Thứ ba, 16/04/2024 | 22:39
RSS

Những việc cần làm để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ ngày Tết

Chủ nhật, 22/01/2017, 17:32 (GMT+7)

Trời lạnh, độ ẩm cao cùng những căng thẳng, áp lực, ăn uống thả ga nhưng lại quên tập luyện… khiến nguy cơ đột quỵ não có xu hướng gia tăng.

Không ai muốn mình bị bệnh trong những ngày Tết bởi đây là những ngày đặc biệt quan trọng trong năm. Thế nhưng, với nhiều người, đây lại là khoảng thời gian mệt mỏi vừa vì công việc, vừa do thời tiết nên rất dễ bị bệnh, kể cả nguy cơ đột quỵ não.

Ở nước ta, ngày Tết rơi vào mùa đông nên nhiệt độ thấp và kèm theo không khí lạnh. Không khí lạnh khiến cơ thể tăng tiết catecholamine là một chất gây co mạch ngoại biên để giúp cơ thể tránh bị mất nhiệt, nhưng lại gây dồn máu về các cơ quan quan trọng như tim, phổi, não... và do đó có thể gây đứt vỡ các mạch máu.

Trong mấy năm trở lại đây, mặc dù thời tiết mùa Tết không còn quá lạnh nhưng sự thay đổi nhiệt độ bất thường giữa ngày và đêm cũng có tác động không nhỏ đến sức khỏe của mọi người, ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch và có thể dẫn đến đột quỵ não.

Hơn nữa, trong những ngày trước và trong Tết, chúng ta khó tránh những cuộc vui, tụ tập cùng người thân, bạn bè.

Đột quỵ cực kỳ nguy hiểm

Phòng chống đột quỵ để có một cái Tết an lành bên gia đình là điều quan trọng với tất cả mọi người. Để phòng ngừa đột quỵ trong những ngày Tết, kiểm soát huyết áp, lượng đường huyết, cholesterol trong cơ thể tốt là điều cực kì quan trọng. Muốn vậy, bạn cần làm theo những lưu ý sau đây:

Ăn uống hợp lý, vận động thường xuyên

Thói quen ăn uống lành mạnh có thể giảm nguy cơ dẫn đến xơ vữa động mạch, xuất hiện cục máu đông,từ đó phòng ngừa đột quỵ tốt hơn.

Một chế độ ăn uống lành mạnh tốt cho cơ thể, tim mạch, huyết áp và não bộ sẽ là: Không ăn quá nhiều muối, hạn chế thịt sữa, tránh xa thực phẩm chứa nhiều cholesterol,ăn thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước...

Giữ ổn định nhiệt độ và huyết áp cơ thể

Thời tiết vào dịp Tết ở phương Nam khá dễ chịu với khí trời mát dịu, nhưng với hầu hết các khu vực phương Bắc thì nhiệt độ xuống rất thấp. Việc phải đi lại nhiều trong thời tiết giá lạnh, kết hợp với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi thất thường nên nhịp sinh học của nhiều người bị đảo lộn, gây ra nhiều bệnh tật.

Thời tiết lạnh có thể làm huyết áp bệnh nhân tăng cao, nhất là khi bệnh nhân có sẵn bệnh tăng huyết áp nhưng dùng thuốc không đều đặn. Ngoài ra, có những trường hợp có thể bệnh nhân bị cảm lạnh, ho, tự mua thuốc điều trị, trong đó có kháng viêm có thể làm tăng huyết áp khó kiểm soát.

Bởi vậy, cần giữ ấm cho cơ thể và kiểm tra ổn định huyết áp, nhất là đối với những người có sẵn bệnh cao huyết áp.

Kiểm soát lượng thức ăn, bia rượu

Trong sự gặp gỡ vui vẻ, chúng ta dễ bỏ quên những nguyên tắc và kiêng kị trong ăn uống. Đa số sẽ rơi vào trường hợp ăn quá đà những thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, gia vị và lượng đường cao. Thức uống thường dùng cho những bữa ăn này cũng là bia rượu, nước ngọt.

 Lượng calo nạp vào thì nhiều mà tiêu hao chẳng bao nhiêu vì những ngày này chúng ta có tâm lý nghỉ ngơi, lười vận động. Bởi thế mà làm đường huyết, lượng mỡ trong máu tăng cao, gây nên nhiều xáo trộn trong cơ thể, đặc biệt là não bộ, nguy cơ đột quỵ sẽ dễ xảy ra.

Kiểm soát lượng thức ăn, bia rượu chính là giữ bền đời sống khỏe mạnh cho chính mình và người thân trong gia đình.

Ghi nhớ tiền sử bệnh tật và lịch dùng thuốc

Trong những ngày Tết, chúng ta có thể mải vui mà dẫn đến sinh hoạt thiếu điều độ, thức khuya, uống nhiều bia rượu, ăn mặn không kiểm soát, hút thuốc lá nhiều,… làm huyết áp tăng lên, đặc biệt nguy hiểm với các bệnh nhân cao huyết áp. Một số người bệnh tăng huyết áp không kìm chế được cảm xúc mãnh liệt khi gặp người thân từ xa về, hoặc trong gia đình có những xung đột dữ dội khi tụ họp trong dịp Tết.

Đó cũng là lúc cơn tăng huyết áp có thể đến đột ngột và đột quỵ có thể xảy ra. Và có những bệnh nhân có thể không chuẩn bị đủ thuốc trong những ngày Tết hoặc quên dùng thuốc đúng, đủ trong dịp Tết góp thêm nguy cơ xảy ra đột quỵ.

An Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus