Thứ tư, 17/04/2024 | 03:43
RSS

NSƯT Văn Hiệp: Mải miết mua vui cho đời, đắng cay riêng mình mang xuống cỏ xanh

Chủ nhật, 11/02/2018, 19:46 (GMT+7)

Mỗi khi xuất hiện trên sân khấu, “bác trưởng thôn” Văn Hiệp luôn mang lại tiếng cười sảng khoái mà thâm thúy đến cho khán giả. Thế nhưng, cuộc sống riêng của ông lại gặp nhiều bất hạnh.

Hơn 20 năm, Văn Hiệp gà trống nuôi con và đợi chờ sự trở về của người vợ vì mưu sinh mà phải phiêu dạt sang viễn xứ. Những năm tháng cuối đời một mình ông phải chống chọi với bệnh tật triền miên.

Vào nghề diễn từ...cái tát nhảy đom đóm mắt

Văn Hiệp sinh năm 1942 tại Hà Nội là thế hệ đầu tiên học tại trường Sân khấu điện ảnh lớp diễn viên cùng khoá với những tên tuổi lớn của nền Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam như: Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Doãn Châu…

Từ thưở cắp sách đến trường, cậu học trò lùn Văn Hiệp đã là một nhân vật “đình đám” của trường vì luôn đứng đầu các phong trào văn nghệ. Vai diễn nổi tiếng đầu tiên của Văn Hiệp là khi đang học lớp 8. Ông vào vai Lỳ trong vở “Lỳ và Sáo” của nhạc sĩ Văn Chung. Lỳ là một nhân vật lỳ lợm và cá tính. Ông diễn vai ấy rất “ngọt”. Vở kịch ấy nổi tiếng đến mức được Đài tiếng nói Việt Nam mời đến thu. Sau vở diễn này, ông đã bắt đầu nổi tiếng và đắt sô diễn. 

nghệ sĩ Văn Hiệp
Nghệ sĩ Văn Hiệp

Thời đó ông lại mê khoa học tự nhiên và ấp ủ giấc mơ trở thành một nhà nghiên cứu Vật Lý chứ chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành nghệ sĩ. Mẹ ông mất khi ông mới lên 7 tuổi, một mình bố nuôi 9 anh chị em đi học. Thấy các trường Nghệ thuật thời đó trao học bổng rất cao. Văn Hiệp mới tính đến nước hy sinh đam mê khoa học để theo học ngành nghệ thuật. Với mong muốn sẽ lấy học bổng trang trải chuyện học hành của mình để bố đỡ phải bận tận. Văn Hiệp đã “nhắm mắt, đưa chân” đi thi, tới khi đi thi mới biết là làm diễn viên phải có ngoại hình cao to, đẹp trai. Bản thân, ông thì chẳng cao to mà chẳng đạp trai chút nào hết.

Ông định thi vào lớp kịch nên cứ lân la hỏi kinh nghiệm của đàn anh. Diễn viên Hòa Tâm đã gợi ý cho ông diễn một cảnh khóc. Nhưng khóc thế nào được? Thấy mặt Văn Hiệp cứ trơ ra, Hòa Tâm mới thẳng tay cho một cái tát như trời giáng, giữa ban ngày mà thấy sao tóe đầy trời. Thật ức đến ứa nước mắt. Khi ấy, người diễn viên đàn anh mới vỗ đùi, cười ha hả: “Thấy chưa, khóc được rồi kia kìa. Chú mày hận tao quá nên khóc chứ gì? Đấy mới là vấn đề, khi nhập vai phải nghĩ mình ở hoàn cảnh ấy, phải có nội tâm, thì diễn mới có hồn”. Cái tát “khai tâm” và tôn chỉ ấy thực sự đã đeo đẳng suốt nghiệp diễn của ông. Cũng chính nhờ cái tát ấy mà ông diễn xuất sắc phần năng khiếu làm cứu cánh cho sự thiếu hụt nửa phân chiều cao theo yêu cầu tuyển chọn diễn viên khi ấy. Văn Hiệp đã bắt đầu sự nghiệp của mình một cách tình cờ như thế!

