Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:34
RSS

Quan đi lễ mất chức, dân vui hay buồn?!

Thứ hai, 05/03/2018, 13:20 (GMT+7)

Chuyện ông giám đốc điện lực bị kỷ luật, mất ghế vì đi lễ đền Trần đã khiến bất cứ ai đang ôm mộng thăng quan tiến chức phải sáng mắt ra: thánh thần không giúp cho điều đó, mà có thể... làm ngược lại!

Đó là ông giám đốc Điện lực Bình Lục (Hà Nam). Không chỉ ông giám đốc mà còn 5 cán bộ lãnh đạo, công chức khác trong bộ sậu của ông cũng bị kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau, cùng cái tội đi lễ đền Trần trong giờ hành chính.

Tương tự, 7 lãnh đạo và công chức Kho bạc Nhà nước TP Nam Định đi lễ đền Trần trong giờ làm việc cũng đã bị đình chỉ công tác.

Thiên hạ rần rần vỗ tay khen cách xử lý dứt khoát, nghiêm khắc từ những cơ quan cấp trên của các cán bộ đó. Lâu lắm rồi mới thấy có cá nhân vi phạm quy định về ăn cắp giờ công cho việc riêng bị phạt nặng đến vậy. Tất nhiên, hẳn không chỉ có những vị "công bộc của dân" nói trên đi lễ đền, chùa vào giờ hành chính trong tháng giêng này (và nhiều thời điểm khác), cũng có thể vì họ quá "đen" nên mới bị lộ, song chừng đó cũng đã đủ để làm gương, răn đe.

Đền Trần ở phường Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định thờ Đức Thánh Trần. Người dân đến đây chiêm bái để cầu quốc thái dân an, phong điều vũ thuận; để được sáng soi bởi khí chất anh hùng và yêu nước thương dân của vua tôi triều Trần, của Hưng Đạo Vương ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông; để học hỏi đức độ, tài năng của các bậc tiền nhân nhằm truyền dạy lại cho con cháu và làm lan tỏa trong cộng đồng tinh thần dân tộc, tinh thần ái quốc.

Lộc đền Trần, lá ấn đền Trần với 4 chữ "Tích phúc vô cương" hàm ý răn dạy các thế hệ sau phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật dày, liên tục, không bờ bến (vô cương), đời này nối đời kia để bách gia an khang thịnh vượng, giang sơn xã tắc thái bình.

Thế nhưng, có mấy ai - kể cả quan chức - hiểu thấu đáo ý nghĩa ấy. Trái lại, nhiều người đi lễ chỉ để cầu tài cầu lộc cho bản thân mình, mong được thăng quan tiến chức, tiền bạc đầy nhà. Từ chỗ tín ngưỡng, họ trở nên mê tín, mê tín đến mức mê muội, chỉ vì lòng tham mà ra.

Thử hỏi, năm nay Ban Tổ chức đền Trần phát ra 15.000 lá ấn. Ai cũng đòi có ấn với tham vọng tiến chức thăng quan nhờ ấn đền Trần thì ghế đâu cho quan ngồi đủ, tiền đâu nuôi nổi quan chức ngày càng đông trong khi xu thế chung là tinh giản biên chế, phải "ra 2 vào 1"?

Trở lại với chuyện đi lễ và bị kỷ luật của các cán bộ "đã bị lộ", không ai nghe được họ cầu khấn những gì nhưng có thể suy luận rằng nếu họ tin thánh thần có quyền năng ban phát chức tước thì phải tin thánh thần cũng có quyền thu hồi chức tước. Thu hồi vì cái tội ăn cắp giờ công cho việc tư, không xứng đáng làm cán bộ; thu hồi để dành ghế cho người khác tận tụy với dân với nước hơn. Như vậy là công bằng!

Ăn cắp giờ công cũng là một dạng tham nhũng. Hôm nay ăn cắp giờ công được thì ngày mai có thể làm chuyện khác, tày đình hơn. Nguyên lý khoa học của hành vi con người là vậy. Biết đâu, bị phạt sau khi đi lễ có thể xui cho cá nhân này nhưng lại may cho một tập thể, thậm chí một ngành, một địa phương... kia bởi mầm mống tham ô, tham nhũng đã được tiêu diệt từ khi còn trứng nước!

Thăng quan tiến chức, gọi chung là thành đạt, phải bằng thực lực và sự phấn đấu, tinh thần cống hiến không ngừng, đi kèm với một ít yếu tố thời cơ. Làm gì có thần Phật nào đem danh lợi, bổng lộc đến cho nếu bất tài, lười biếng và tham lam. Học cao hiểu rộng và bằng cấp đầy mình như quan chức nhà ta, lẽ nào không biết điều sơ đẳng đó?

Quan chức - cán bộ đi lễ vi phạm quy định mà bị kỷ luật, người dân vỗ tay nhiều lắm, phần vì hoan nghênh lệnh của Trung ương đã được thực hiện nghiêm, phần vì họ thấy hả dạ. Ấy là bởi khoảng cách giữa quan và dân xa quá, có dấu hiệu ngày càng giãn rộng thêm. Nói chẳng đâu xa, ngay trong lễ đền Trần, chẳng biết ai nghĩ ra cái màn ưu tiên phát lộc đền Trần cho "đại biểu" - phần lớn là cán bộ, là quan chức.

Lễ hội là tài sản văn hóa của chung cộng đồng, cụ thể là người dân, làm gì có chuyện lễ của dân mà lộc thì dành cho quan. Quan mà tham vậy đó, sao dân nể? Phân biệt đối xử như thế, hỏi sao mỗi khi quan ngã ngựa, dân không hể hả cho được?!

A.Q
Theo Người lao động