Chủ nhật, 19/01/2025 | 12:15
RSS

Ông lão U70 hơn 50 năm 'cướp cơm' Hà Bá, vớt hàng trăm xác chết trên sông Hồng

Thứ tư, 18/07/2018, 07:15 (GMT+7)

Gần 50 năm làm nghề “cướp cơm” Hà Bá trên sông Hồng, dù đã bước sang tuổi 'thất thập cổ lai hy' nhưng ông Nguyễn Văn Chít (70 tuổi) vẫn chưa từng nghĩ sẽ “rửa tay gác kiếm”.

Ông lão U70 dành gần 50 năm vớt xác trên sông
Ông lão vớt xác trên sông và bộ “vũ khí tối thượng” là chùm móc câu

Từ nghề chài lưới đến "nghiệp cướp cơm" của Hà Bá

Chúng tôi tìm về thôn Kiến Châu, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, Hưng Yên vào một buổi trưa hè nắng cháy da thịt. Vừa đến đầu làng hỏi thăm nhà ông Nguyễn Văn Chít (70 tuổi) làm nghề vớt xác trên sông thì từ kẻ tóc xanh cho đến người đầu bạc ai cũng biết và tận tình chỉ đường.

Nhà ông nằm trong con ngõ nhỏ ngay sát mép sông Hồng. Vừa đến cổng, thấy chúng tôi, ông Chít mau mắn hỏi: “Cô chú đến có việc gì thế? Có phải nhờ tìm xác người thân không?” khiến chúng tôi giật mình.

Có lẽ ở một nơi heo hút thế này, những người lạ tìm đến ông chắc chắn không phải để viếng thăm, mà trong tâm thế tận cùng khổ đau và tuyệt vọng.

Khi giải thích lý do của cuộc viếng thăm bất ngờ, ông Chít cười phớ lớ, nụ cười của ông nhân hậu đến lạ kỳ tạo thiện cảm cho người đối diện. Mời chúng tôi vào nhà, rót cốc trà mời khách xong, ông liền rót cho mình một chén rượu đầy, ngồi ngửa cổ tu ực một hơi hết veo.

Đôi mắt ông nhìn xa xăm ra khoảng không vời vợi rồi thở dài: “Năm nào cũng thế, cứ vào mùa nước lên là lại xảy ra biết bao vụ chết đuối thương tâm. Mặc dù làm cái nghề vớt xác này đã hơn 40 năm nhưng vẫn chẳng thể quen được.

Nhìn người nhà nạn nhân ngất lên ngất xuống, những tiếng khóc thảm vang một góc trời là lòng lại đau như thắt. Mình là người dưng đã đau thế thì không hiểu người thân của họ còn đau đến mức nào".

Hơn 40 năm nay, người dân ở khắp nơi đều biết đến ông Chít và khi nhắc đến người đàn ông này như một nhân vật dám cả gan “cướp cơm” của Hà Bá. Ông đang làm một cái nghề bất đắc dĩ nhưng vô cùng phúc đức ấy là vớt hàng mấy trăm cái xác chết trên dòng sông Hồng.

Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Hồng, gia đình ông Chít vốn có truyền thống làm nghề chài lưới. Cuộc sống sông nước với ông quen như hơi thở.

Vừa nhấp chén trà, ông Chít nhớ lại lần đắm đò năm 1975 - kỷ niệm đáng nhớ mà đau thương nhất: “Như thường lệ, từ sáng sớm vợ chồng tôi ra sông chuẩn bị đi đánh cá, đi được một đoạn thì nhìn thấy mũ cối, nón, bao thuốc lá... nổi dập dềnh giữa sông.

Linh tính có chuyện chẳng lành, đi thêm một đoạn thì phát hiện có rất nhiều thi thể đang mắc ở bụi cây ven sông. Đây là vụ chìm đò từ Chương Dương trôi xuống. Tôi vớt được 15 thi thể đưa vào bờ và cứu sống 4 người”, ông Chít nhớ lại.

Nghiệp "vớt xác" vận vào ông từ dạo đó. Cứ có người chết trên sông là người ta lại hè nhau gọi ông Chít. 

Nhiều năm qua, người đàn ông này đã không nhớ nổi mình đã vớt bao nhiêu xác chết. Những xác chết ông vớt được có đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ em cho đến người già trên 80 tuổi.

Người chết với muôn ngàn lý do. Vợ chồng không hòa thuận, làm ăn thua lỗ, yêu nhau không đến được với nhau, lỡ có thai… ra sông tự tử, ngoài ra còn những cái chết do sơ ý, sa sẩy, do trượt chân ngã, do đắm thuyền, do không biết bơi…

Khoảng hai tháng trước có một người phụ nữ tìm đến nhà xin ông hãy tìm thi thể con gái giúp. Cô gái ấy còn rất trẻ, đau khổ vì bị người yêu phản bội nên đã nhảy xuống sông tự tử.

"Nước sông khi đó lên cao lắm, chảy cuồn cuộn nên rất khó tìm, tôi bơi thuyền quăng móc dọc một khúc sông dài suốt mấy tiếng đồng hồ mà không thấy. Thực sự lúc đó cũng cảm thấy vô vọng lắm rồi!

