân đủ bản lĩnh, tài năng để đi đâu cũng sống được, sống hạnh phúc mới thực sự là ổn định". Thời thế thay đổi rồi, khái niệm "ổn định" cũng nên dần đổi thay! 

Phần đa mọi người đều tin rằng, một người phụ nữ ổn định sẽ thu hút những người đàn ông trưởng thành, có sự nghiệp tốt vì họ mong chờ cô ấy sẽ dành trọn thời gian chăm lo cho gia đình thay vì hướng ngoại, theo đuổi những ước mơ riêng. Vì thế, về mặt gián tiếp, phụ nữ thích sự ổn định sẽ có tương lai an nhàn hơn chăng?

Bạn có cảm thấy suy nghĩ này rất ích kỷ đối với người phụ nữ không? Đàn ông hiện đại không ích kỷ như vậy đâu. Bạn hãy nhìn những cặp đôi nổi tiếng như Trấn Thành - Hariwon, Thủy Tiên - Công Vinh hoặc diễn viên Lã Thanh Huyền và ông xã Trần Anh... Họ đều thành công trong lĩnh vực riêng và rất hạnh phúc. Trong thế giới hiện đại, một cặp đôi muốn hạnh phúc không thể một người tiến một người dậm chân tại chỗ, thậm chí đi lùi về tư duy. Vợ chồng lệch lạc về tư duy sẽ không thể tìm được tiếng nói chung, chứ đừng nói đến việc sống hạnh phúc. Sống không hạnh phúc thì an nhàn hay ổn định đâu còn ý nghĩa gì?

Mà đừng nói phụ nữ hiện đại hướng ngoại không biết vun vén nhà cửa, con cái hay bếp núc nhé. Tôi thậm chí thấy họ còn làm tốt hơn phụ nữ bình thường nữa kìa. Người phụ nữ thành công là người phụ nữ thông minh, mà người thông minh thì làm gì cũng giỏi chỉ cần họ muốn làm. Khi họ đã bắt tay vào làm, mọi thứ đều hoàn hảo.

Có thể trong lòng người phụ nữ cũng là những khao khát cháy bỏng được thỏa chí tang bồng như nam giới, nhưng những định kiến xã hội, rồi cách họ được giáo dục khiến họ không dám thoát ra khỏi vòng an toàn của bản thân để lựa chọn một sự đột phá cho cuộc đời mình. Vì nhỡ đâu ngoài kia là bão tố, sẽ nhấn chìm cuộc đời họ trước khi đổi thay. Vậy thì ổn định vẫn hơn chứ?

Tôi không khuyên tất cả các cô gái hãy chọn xông pha, bởi có những người bản tính quá hiền lành, nhút nhát thì việc bước ra là liều thuốc độc với họ. Tất nhiên, tính tình đều có thể thay đổi. Tôi cũng từng thay đổi từ một cô gái sống nội tâm, dịu dàng trở thành một người phụ nữ như bạn thấy. Điều quan trọng ở đây là họ có đủ động lực để thay đổi và vượt qua nỗi sợ hay không mà thôi. Khi động lực đủ lớn, mọi kỹ năng đều có thể học được!

Thà sai sớm rồi đứng dậy, còn hơn sai muộn rồi mãi mãi không dậy nổi nữa

Nếu lựa chọn đột phá thay vì ổn định, phụ nữ - phái yếu - nhất định không tránh khỏi việc tổn thương khi đương đầu với những thách thức, những cơn bão cuộc đời. Họ phải làm gì và phải trang bị những gì để hạn chế những tổn thương?

Trước khi bước ra ngoài, bạn phải biết chắc chắn sẽ sai, sẽ thất bại. Và khi bạn thất bại, bạn sẽ bị chê cười, bị dèm pha, nhiếc móc. Việc của bạn là phải giũ bỏ được cái tôi cá nhân để học từ cái sai ấy. Bạn nên nhớ rằng, hạnh phúc không thể dạy bạn điều gì, chỉ nỗi đau mới có thể.

Chẳng ai có thể thành công ngay từ đầu. Việc thành công ngay cũng là mối nguy, chứ không phải chỉ là may mắn nhé! Nó sinh ra sự tự kiêu, để rồi lúc gặp biến cố bạn rất khó để bước qua, đặc biệt khi đã lớn tuổi. Nên cứ sai đi. Thà sai sớm rồi đứng dậy, còn hơn sai muộn rồi mãi mãi không dậy nổi nữa.

