Thứ sáu, 19/04/2024 | 22:19
RSS

Nuôi chó thả rông và không tiêm phòng dại sẽ bị xử phạt tới 1,6 triệu đồng

Thứ tư, 27/09/2017, 16:19 (GMT+7)

Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, mỗi năm có khoảng 400.000 người bị chó cắn và trên dưới 100 ca tử vong.

 Xử phạt nếu nuôi chó thả rông

Chủ nuôi chó không tiêm phòng Dại cho vật nuôi sẽ bị xử phạt. Ảnh: BYT

Dù đã có nhiều người chết vì bệnh Dại, nhưng một số người dân, người bị chó cắn vẫn chưa hiểu rõ tác hại của bệnh Dại, do vậy không tiêm phòng vắc xin dại cho chó hoặc khi bị chó cắn không đến cơ sở y tế để điều trị dự phòng, hoặc đến cơ sở không được cấp phép điều trị người bị chó dại, nghi bị chó dại cắn để chữa trị. Không ít người bị chó cắn cho rằng việc tiêm phòng Dại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe…

Theo Cục thú y (Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn, hiện vẫn còn tồn tại và bất cập trong Quản lý, đăng ký nuôi chó như:

- Không có sổ hoặc danh sách theo dõi việc đăng ký nuôi chó theo quy định; số chó nuôi nhiều nhưng đăng ký ít; chỉ đăng ký định kỳ, không đăng ký mới khi phát sinh thêm;

- Chó thả rông nhiều, đặc biệt ở các vùng nông thôn;

- Chưa có cam kết: Khai báo đăng ký số chó nuôi theo đúng thực tế ở từng thời điểm; nuôi nhốt, xích chó, rọ mõm chó theo quy định;

- Không thống kê được chính xác: Số hộ nuôi chó, tổng số chó nuôi trong hộ dân...

Tử vong vì bệnh dại

Các tỉnh có ca tử vong vì bệnh Dại năm 2016. Nguồn: Bộ Y tế

Về công tác tiêm phòng chó nuôi, phần lớn các địa phương không có danh sách tiêm phòng cụ thể; Người đi tiêm ký thay danh sách tiêm phòng cho các chủ hộ nuôi chó; Số chó trong cùng một hộ nhiều hơn rất nhiều so với số chó thực tế được tiêm phòng và chưa có cam kết chấp hành tiêm phòng vắc xin Dại cho chó.

Tại Hội nghị tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh Dại do Bộ Y tế phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức sáng ngày 27/9, giải pháp được các đại biểu đưa ra trong thời gian tới là: Xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân không thực hiện việc tiêm phòng vắc xin cho chó (phạt tiền từ 600 – 800 nghìn đồng theo Khoản 2, Điều 7, Nghị định 90/2017/NĐ-CP, 31/7/2017).

Bắt chó thả rông

Bắt chó thả rông ở TP HCM. Ảnh: Thanh niên

Với hành vi thả rông chó, chủ nuôi sẽ bị phạt tiền từ 600 – 800 nghìn đồng theo Khoản 2, Điều 7, Nghị định 90/2017/NĐ-CP, 31/7/2017.

Chủ nuôi chó tại các đô thị, nơi đông dân cư, kể cả vùng nông thôn, các tổ chức, cá nhân nuôi chó phải đăng ký với Trưởng thôn, Trưởng ấp hoặc Tổ trưởng dân phố để lập danh sách, trình UBND xã, phường cấp sổ quản lý; cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình,....

Bên cạnh đó, các địa phương sẽ thành lập đội bắt chó có dấu hiệu mắc bệnh, mắc bệnh Dại và chó thả rông trong vùng có ổ dịch Dại để xử lý; Tổ chức tiêm phòng và thí điểm đeo thẻ (vòng cổ có thẻ nhựa hoặc kim loại) cho chó được tiêm phòng vắc-xin Dại trong vùng an toàn bệnh Dại và các vùng có điều kiện áp dụng.

Thực hiện các điều này vì mục tiêu chung: Khống chế bệnh Dại trên đàn chó nuôi và trên người vào năm 2021 nhằm tiến tới loại trừ bệnh Dại.

Trong giai đoạn 2015-2016, tình hình bệnh Dại ở Việt Nam có chiều hướng tăng cao trở lại với số ca tử vong năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể: năm 2016 có 91 ca tử vong do Dại (tăng 17% so với năm 2015 và 38% so với năm 2014). Riêng 9 tháng của năm 2017 đã có 57 ca tử vong, phần lớn xảy ra tại Miền Bắc (32 ca), riêng tỉnh Bắc Giang là 7 ca tử vong. Trường hợp tử vong gần đây nhất cũng tại tỉnh Bắc Giang xảy ra vào ngày 23/9.

 

 

Diệp Lâm
Theo Đời sống Plus/GĐVN