Thứ sáu, 19/04/2024 | 03:56
RSS

Ông Đinh La Thăng và thuộc cấp đối đáp nhau chan chát tại tòa

Thứ tư, 09/05/2018, 07:50 (GMT+7)

Chiều 8/5, HĐXX tập trung làm rõ kháng cáo của bị cáo Phùng Đình Thực - cựu Tổng Giám đốc PVN. Ông Đinh La Thăng được yêu cầu đối chất lời khai.

Ông Đinh La Thăng và thuộc cấp đối nhau chan chát
Ông Đinh La Thăng và thuộc cấp đối nhau chan chát. Ảnh Dân trí.

Trình bày kháng cáo kêu oan tại tòa phúc thẩm chiều 8/5, bị cáo Thực cho rằng, đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2, hành vi của bị cáo rất hạn chế do sự phân cấp, phân quyền và đặc thù của PVN. Tuy nhiên, tòa cấp sơ thẩm lại đánh giá TGĐ PVN như TGĐ của dự án này và kết án như vậy là quá nặng.

“Tòa sơ thẩm chưa xem xét đúng đặc thù của PVN là tập đoàn lớn, đa ngành nghề. Thời điểm đó không chỉ có Dự án NMNĐ Thái Bình 2 mà trong PVN còn rất nhiều dự án lớn nhỏ, trong đó còn hàng chục dự án trọng điểm.” - cựu TGĐ PVN trình bày và cho biết, PVN đã phân công cho các Phó TGĐ phụ trách cụ thể cũng như phân quyền rất rộng để chủ động giải quyết công việc và chịu trách nhiệm đến cùng, chỉ báo cáo TGĐ khi có vấn đề đặc biệt, Dân trí đưa tin. 

Tiếp đó, bị cáo Thực khẳng định bản thân không chỉ đạo PVPower ký Hợp đồng EPC số 33 sai quy định. Trước ngày 16/6/2011, bị cáo không hề biết hợp đồng này không có căn cứ pháp lý và không có hiệu lực thi hành; bị cáo không có vai trò gì trong việc PVN tạm ứng tiền cho PVC...

“Cấp sơ thẩm chưa cá thể hóa hình phạt; nhiều tình tiết gỡ tội cho bị cáo không được thu thập hoặc không được xem xét, đánh giá toàn diện.” - bị cáo Thực phân trần và cho biết thêm, sau phiên sơ thẩm, bị cáo đã nộp đơn kháng cáo, bổ sung 24 chứng cứ, trong đó có 11 chứng cứ mới hoàn toàn.

Trả lời câu hỏi ai phải chịu trách nhiệm chính trong dự án này?, bị cáo Thực khẳng định, lãnh đạo trực tiếp phụ trách phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, với tư cách Tổng giám đốc, bị cáo nhận thấy mình có phần trách nhiệm. Trách nhiệm hành chính hay hình sự thì mong HĐXX xem xét công tâm. Nếu tòa phúc thẩm giữ quan điểm kết tội bị cáo, bị cáo sẽ bán nhà để khắc phục hậu quả, theo báo Đầu tư.

“Bị cáo bị khởi tố ngày 19 thì ngày 20 cơ quan điều tra có kết luận. Cơ quan điều tra cho bị cáo xem 4 văn bản PVPower gửi lên, bị cáo nói có nhận được những văn bản này nhưng khi về kiểm tra lại bị cáo không nhận được 4 văn bản này. Cái này thể hiện trong hồ sơ lưu trữ của tập đoàn…”, bị cáo Thực giãy bày.

Cũng theo lời khai của bị cáo, hàng ngày PVN có hàng trăm văn bản các loại, không phải đều được gửi đến tay lãnh đạo.  

Bị cáo Vũ Hồng Chương (nguyên giám đốc Ban quản lý dự án NMNĐ Thái Bình 2) khai nhận gửi rất nhiều văn bản lên tập đoàn đề nghị xin tạm ứng nhưng không có hồi âm. Công văn số 378 bị cáo đóng dấu mật và gửi thẳng lên tổng giám đốc nhưng 1 tháng sau mới được xem xét.

Cuộc thẩm vấn tiếp tục xoay quanh cuộc họp ngày 31/3/2011 do ông Đinh La Thăng chủ trì.

Bị cáo Thực cho biết ông có tham dự cuộc họp. Tại cuộc họp đó, ông Vũ Huy Quang (nguyên Tổng giám đốc PVPower) báo cáo về việc cần hoàn thiện hợp đồng EPC số 33. Tuy nhiên, mọi người đều hiểu rằng, do chuyển đổi chủ thể ký hợp đồng, từ PVPower sang PVN nên phải ký lại hợp đồng. Bị cáo khẳng định không nghe được báo cáo rằng hợp đồng chưa đủ tính pháp lý.

Đối chất tại tòa, ông Vũ Huy Quang trình bày trong cuộc họp đó báo cáo hợp đồng 33 chưa hoàn thiện, cần phải xem xét, thay đổi và ký lại hợp đồng.

Phủ nhận lời khai trên, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định, tại cuộc họp ngày 31/3/2011 không có báo cáo của ông Vũ Huy Quang. Tuy nhiên, ở phần kết luận phiên họp, bị cáo vẫn đưa vào nội dung cần phải rà soát ký lại hợp đồng EPC số 33. Lý do vì Tập đoàn quyết định chuyển đổi chủ đầu tư từ PVPower sang PVN.  

Riêng trường hợp bị cáo Phùng Đình Thực, Viện KSND cấp cao nêu quan điểm đề nghị triệu tập chánh văn phòng của PVN thời kỳ 2010-2011 để làm rõ lời khai của bị cáo này.


Xem thêm: 
Luật sư của ông đinh la thăng chịu áp lực như thế nào?​

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN