Thứ năm, 21/11/2024 | 21:07
RSS

Những ý tưởng đột phá thường đến từ bộ não được làm quen với nghệ thuật từ thuở nhỏ

Thứ hai, 04/01/2021, 11:48 (GMT+7)

Phỏng vấn Họa sỹ Thành Vinh - tổng đạo diễn của chương trình nghệ thuật cộng đồng “Gió đầu mùa - Khơi miền sáng tạo” do Trường Liên cấp SenTia khởi xướng, sẽ diễn ra vào ngày 10 tháng 1 năm 2021.

Đây là hoạt động có tính tiên phong nhằm tạo ra một không gian trải nghiệm về nghệ thuật và sáng tạo, dự kiến tổ chức thường niên với quy mô hàng nghìn người tham gia, bao gồm triển lãm nghệ thuật đương đại, workshop sáng tạo, biểu diễn âm nhạc, hội chợ thủ công và ẩm thực. Tất cả các hoạt động này nhằm thể hiện vai trò và giá trị của tự do sáng tạo trong phát triển con người. 

Dưới đây là nội dung buổi trao đổi với họa sĩ Thành Vinh về “ẩn ý” đằng sau sự kiện nghệ thuật này


Với Gió đầu mùa, SenTia là trường học đi đầu trong trong việc đưa giáo dục nghệ thuật trải nghiệm thực tế vào trường học

Tôi thấy các trường học thường chọn các Ngày hội Khoa học, hoặc các cuộc thi tiếng Anh hay Robotics  làm điểm nhấn, tại sao SenTia lại chọn làm một sự kiện nghệ thuật?

Tôi cho rằng Nghệ thuật không hề thua kém các bộ môn học thuật trong việc phát triển trí tuệ của trẻ. 

Chúng ta thường hay mặc định rằng nghệ thuật chỉ dành riêng cho những người có năng khiếu nhưng các nghiên cứu lại chỉ ra rằng một nhà khoa học hoàn toàn có thể phát kiến ra những ý tưởng đột phá nhờ một bộ não được làm quen với nghệ thuật từ ghế nhà trường. Nghệ thuật có thể đem lại những điều mà các môn học tự nhiên chưa chắc đã làm được vì nó khơi gợi phần não sáng tạo của con người - phần não không phụ thuộc vào ngôn ngữ và toán học. 

- Theo anh, tai sao nghệ thuật lại có khả năng kỳ diệu như vậy? 

Trước hết, nghệ thuật là sự đánh thức các giác quan. Trước khi học vẽ trẻ em sẽ làm quen với màu sắc, trước khi học đàn, trẻ làm quen với âm thanh. Trước khi tự tay làm ra được những tác phẩm của chính mình, trẻ sẽ được làm quen với những tác phẩm đẹp của những bậc thầy. Việc cảm nhận được những sắc thái phong phú từ tâm hồn người khác cũng mở ra cho trẻ một thế giới hoàn toàn khác - một thế giới đầy ắp sự tinh tế của những sắc thái nội tâm, một thế giới rực rỡ của màu sắc, một thế giới da diết của âm thanh, một thế giới khác lạ của những điều mới mẻ. Khi các em cảm thụ được ý nghĩa của những ngôn ngữ nội tâm phong phú ấy chính là khi tâm hồn các em được kết nối và trở nên  biết đồng cảm hơn, biết lắng nghe hơn, biết trân trọng hơn, biết sống nhân văn hơn... - những điều mà thế giới học thuật chưa chắc đã khai mở được dễ dàng như thế giới nghệ thuật. 


Chuyến đi trải nghiệm nghệ thuật, ghé thăm triển lãm “Từ truyền thống đến truyền thống” tại Đình Nam Hương của học sinh Trường SenTia

Nghệ thuật cũng là cách con người biểu đạt cảm xúc nội tâm của mình thông qua màu sắc, âm nhạc, ngôn ngữ cơ thể, không gian... Đôi khi trẻ chưa kịp hiểu được chính mình, chưa diễn đạt hết những gì mình muốn nói được thành lời thì nghệ thuật lại có thể giúp các em lên tiếng. 

Nghệ thuật cũng giúp các em hoàn thiện nhân cách. Khi đến với nghệ thuật, các em sẽ học cách tiếp nhận phê bình, tiếp nhận những gợi ý mới để làm cho tác phẩm của mình đẹp hơn. Nghệ thuật cũng giúp các em rèn tính kiên nhẫn, biết chấp nhận thử thách, biết dấn thân, biết tìm thấy niềm vui từ  việc vượt qua được chính mình và từ việc làm mới chính bản thân mình. Chính vì vậy, nghệ thuật không chỉ là giải trí, mà nó còn là lao động - một thứ lao động có thể đem cho con người sự tự tin cũng như những niềm vui và hạnh phúc sâu sắc.

- Liệu Gió Đầu Mùa có gây được sự chú ý như kỳ vọng và liệu có làm khán giả thấy nghệ thuật  trở nên quan trọng hơn? 

