Thứ năm, 28/03/2024 | 19:25
RSS

Nghe chuyên gia mách bí kíp vàng để cứu sống người bị đuối nước

Thứ tư, 12/07/2017, 19:48 (GMT+7)

Tai nạn đuối nước đã cướp đi sinh mạng của nhiều người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tuy số lượng các vụ đuối nước tăng nhưng nhiều người vẫn thờ ơ với cách xử trí khi bị đuối nước.

Trước tình hình có nhiều trường hợp đuối nước vào mùa hè, chiều ngày 11/7/2017, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tổ chức buổi Hội thảo truyền thông giáo dục sức khỏe với chủ đề “Tư vấn phòng - chống đuối nước và các vấn đề liên quan”.

Cách cấp cứu khi bị đuối nước

Theo TS.BS Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai, nhiều người chưa hiểu đúng về bản chất của đuối nước. Đuối Nước là tình trạng nạn nhân bị suy hô hấp do phổi bị ngạt nước, mũi và miệng của họ chìm trong nước hoặc bất cứ chất lỏng nào khác – nhiều khi bùn, đất, dị vật tràn cả vào đường thở.

Không ít người lầm tưởng: Khi đuối nước nạn nhân sẽ vùng vẫy, kêu cứu ầm ĩ. Nhưng trên thực tế, nạn nhân lại thường nhanh chóng bị suy hô hấp một cách rất “nhẹ nhàng, êm dịu” do mọi người xung quanh không để ý, thậm chí ngay cả khi có bạn bè và gia đình đang ở gần.

TS.BS Lương Quốc Chính cho biết, để cứu nạn nhân đuối nước thì người cứu bắt buộc phải biết bơi (đây là năng lực cơ bản cần phải có) kèm theo đó là những kỹ năng khác. Tóm lại, phải đảm bảo an toàn cho bản thân thì mới hy vọng cứu được người khác.

Ví dụ: Ở vùng nước sâu, nước xoáy, dòng chảy mạnh thì dù biết bơi mà chỉ có một mình cũng không nên nhảy xuống cứu (trường hợp này nên kêu cứu để có sự trợ giúp của nhiều người, hoặc dùng dây quẳng xuống cho nạn nhân nắm lấy rồi kéo vào; hay dùng gậy – móc kéo vào áo, quần nạn nhân lôi vào nơi an toàn hơn). Khi nhảy xuống cứu, nên tiếp cận với nạn nhân từ đằng sau, túm áo, túm tóc để đưa họ vào bờ; không để nạn nhân hoảng loạn bám và kéo dìm người cứu xuống khiến cả hai nguy hiểm.

Sau khi đưa nạn nhân đuối nước lên bờ, cần ngay lập tức kiểm tra việc thở của nạn nhân. Nếu nạn nhân còn thở, người cứu hộ đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn, quan sát nhịp thở và gọi cấp cứu. Nếu nạn nhân không đáp ứng hoặc không thở, cần thực hiện hà hơi thổi ngạt khẩn trương. Sau 5 lần thổi ngạt chuyển sang tiến hành hồi sinh tim phổi: 30 lần ép ngực - 2 lần thổi ngạt.

Tiến hành hồi sinh tim phổi cho tới khi có được sự trợ giúp hoặc nạn nhân đã có đáp ứng. Khi nạn nhân bắt đầu thở trở lại tại bất cứ thời điểm nào, tiến hành khắc phục tình trạng hạ thân nhiệt bằng cách bao phủ lên người nạn nhân áo, chăn ấm và bất kỳ thứ gì có thể.

Nếu nạn nhân hồi phục hoàn toàn, thay quần áo ướt và tiếp tục kiểm tra hô hấp, mạch và mức độ ý thức cho tới khi có sự trợ giúp để vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

đuối nước 1

TS.BS Lương Quốc Chính đang hướng dẫn thực hành sơ cứu trên mô hình. Ảnh: BVBM

Thực tế, đuối nước có thể xảy ra với bất cứ ai, cả người lớn và trẻ nhỏ, người không biết bơi lẫn biết bơi... Đuối nước có thể xảy ra ở sông sâu nhưng cũng có thể xảy ra trong ao cạn, thậm chí ngay cả trong bồn tắm gia đình.

Nguy hiểm chết người nếu đã đuối nước lại ngộ độc khí

Từ vụ đuối nước thương tâm xảy ra mới đây tại xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội khiến 5 người tử vong, nhiều người đặt câu hỏi: Liệu các nạn nhân có thể bị ngạt khí độc gây tử vong trước khi chết vì bị đuối nước hay không?

Về vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Chưa thể khẳng định chắc chắn điều này, phải đợi kết luận của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, thực tế đã có rất những trường hợp ngộ độc khí tự nhiên như khí Metan NH4, Hyđro sunfua H2S trong các ao tù, giếng đọng lâu ngày. Sau đó nạn nhân tiếp tục bị sặc nước và suy hô hấp nặng thêm.

duoi nuoc 2

Khu vực ao làng xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội - nơi 5 nạn nhân đuối nước. Ảnh: VietNamNet

Theo ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, mỗi loại khí có những tác động khác nhau lên cơ thể người. Nhìn chung, biểu hiện thường thấy là nhức đầu, tức ngực, buồn nôn, chóng mặt; nặng hơn là rối loạn ý thức, co giật, hôn mê, suy hô hấp… Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, khí độc sẽ gây thiếu máu lên não, tác động đến hệ thần kinh trung ương, gây rối loạn hệ hô hấp và dẫn đến tử vong. Đặc biệt, trong tình huống ngộ độc khí dưới nước, nếu nạn nhân không được vớt lên nhanh chóng thì tình trạng ngạt nước lại càng khó tránh khỏi.

ThS.BS Nguyên khuyến cáo, khi phát hiện người bị ngộ độc khí trên cạn, cần bình tĩnh và nhanh chóng thực hiện các bước sau đây:

1. Mở hết tất cả các cửa (nếu là phòng kín) và đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nhiễm độc. Lưu ý: Người cấp cứu phải chú ý đảm bảo an toàn cho bản thân, trước khi tham gia cứu nạn -  đặc biệt với việc cứu nạn ngạt khí dưới nước.

2. Nếu nạn nhân còn tỉnh, nên để nạn nhân nghỉ ngơi ở nơi thoáng khí. Hà hơi, thổi ngạt nếu nạn nhân thở yếu hoặc có dấu hiệu ngừng thở.

3. Gọi cấp cứu và nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

tai nạn đuối nước 3

Ao tù, nước đọng là nơi nguy cơ tiềm ẩn ngộ độc khí. Ảnh minh họa

“Khí độc trong tự nhiên thường tồn tại ở những nơi ao tù nước đọng, hầm hào yếm khí, hang hốc, giếng nước tù đọng lâu ngày... Để tránh ngộ độc khí trong tự nhiên, chúng ta nên tránh xa những nơi này; tuyệt đối không bơi lội, tắm ở những nơi ao tù, nước đọng lâu ngày dù nước rất cạn bởi những nơi đó cũng tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường” - BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết.

Hoài Hương
Theo Đời sống Plus/GĐVN