Vậy phụ nữ được gì và mất gì nếu chọn đột phá? So với sự ổn định, những được - mất ấy có xứng đáng để đánh đổi hay không?

Tôi là người phụ nữ chọn đột phá và tôi cảm thấy mình chỉ được chứ không mất, hoặc những thứ thiệt thòi không sá gì so với những thứ tôi nhận được. Đây là thứ bạn sẽ có: sự tự chủ về tài chính, sự ngưỡng mộ của mọi người, sự tự hào của cha mẹ - con cái, sự hãnh diện của bản thân vì đã nỗ lực hết mình... 

Xứng đáng hay không còn tùy thuộc vào khát khao, ước vọng của bạn lớn đến đâu. Với tôi, những gì tôi đang có và sẽ có hoàn toàn xứng đáng với những gì tôi nỗ lực bấy lâu.

Điều này có đúng với những người phụ nữ đã lập gia đình hay không? Đột phá và ổn định, lựa chọn nào ích lợi cho con cái của họ hơn?

Bạn cần nhìn vào sự ngắn hạn và dài hạn để đưa ra lựa chọn. Với những người ổn định, bạn có thể dành nhiều thời gian chăm, đưa đón, dạy dỗ con học nhưng lâu dài chưa chắc bạn đã đủ tư duy, tài chính để lo tốt cho con. Còn với những người chọn đột phá, giai đoạn đầu mới lập nghiệp bạn chắc chắn không có nhiều thời gian cho con. Nhưng khi mọi thứ đã vào quỹ đạo, bạn hoàn toàn có thể tự chủ về thời gian. Lúc đó, bạn muốn cho con học trường nào, đi du lịch ở đâu cũng không cần đắn đo.

Tất nhiên đó là góc nhìn của tôi. Còn chọn cái nào còn phụ thuộc vào cá tính, môi trường, hoàn cảnh và sự giáo dục mà bạn được thụ hưởng.

Thời điểm nào Hoài Anh thấy mình cần thoát ra khỏi sự ổn định để đột phá? Bạn có tiếc vì đã đột phá muộn hay không? 

Đó là khi tôi 30 tuổi. Sinh em bé thứ hai được 2 tháng, tôi tham gia một lớp về marketing và... mê quá. Đêm hôm đó, tôi thức trắng đêm để cân nhắc rồi đưa ra quyết định thay đổi cuộc đời mình. 

Đôi lúc tôi thoáng nghĩ, giá như mình trẻ ra 10 tuổi để chọn lại từ đầu sẽ tốt hơn. Nhưng rồi tôi nhận ra: "Không bao giờ là quá muộn. Nếu mình bắt đầu muộn, hãy nỗ lực gấp đôi, gấp ba người bình thường". Thực ra, kinh nghiệm dài hay ngắn không phải là thứ quyết định thành công. Yếu tố quyết định là bạn yêu nó tới đâu và hiểu bản chất như thế nào.

So với cuộc sống ổn định trước đây, lựa chọn đột phá của Hoài Anh mang lại cho bạn điều gì và lấy đi của bạn điều gì? Giữa ổn định và đột phá, lựa chọn nào mang đến cho Hoài Anh sự bình yên?

Hơn cả bình yên, đây có lẽ là khoảng thời gian vô cùng hạnh phúc. Tôi đã khiến các cô gái trẻ nhận ra sớm giấc mơ của cuộc đời họ. Hơn cả tiền bạc, ở đây là câu chuyện về sự thức tỉnh. Khi bạn dùng câu chuyện cuộc đời mình để gieo ý nghĩa cho cuộc đời người khác có nghĩa bạn đang thực sự SỐNG. 

Với tôi, sống không phải để gom góp được gì cho mình, mà là để lại gì cho cuộc đời. Và tôi đang nỗ lực mỗi ngày để gieo hạt giống ấy, để những cô gái trẻ muốn bứt phá nhưng còn sợ hãi sẽ không phải hối tiếc vì đã bắt đầu muộn như tôi.

Cảm ơn Hoài Anh về cuộc trò chuyện này!

Thái Hưng
Theo Đời sống Plus/GĐVN