Phụ huynh cùng con tham gia một lớp học bổ trợ tại Bắc Kinh.
Khi con trai chưa đầy sáu tháng tuổi, PGS Fan Jieqiong, chuyên gia giáo dục tại Trường ĐH Sư phạm Hoa Đông, Trung Quốc đã nhận được những cuộc gọi chào mời từ các trung tâm huấn luyện dành cho trẻ sơ sinh. Ở đầu dây bên kia, nhân viên tiếp thị giới thiệu về khóa học bò.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bò sớm với sự phát triển trí não, nữ nhân viên thông báo mọi đứa trẻ đăng ký đều chỉ mất 2 tháng để trau dồi kỹ năng này. Một khóa học có giá 10 nghìn nhân dân tệ (khoảng 33 triệu đồng).
Sở hữu bằng tiến sĩ về giáo dục trẻ em, PGS Fan tự tin phớt lờ những cuộc gọi này. Bà mẹ cho rằng, trẻ em cần được phát triển tự nhiên, trong đó, các em sẽ học cách bò từ 5 - 9 tháng tuổi.
Trong hai năm tiếp theo, PGS Fan liên tục nhận được các cuộc gọi quảng cáo về đủ mọi kỹ năng như bơi lội, liệu pháp tương tác giác quan, thậm chí là lớp học kỷ luật. Vì tò mò, chị Fan quyết định cho con học thử.
Lớp học đầu tiên về nghệ thuật được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh với giáo viên là người nước ngoài. Bắt đầu tiết học, giáo viên hướng dẫn 4 đứa trẻ từ 2 - 4 tuổi cách cắt giấy thành hình tam giác hay cuộn dây thép thành hình xoắn ốc bằng tiếng Anh.
Dù hướng dẫn bằng tiếng mẹ đẻ, nhiệm vụ này vẫn quá khó. Kết quả, phụ huynh phải cố gắng dịch lời và hỗ trợ trẻ trong khi các bé khá chán nản với nhiệm vụ này.
Lớp học thể dục sau đó có phần phù hợp với lứa tuổi. 6 trẻ mới biết đi cùng bố mẹ ngồi thành vòng tròn, trong khi một giáo viên, được giới thiệu là “kinh nghiệm thể thao chuyên nghiệp”, đi vòng quanh hướng dẫn trẻ một vài động tác. Sau đó, các em phải xếp hàng để thực hành. Tuy nhiên, việc phải chờ lâu với nhiều động tác phức tạp khiến trẻ dần mất hứng thú.
Chị Fan nhớ lại: “Sau buổi học, nhân viên trung tâm giải thích con trai tôi đang ở độ tuổi quan trọng để phát triển thần kinh vận động. Họ nói cháu sẽ phát triển khả năng vận động và cải thiện não bộ khi tham gia các khóa học rồi bắt đầu nói về những nghiên cứu khoa học mới nhất.
Từ khi sinh con, phụ huynh Trung Quốc đã bị “tấn công” bởi hàng loạt bài viết, video về phương pháp nuôi dạy con cái khoa học. Vì vậy, ý tưởng “thành bại của trẻ được quyết định bởi ba năm đầu đời” đã bám rễ trong các gia đình và là cơ hội để các trung tâm giáo dục sớm phát triển.
Các lớp học này rất khôn khéo khi vin vào những nghiên cứu khoa học để quảng cáo như học nghệ thuật giúp phát triển bán cầu não phải, học tiếng Anh sớm giúp cải thiện khả năng tiếp thu ngôn ngữ. Hơn nữa, dưới tần suất chào mời liên tục, các bà mẹ từ chối quá nhiều được cho là không quan tâm đến sự phát triển của con cái.
Vì vậy, dù hoài nghi, chị Fan vẫn đăng ký cho con theo học một lớp nghệ thuật bằng tiếng Trung Quốc. Khóa học tương đối phù hợp với sự phát triển của trẻ, đồng thời, không yêu cầu phụ huynh phải tham gia nên chị Fan có được vài tiếng nghỉ ngơi mỗi tuần.
“Đây cũng là một yếu tố khiến phụ huynh đăng ký cho con tham gia giáo dục sớm. Không hẳn là họ muốn thúc ép con. Nhưng dù trẻ không tiếp thu được quá nhiều kiến thức, điều này vẫn tốt hơn chỉ ở nhà xem TV với ông bà”, chị Fan bày tỏ.