Suốt đời "yêu" nhất...Thuốc lào và những món quà khán giả tặng

Hình ảnh Văn Hiệp xuất hiện trên sân khấu gắn liền với cái điếu cày. Đó cũng chính là hình ảnh của ngoài đời của ông. Dẫu thực lòng ông luôn muốn bỏ thói quen này và cũng đã nhiều lần “chôn điếu xuống” nhưng rồi lại “đào điếu lên” vì chẳng thể dứt nổi “tình yêu” dành cho thuốc lào.

nghệ sĩ Văn Hiệp

Ông bắt đầu tập hút thuốc lào từ khi mới 22 tuổi. Ban đầu cũng chỉ là hút cho vui nhưng sau thì nghiện. Hình ảnh ủa một người nghệ sĩ bao giờ cũng có những ảnh hưởng nhất định tới người hâm mộ. Không muốn việc mình nghiện thuốc lào ảnh hưởng không tốt đến khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Đã nhiều lần ông hứa sẽ bỏ thuốc lào, phần vì để giữ giọng., phần vì để giữ gìn sức khỏe Văn Hiệp đã cai nhiều lần nhưng chưa lần nào thành công. “Khi còn công tác tại Nhà hát kịch Việt Nam. Có một lần, trên phương tiện truyền thông, tôi cũng hứa quyết tâm sẽ từ bỏ thói quen hút thuốc lào. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn không từ bỏ được. Lần đó, tôi bị khán giả chỉ trích nhiều lắm. Thậm chí, có người còn nói tôi dùng chiêu đó để đánh bóng bản thân…” - NSƯT Văn Hiệp buồn bã nói. 

Chiếc điếu cày và bịch thuốc lào trở thành vật bất ly thân của ông. Chính cái tật ấy cũng tạo nên một dấu ấn Văn Hiệp không lẫn với bất kì ai. Và những món quà khán giả tặng cho ông thì cũng là “độc nhất vô nhị”. Một lần, đi diễn ở trại giam Phúc Thọ, các phạm nhân ở đây vì yêu mến mà đã cùng nhau làm tặng ông chiếc điếu cày. Nó độc đáo ở chỗ rất đơn giản, gọn nhẹ, có thể tháo ta, lắp vào một cách rất dễ dàng và vô cùng tiện lợi cho những lần đi diễn xa nhà. 

Cái điếu cày cũng chưa phải là món quà ấn tượng nhất mà khán giả tặng ông. Lần khác, khi ông đang đứng trước cổng Hãng phim truyện I, tình cờ có một cậu bé đánh giầy mời đánh giầy cho ông. Khi nhìn rõ mặt khách thì cậu bé reo lê: “A, bác Văn Hiệp!”. Sau đấy, tức tốc chạy về nhà đem đến tặng ông một bịch thuốc lào to. Món quà của một cậu bé đánh giầy khiến ông vô cùng xúc động. 

Sau những giờ diễn trên sân khấu, bao giờ Văn Hiệp cũng chui vào chỗ tối sau cánh gà, khoan khoái “bắn” một điếu thuốc lào cho đỡ. . .nhớ. Lần diễn ở Hải Phòng, khi đang “bắn” thuốc lào thì bỗng ở đâu xuất hiện một anh chàng cao lớn. Lại gần rồi vác ông lên vai chạy đến quan bia gần đó để bạn bè được tận mắt trò chuyện với nghệ sĩ. Anh chàng đó còn nằng nặc đồi thưởng thức thuốc lào bằng chính cái điếu cày đặc biệt của ông. Rồi lại thao thao bất tuyệt muốn cùng ông đàm luận những chuyện về người trên trời, người dưới biển họ hút thuốc lào như thế nào. 

Lần đầu tiên đảm nhận vai trò viết kịch bản cho tiểu phẩm hài Tết Văn Lang - Cả làng nói phét. Ông cũng không quên đưa thuốc lào vào. Ông “thả” cho nhân vật của mình “chém” đủ chuyện vui vẻ hài hước xung quanh bịch thuốc lào Tiên Lãng “tiến vua”...Dù ông có nghiện thuốc lào nhưng khán giả vẫn yêu mến và bỏ qua cho tật xấu đáng yêu này. “Bất lực” vì không bỏ nổi thuốc lào, nhiều lúc ông lại tếu táo đùa lại: “Thôi thì đằng nào chả chết, tôi già rồi không còn gì để mất..."