Thế mà khi người mẹ đó khóc ngất rồi cầu xin con sống khôn chết thiêng thì đúng lần tung móc xuống tiếp theo thấy ngay. 

Ông lão U70 dành gần 50 năm vớt xác trên sông2
Khúc sông Hồng nơi ông gắn bó cả cuộc đời với nghề chài lưới

Mất ngủ vì những lần vớt xác

Nhiều năm làm nghề không ít lần ông Chít phải "công tác" xa nhà và đối mặt với những khó khăn, sợ hãi.

Kể về chuyến đi Nam Định năm 2004, ông Chít nói: “Lần này nạn nhân là người phụ nữ trung tuổi, lý do cô ấy nhảy sông là do mâu thuẫn với chồng. Nhận được tin báo tôi tức tốc đến hiện trường, gia đình họ nói đã thuê nhiều người tìm kiếm trong suốt mấy ngày qua nhưng đều thất bại.

Ca này tôi đã bơi thuyền tìm kiếm trong suốt mấy ngày liền, phải đến ngày thứ 4 mới thấy. Vụ này thì kinh khủng, xác chết lâu ngày đang ở độ phân hủy mạnh chỉ cần chạm vào là thân thể bong tả tơi nên phải thật nhẹ nhàng, nâng niu thân xác của họ, để giữ nguyên vẹn thân xác cho họ.

Đến khi kéo gần lên đến mặt nước thì mùi từ xác chết phát ra không giống một thứ gì trên đời, lúc đó tôi đã phải cởi áo ra cuốn vào mũi rồi mới dám nhảy xuống sông lấy bao tải bọc vào người họ rồi ôm bơi vào bờ cho gia đình đưa về khâm liệm”.

Không phải trường hợp đuối nước hoặc tự tử nào ông Chít cũng vớt được toàn thây. Có những thi thể khi dùng móc quăng, mới chỉ động vào đã tan ra vì phân hủy. Trong những trường hợp như thế, ông Chít bảo "thôi thì vớt được bộ phận nào thì hay bộ phận đó, có lần vớt được mỗi cái tay, có lần thì được cái chân, phải rà đi rà lại nhiều lần mới lên hết được", lời kể của ông Chít khiến chúng tôi như muốn rụng rời chân tay.

Khi được hỏi về mỗi lần vớt một xác chết ông được bao nhiêu tiền công, ông Chít xua tay: “Tôi sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt chài lưới, việc câu xác chỉ là làm phúc đức. Gia đình hậu tạ bao nhiêu thì tôi cầm thôi chứ không chi li làm gì”.

Rít một điếu thuốc lào, ông Chít lại chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm khi vớt xác: “Vào mùa hè thời tiết nóng, người chết chỉ tầm 2-3 ngày là nổi, nhưng vào mùa đông phải mất đến cả tuần”.

Nhiều năm qua không ít lần ông Chít mất ngủ vì những xác chết mà ông đã vớt. Bởi thi thoảng những hình ảnh đấy cứ hiện lên trong đầu, rõ từng khuôn mặt. “Thế nhưng tôi không thấy sợ hãi, bởi tôi đã cứu họ lên khỏi mặt nước, chắc chắn họ sẽ chẳng làm hại tôi đâu. Điều mà tôi thấy sợ nhất chỉ là cái mùi của xác chết lâu ngày, những lần vớt phải xác như thế tôi mất vài ngày không ăn được cơm”, ông Chít nói.

Hầu hết những người kiếm cơm bằng nghề sông nước đều rất kỵ chuyện vớt xác. Vì theo quan niệm của họ, đó chính là cướp mất "miếng ăn" của Hà Bá nên rất có thể họ sẽ phải chịu sự "trừng phạt". Nhưng ông Chít không nghĩ thế, trong thâm tâm của ông luôn tin rằng vớt thi thể người chết đuối chính là làm phúc, đã làm phúc thì chẳng Hà Bá nào trừng phạt.

“Hồi còn bé bố tôi thường dặn, mình sống trên sông thì không được cứu, vớt người đuối nước vì làm như thế sẽ bị Hà Bá trừng phạt. Nhưng tôi đã không giữ đúng lời. Biết người gặp nạn mà không ra tay cứu giúp là thấy ân hận lắm. Cứu được một mạng người bằng xây mười tòa tháp. Mỗi lần nhìn gia cảnh của người bị nạn khóc lóc, nài nỉ, tôi lại thấy động lòng”, ông Chít nói.

Ở tuổi thất thập nhưng ông Chít chưa từng nghĩ sẽ “rửa tay gác kiếm” vì thật sự không nỡ, mỗi khi gia đình nạn nhân biết được tin người thân mình tự vẫn trên sông Hồng, thì họ lại nước mắt ngắn dài tìm đến nhờ cậy.

Rời nhà ông Chít khi trời đã sẩm tối, chúng tôi chỉ cầu mong cho ông có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục làm công việc vớt xác thầm lặng của mình, để cuộc đời bớt đi những tiếng khóc tìm mẹ, tìm chồng, tìm con… giữa dòng nước trên con sông Hồng đỏng đảnh này.

Nguyễn Long
Theo Đời sống Plus/GĐVN