Tôi nghĩ chẳng có điều gì trở nên quan trọng nếu như bạn không thực sự để tâm vào nó. Hoặc giả như bạn quá thu mình lại trong vùng an toàn của bạn thì mọi  trải nghiệm mới, mọi thông tin ngoài kia sẽ chẳng thể làm bạn hứng thú. Còn với tôi hay đối với những người yêu nghệ thuật, tôi nghĩ “Gió Đầu Mùa” sẽ gây được sự chú ý. Chú ý vì tính tiên phong trong việc đưa học tập ra ngoài khuôn khổ của một tiết học cũng như đưa nghệ thuật cổ điển, nghệ thuật thị giác, nghệ thuật biểu diễn và cả nghệ thuật ứng dụng vào khuôn viên của nhà trường. Điều này sẽ giúp những người tham dự  như học sinh, phụ huynh và khán giả yêu thích nghệ thuật có cơ hội đón nhận nghệ thuật đa dạng, đồng thời được truyền cảm hứng từ công việc của những người đang thực hành sáng tạo, và học hỏi từ cách tư duy của họ. Thực tế có rất nhiều công việc cần sáng tạo, cần một tư duy dám thử - dám làm - dám sai, và đó là điều những nghệ sĩ, nghệ nhân hay những nhà thiết kế  là những người hiểu rõ nhất. Những hoạt động này sẽ trở thành vốn kinh nghiệm, là hành trang cho các thế hệ học sinh. Chị có thể hình dung một thế hệ biết thưởng thức nghệ thuật, yêu cái đẹp thì các con sẽ biết cách xử lý các vấn đề  cá nhân, các vấn đề của giao tiếp xã hội một cách tinh tế như thế nào. 


“Học nghệ thuật không nhất thiết là để trở thành một nghệ sĩ mà để học cách tìm thấy bản thân mình và diễn đạt những gì mình muốn nói”

-Sự khác biệt của Gió Đầu Mùa so với các trải nghiệm tương tự là gì (ví dụ hội chợ đồ thủ công, hội chợ quà tặng cuối năm/năm mới, các buổi triển lãm nghệ thuật, các sự kiện nghệ thuật đường phố…)?

Sự khác biệt ở chương trình này trước hết là yếu tố giáo dục. “Gió Đầu Mùa – Khơi miền sáng tạo” mong muốn giáo dục nghệ thuật cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn. Giáo dục một con người thì không chỉ có dạy làm toán, học thêm ngoại ngữ để giao tiếp với thế giới mà còn cần giáo dục nghệ thuật để SỐNG ĐẸP. Học nghệ thuật không nhất thiết là để trở thành một nghệ sĩ mà để học cách tìm thấy bản thân mình, biết mình cần gì, muốn gì bằng cách sử dụng các phương pháp khác nhau, các “ngôn ngữ” khác nhau để đạt được điều đó. 

Và người hưởng lợi đầu tiên từ chương trình này sẽ là các em học sinh. Các em sẽ có cơ hội trải nghiệm về các loại hình nghệ thuật, các em sẽ được tiếp xúc với các ban nhạc chuyên nghiệp và cả những ban nhạc học sinh, biết đâu từ đây các em sẽ nảy nở mong muốn được thử thách bản thân trong những lĩnh vực này. Nghệ thuật thị giác, mỹ thuật, hội hoạ, điêu khắc là những xúc cảm thị giác mà đôi khi chẳng thể diễn tả được bằng lời. Ngoài ra, những tác phẩm nghệ thuật đương đại còn đặt ra những câu hỏi để chính những người xem nhận thức về “hiện thực”, về đời sống hiện tại và những vấn đề mà ta gặp hàng ngày.

Thực sự đó chính là những lợi ích mà không chỉ riêng các em học sinh - mà tất cả những ai tham dự chương trình này đều sẽ được hưởng lợi. Nâng cao thẩm mỹ, hiểu biết thêm về các ngôn ngữ nghệ thuật, nhìn thấy tiềm năng của ngành công nghiệp sáng tạo và định hướng bản thân mình trong tương lai. Còn đối với tôi và trường SenTia thì mỗi khi chúng tôi tiếp xúc, làm việc với các nghệ sĩ, các thương hiệu là chúng tôi lại học hỏi một điều gì đó mới, giúp ích rất nhiều cho việc mở mang những chất liệu, cảm hứng trong cách tiếp cận và thực hành hàng ngày với các em học sinh.


Những niềm vui trong hoạt động nghệ thuật là một phần không thể thiểu trong ngôi trường “Trưởng thành trong hạnh phúc” của SenTia

- Điều gì làm anh trăn trở nhất về thực trạng nghệ thuật hiện nay ở Việt Nam?

Công việc thường nhật của tôi là làm việc với các không gian sáng tạo hay gallery và bảo tàng, nơi mà hàng ngày đều tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi: Tìm đâu ra công chúng yêu nghệ thuật? Đào tạo công chúng để thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật đương đại, khó xem như thế nào? Hay câu hỏi đơn giản nhất mà bây giờ vẫn làm đau đầu nhiều nhà giáo dục nghệ thuật - đó là làm thế nào để đào tạo được một người biết xem một bức tranh? Và chúng tôi thường nói với nhau rằng muốn có một thị trường nghệ thuật, một nền giáo dục nghệ thuật, một môi trường hay cộng đồng yêu mến nghệ thuật lành mạnh và phát triển thì cần dựa vào nhiều yếu tố, mà đầu tiên phải là giáo dục, giảng dạy về nghệ thuật cho người thưởng lãm, nghệ sĩ cũng như cho các cơ sở trưng bày, quảng bá, tổ chức triển lãm nghệ thuật, các show âm nhạc,… và cuối cùng là chính sách tạo thuận lợi và một thị trường nghệ thuật nội địa. Khi tất cả những yếu tố đó gặp nhau thì tôi tin nghệ thuật của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội trong tương lai. Và xin quay lại thì tất cả những điều này phụ thuộc vào giáo dục – vậy nên chẳng có nơi nào hợp lý hơn cả khi chúng ta bắt đầu từ trong nhà trường, nơi mà chúng ta cùng GIEO cho tương lai.

- Xin cảm ơn anh!

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN