Một số đầu sách văn học Việt Nam do nhóm Nữ dịch giả Hà Nội dịch và xuất bản ở nước ngoài. Nguồn ảnh: NHN.
Thực tế thì ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc những năm qua đã vươn tầm thế giới không chỉ có âm nhạc, phim ảnh, thời trang mà kể cả văn học. Năm 2022, hai tác phẩm từ đất nước này đã góp mặt vào danh sách đề cử giải Booker quốc tế - một trong những giải thưởng văn chương danh giá nhất thế giới cho sách viết bằng ngôn ngữ ngoài tiếng Anh.
Tháng 7/2024, trong một chương trình giao lưu tại Việt Nam, Giáo sư Kim Jae-yong (Khoa Ngữ văn, Đại học Wonkwang), đồng thời là Tổng Biên tập Tạp chí Văn học toàn cầu Hàn Quốc cho biết, Hàn Quốc rất quan tâm nhất đến việc giới thiệu văn chương ra nước ngoài. Hàn Quốc thắng giải Nobel Văn học 2024, và nhiều quốc gia trên thế giới học được từ họ kinh nghiệm quảng bá tác phẩm ra nước ngoài. Các dịch giả, nhóm dịch giả chính là những “bà đỡ” cho văn học “nội” hòa vào biển cả mênh mông của văn học thế giới, từ đó quốc tế hóa nó.
Nói tóm lại, muốn thành công thì cần phải có một chiến lược “xuất khẩu văn hóa”, trong đó có sáng tác văn học. Thành công không bao giờ đến một cách ngẫu nhiên, đặc biệt trong bối cảnh internet đã làm thế giới gần nhau hơn, đôi khi chỉ là một cú kích chuột máy tính. Văn hóa với “sức mạnh mềm” được cho là đại sứ của một quốc gia, dân tộc, tăng cường vị thế của đất nước đó trên trường quốc tế.
Về vấn đề này, theo dịch giả Lê Đăng Hoan - người có kinh nghiệm chuyển ngữ tác phẩm văn học Hàn sang tiếng Việt và ngược lại, việc đưa tác phẩm ra nước ngoài cần đến sự hậu thuẫn, giúp đỡ từ nhà nước. Điều này cần được thực hiện bài bản trong các khâu, từ tuyển chọn tác phẩm, dịch thuật, xuất bản cho đến phát hành. Từ đó, tác phẩm mới được phổ biến rộng rãi.
Lâu nay, không chỉ giới văn bút, mà hầu hết người yêu văn học Việt Nam đều tự hào về nền văn học của mình cũng như mong muốn được thế giới biết đến. Trong đó có “giấc mơ Nobel”. Tuy nhiên, việc đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài, trên thực tế chưa được bao nhiêu. Trong khi các tác phẩm văn học nước ngoài, từ truyện ngắn, tiểu thuyết cho đến thơ là lĩnh vực vô cùng khó dịch cũng xuất hiện dày đặc ở Việt Nam. Tên tuổi của nhiều tác giả nước ngoài đã trở nên quen thuộc, trong nhiều trường hợp còn “nổi” hơn cả những tác giả lớn trong nước.
Sự mất cân đối giữa nhập khẩu và xuất khẩu văn học đang thực sự đặt ra những thách thức không nhỏ đối với văn chương Việt Nam. Nhưng đáng tiếc là việc đó lại ít được quan tâm.
Khi tham gia những hội sách quốc tế trở về, có nhà văn cho rằng tác phẩm của các nhà văn Việt Nam rất ít, nhất là tác phẩm chuyển ngữ sang tiếng Anh (ngôn ngữ phổ biến rộng rãi nhất thế giới mà hầu như tác giả nào, nền văn học nào muốn được biết tới cũng phải chú trọng). Cũng vì thế mà văn học Việt Nam như “nàng công chúa ngủ trong rừng”, khá im lìm trong thị trường văn học thế giới. Số nhà văn có sách được nhà xuất bản nước ngoài mua bản quyền và xuất bản ở nước ngoài chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nói tóm lại, việc xuất khẩu văn chương, quảng bá nền văn học Việt Nam ra thế giới vẫn là giấc mơ lâu dài của các nhà văn cũng như người yêu văn học trong nước.
Theo ông Ha Jae-hong - dịch giả Hàn Quốc, Việt Nam cần thành lập ngay Viện Dịch thuật văn học để hỗ trợ quảng bá văn hóa dân tộc ra thế giới, tiếp cận nhiều độc giả đa quốc gia và tham gia vào cuộc đua giải thưởng văn học quốc tế. Điều đó không chỉ là thành công cá nhân mà còn là minh chứng cho một chiến lược xuất khẩu văn hóa, nâng cao vị thế quốc gia. Tuy văn học ít phổ biến so với âm nhạc và điện ảnh nhưng mang lại sức ảnh hưởng bền vững và sâu sắc.
Tất nhiên, không dừng ở khâu biên dịch mà còn phải tổ chức các chiến dịch quảng bá, xuất bản và giới thiệu tác phẩm, thì văn học mới có thể ra thế giới.
Trao đổi bên lề Hội nghị người viết văn trẻ TPHCM 2024, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, chúng ta có một hiện thực phong phú, đời sống của thành phố bao nhiêu biến động… qua đó chúng ta có đủ hiện thực để làm nên một tác phẩm lớn. Bây giờ những người trẻ hãy ngồi xuống, phải dành thời gian suy ngẫm, sáng tạo với một tinh thần độc lập.
Ông Thiều cũng cho rằng, giải Nobel không phải là đích đến của một nhà văn. Nhà văn trẻ không nên viết văn vì giải Nobel. Chúng ta viết văn vì đích đến mà chỉ chúng ta mới biết nó cần đặt ở đâu. Nobel văn chương có thể là mơ ước, nhưng không phải là đích đến của tất cả nhà văn. Mỗi nhà văn tự đặt ra cho mình sứ mệnh và theo đuổi suốt đời.
Tháng 10/2022, trước những bàn luận sôi nổi về việc giới thiệu tác phẩm của nhà văn Việt Nam dự giải Nobel, ông Nguyễn Quang Thiều cũng đã từng phát biểu gây chú ý rộng rãi. Ông cho biết, khi nghe tin Viện Hàn lâm Thụy Điển gửi thư đề nghị đề cử nhà văn Việt Nam cho giải Nobel, ông cũng đã nghĩ tới một, hai nhà văn. “Tuy nhiên, tôi nhận thấy văn học Việt Nam còn quá nhiều công việc phải làm để có được vị trí bình đẳng với những nền văn học khác. Nhà văn Việt Nam phải lớn lên hơn nữa, bạn đọc cũng phải lớn lên hơn nữa trong nhiều nghĩa. Để đến một ngày nào đó chúng ta tự tin đề cử những nhà văn ưu tú của mình cho Viện Hàn lâm Thụy Điển” - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nói.