Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:24
RSS

Ông Phạm Minh Huân: "Lộ trình cải cách tiền lương: Nói nhiều nhưng chưa làm được mấy!"

Thứ hai, 29/03/2021, 16:55 (GMT+7)

Công việc cải cách tiền lương đã được khởi động từ lâu, thế nhưng đến nay vẫn chưa thể đạt được mục tiêu và kỳ vọng. Không chỉ vấn đề về tạo nguồn, một loạt các vấn đề về tinh giản biên chế, sắp xếp cơ cấu nhân sự... cũng chưa được giải quyết.

Việc cải cách tiền lương đang chậm, chưa có lộ trình!

Năm 2018, Việt Nam bắt tay thực hiện cải cách tiền lương, khởi đầu  là việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Mục tiêu giai đoạn 2018-2020 là: Tiếp tục điều chỉnh tăng mức lương cơ sở, không bổ sung các loại phụ cấp mới theo nghề; thực hiện sắp xếp công việc, tinh giảm biên chế.

Tuy nhiên, thực tế việc điều chỉnh tăng lương cơ sở đã không thực hiện được, phải lùi lại vì kinh tế khó khăn do tác động của dịch Covid -19.

Ông Phạm Minh Huân - Nguyên thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & xã hội (LĐTBXH) cho biết, sở dĩ việc cải cách tiền lương của chúng ta đang đi những bước đi chậm chạp là bởi có quá nhiều vấn đề phức tạp, không thể giải cùng một lúc.


Ông Phạm Minh Huân cho rằng, việc cải cách tiền lương là công việc cực kỳ khó khăn, nhưng không phải là không làm được.

Ông Huân cho biết, trước đây mỗi khi tăng lương cơ sở ta kết hợp tăng lương hưu luôn. Nhưng kế hoạch tăng lương cơ sở từ 1/7/2020 đã phải tạm lùi. Nếu tách biệt lương hưu đi riêng, tại chức đi riêng cũng tốt, nhưng thực hiện thế nào để người dân không sốc, không bị tâm lý.

"Việc thực hiện Cải cách tiền lương cần có sự cân nhắc, lộ trình cần có sự tính toán cụ thể, hài hòa", ông Huân nói.

Việc cải cách, tăng lương cần tính toán dựa trên chỉ số trượt giá, tốc độ phát triển kinh tế...

Về cải cách lương hưu không quá lo vì có hai nguồn. Một nguồn từ ngân sách Nhà nước, nguồn thứ 2 là từ nguồn của quỹ BHXH. Với những người về hưu trước năm 1995 thì sẽ dùng ngân sách nhà nước (số này không nhiều). Với những người về hưu từ sau năm 1995 thì do quỹ BHXH chi trả.

Chia sẻ về về mức tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng, ông Huân cho rằng, thực tế, hiện giờ đời sống của một bộ phận người về hưu đang rất khó khăn, nhất là với những người đang hưởng lương hưu dưới 2 triệu đồng. Chính vì thế, khi Bộ LĐTBXH đang đưa Dự thảo lấy ý kiến về việc tăng lương hưu trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng, ông Huân cho rằng nên thực hiện tăng 15%.

"Thay vì tăng vào 1/7/2021 với mức tăng 10%, chúng ta có thể lùi thời điểm tăng tới từ 1/1/2022 và thực hiện tăng 15%. Với người dân tăng càng nhiều càng tốt, vấn đề là ngân sách thế nào có trụ được không", ông Huân nói.

Bộ Tài chính ban hành Quyết định 1927/QĐ-BTC ngày 3/12/2020 công bố công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Theo đó, dự kiến tổng chi ngân sách nhà nước năm 2021 là 1.687.000 tỷ đồng, trong đó chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế: 25.505 tỷ đồng (ngân sách trung ương là 2.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 23.505 tỷ đồng).

Khó nhất vẫn là cải cách tiền lương cho khu vực công

Ông Huân cho rằng, cải cách tiền lương cần thực hiện cho 5 nhóm đối tượng. Nhóm thứ nhất là đối tượng cán bộ công chức, viên chức; thứ 2 là nhóm doanh nghiệp; thứ 3 là nhóm hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội; thứ 4 là nhóm bảo trợ xã hội; thứ 5 là nhóm đối tượng người có công.

Thực tế rất khó để tách bạch các nhóm đối tượng này với nhau, tăng lương cho nhóm này không tăng cho nhóm kia thì rất khó. "Chính vì vậy, cần xác định lộ trình, bước đi cụ thể, anh nào đi trước, anh nào đi sau. Cần tính toán kỹ", ông Huân nói.

Trong 5 nhóm đối tượng cần cải cách tiền lương trên, thì nhóm lao động làm trong DN có vẻ dễ thực hiện hơn cả. Lý do là chỉ cần điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Việc điều chỉnh sẽ được thực hiện dựa trên thực lực nguồn ngân sách của doanh nghiệp. Nhóm đối tượng khó cải cách nhất chính là nhóm 1, cán bộ, công nhân, viên chức. Lý do là bởi số lượng này đông, cần tinh giảm biên chế, sắp xếp lại bộ máy. ông Huân cho rằng: "Thực tế cho thấy tinh giảm chỗ này lại phình ra chỗ kia rất khó kiểm soát".


Cải cách lương cho nhóm đối tượng khu vực công được xem là công việc khó khăn nhất trong cải cách tiền lương.

Ông Huân cũng cho rằng: "Nói thì dễ nhưng làm mới khó. Cải cách thế nào để tiền lương tạo sự đột phá, nâng cao năng suất, chất lượng lao động... Nói thì vậy, nhưng cải cách tiền lương sẽ đụng tới vấn đề nhạy cảm rất phức tạp.".

"Thời gian qua, nói thì nhiều nhưng làm chưa được mấy. Lộ trình cải cách tiền lương đang quá chậm. Động đến tiền lương là động đến tiền, động đến biên chế, động đến đánh giá... Nói thế không phải là không thể cải cách tiền lương được. Việc này vẫn sẽ làm được khi cả hệ thống chính trị quyết tâm, vào cuộc", ông Huân nêu quan điểm.

Thùy Anh
Theo Dân Việt