Ông từng nói, cuộc đời nghệ sĩ của mình cái “được” nhất là tình cảm, sự quí mến của khán giả. Chẳng biết, bây giờ khi ông đã về miền cát bụi rồi những người yêu quý ông có nhớ tặng cho ông những “món quà” đặc biệt như thế này nữa không!

Hơn hai mươi năm chung thủy đợi chờ người vợ nơi viễn xứ

Văn Hiệp vui với đời nghệ sĩ, dốc hết tâm sức cho nghiệp diễn, cõ lẽ một phần cũng để quên đi những cô đơn, tủi cực trong cuộc sống riêng. Ông sống cô đơn lẻ bóng suốt hơn 20 năm nay. Cũng vì cuộc sống khốn khó của những năm tháng cũ, vì lo cho cuộc sống gia đình đã đẩy đưa vợ chồng ông về hai miền xa cách. Vợ ông đi xuất khẩu lao động ở bên Đức rồi ở bên ấy không trở về nữa. 
 
Nhiều khi cũng cảm thấy buồn nhưng không bao giờ ông bỏ vợ. Hai chữ chung thủy với Văn Hiệp cũng thật đặc biệt: “Chung thủy nghĩa là không bao giờ bỏ vợ”. Bản thân ông lúc nào cũng tin rằng vợ mình “chưa có ai”: "Có những người đi nước ngoài thay đổi tình cảm, bỏ chồng vợ ở nhà nhưng tôi thì chắc chắn bà xã mình không có ai. Nhiều người sau lưng hay cười tôi vì chuyện đó. Mà nếu bà ấy có ai khác thật, tôi cũng không nghĩ đó là sự phản bội. Đàn bà một mình vất vả, nếu có đàn ông giúp đỡ mà nảy sinh tình cảm cũng không phải chuyện đáng chê trách. Mình có giữ cũng vô ích".

Người ta bảo mất cái này thì cũng phải được cái kia. Không hạnh phúc chuyện hôn nhân. Văn Hiệp cũng chẳng thể bấu víu vào con cái. Con trai ông phá phách nên đã “cho” sang ở với mẹ. Ông sống với con gái gửi rể. "Mỗi người có một xuất phát điểm khác nhau, hơn hoặc kém. Quan trọng là phải biết chấp nhận. Buồn cũng chẳng được. Vui cũng chẳng hơn. Đến cái tuổi này rồi, còn nghĩ ngợi gì. Có những lúc vui ngoài mặt nhưng héo trong lòng. Đó là sự bình thường" - Văn Hiệp tâm sự.

Cuộc sống của ông cứ “đủ đầy trong...thiếu thốn”. Trong những năm cuối đời, ông phải đối mặt với tình trạng ốm đau bệnh tật liên miên trong tình trạng tài chính luôn thiếu trước hụt sau. Có lúc tuyệt vọng chẳng thiết gì nữa, ông đã nói với con một điều thật chua xót: "Nếu bố có làm sao thì để thở oxi một hai buổi rồi rút ra nhé, vì nhà mình chẳng có tiền".

Ông luôn tin vợ mình là người tốt, vì hoàn cảnh gia đình nên phải xa chồng xa con nên ông sẽ chờ, dù có lúc phải cung cấp thêm cả tiền ra nước ngoài cho vợ. Ông đã ngóng chờ ngày vợ trở về từ khi mái tóc còn xanh đến khi...lìa trần. Buồn thay! “con thuyền” ông ngóng chờ đã không kịp về “bến” cũ trước khi “bến đò” Văn Hiệp bước chân xuống tuyền đài!

Box: Nghệ sĩ Văn Hiệp đã ra đi vào khoảng 6h sáng ngày 9/4 vừa qua tại nhà riêng vì tràn dịch mang phổi và suy thận nặng. Hưởng thọ 71 tuổi. Trong 50 năm “mua vui” cho đời ông đã để lại khoảng 1.000 vai diễn. Văn Hiệp để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem bằng lối diễn giản dị, chân quê. 

Đại Lãm
Theo Đời sống Plus/GĐVN