Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:53
RSS

Những phận người “không Giao thừa” đêm trừ tịch...

Thứ bảy, 25/01/2020, 10:01 (GMT+7)

Ở cái chợ hoa Tết “trên bến, dưới thuyền” nổi tiếng độc đáo này của Sài thành, có những phận người từ rất lâu chưa biết đến phút giây Giao thừa thiêng liêng chào đón năm mới.

Sau những cuốc xe cút kít kéo thuê tại chợ hoa Tết Bến Bình Đông (Q.8, TP.HCM) trước thời khắc sắp Giao thừa, cụ Nguyễn Văn Bảy (72 tuổi) ngồi dựa hẳn vào lan can cầu Nhị Thiên Đường thở dốc.


Hơn 10 năm nay, cầu Nhị Thiên Đường là chổ trú thân của cụ Bảy vào những đêm khuya.

Cụ Bảy cho biết, hơn 2/3 quãng đời của cụ không biết đến phút giây Giao thừa thiêng liêng bên mái ấm gia đình.

“Từ ngày tui bỏ nhà ra đi thì không còn biết đến phút giây Giao thừa nữa. Trước đây, tui biết đến Giao thừa là khi nghe tiếng pháo đì đùng. Rồi Nhà nước cấm đốt pháo, mỗi năm tui biết đến Giao thừa khi thấy bà con bán hoa tại Bến Bình Đông cho ghe chở hoa Tết dời đi”, cụ Bảy cười méo xệch.

Để mưu sinh, hàng ngày cụ đi nhặt ve chai, ai cho đồng nào mừng đồng nấy. Ngày Tết, cụ kéo chiếc xe cút kít, tài sản quý giá duy nhất, ra chợ hoa làm thuê việc vặt cho những khách thương hồ miền Tây.

“Ai sai gì tui làm nấy. Mỗi ngày tui cũng kiếm được 100.000 đồng”, cụ bộc bạch.

Thấy chúng tôi ngồi tâm sự, một bạn thanh niên đến đưa cụ Bảy bọc bánh bao, chai nước suối. Cụ Bảy với tay đón lấy gói quà ý nghĩa đêm 30 Tết, ôm vào lòng không quên cám ơn và cầu chúc người tốt bụng bình an trong năm mới.

Lúc này, hàng ngàn người dân Sài thành đang đổ ra đường hoa Nguyễn Huệ chọn chỗ xem bắn pháo hoa, chờ đón phút Giao thừa.


Cụ Yến nhìn xa xăm trong đêm 30.

Cuối chợ hoa Tết Bến Bình Đông, cụ Hoàng Ngọc Yến (85 tuổi), ngồi co ro chờ kẻ qua, người lại đi mua hoa bố thí.

Cụ kể, thời vàng son, đã từng là nghệ sĩ của Đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga.

“Về già, không người thân, tui ôm đàn rảo khắp thành phố mua vui cho thiên hạ để kiếm tiền sinh sống. Một ngày kia, tui bị xe đụng bể đầu, gãy tay. Khổ lắm, mấy ngón tay trở nên tê cứng, đàn không được nữa, tui đành chuyển sang đi xin của bố thí”, cụ thổ lộ.

Những ngày Tết, biết người dân rủng rỉnh tiền, biết tâm lý thích làm từ thiện cầu mong năm mới bình an, phát tài, cụ Yến ra chợ hoa Bến Bình Đông chọn chỗ ngồi cuối chợ mong được ơn bố thí.

“Tui không dám xin mà chỉ mong ông đi qua, bà đi lại xót thương, cho gì tui nhận nấy”, cụ bảo.

“Sao muộn rồi cụ không về nhà đón Giao thừa?”, một người đàn bà ôm chậu hoa cúc nói chen vào câu chuyện của chúng tôi, không quên trao cụ Yến mấy tờ bạc.

“Nhà đâu mà về. Lâu rồi tui đâu có Giao thừa”, cụ Yến trố mắt nhìn người trao tiền thều thào.

Cụ Yến bảo, đã lâu lắm rồi, giây phút Giao thừa của cụ là “dự ké”. Khi thấy ai đó đốt nhang trước bàn ông Thiên, bàn thờ Gia tiên vào thời khắc Giao thừa, cụ cũng nán lại lẩm bẩm cầu xin an lành năm mới.

Tối nay, dù trời đất giao hòa giữa năm cũ và năm mới, nhưng với cụ Yến cũng chỉ là một đêm không nhà, bình thường như mọi đêm.

Theo con số tạm tính của cơ quan chức năng, ở TP.HCM hiện nay có khoảng 6.200 người vô gia cư trong danh sách quản lý.

Lúc cao điểm, có tháng, Sở LĐTBXH TP đã tiếp nhận tới 200 người ăn xin vô gia cư và người không nhà đang lang thang tá túc tại các địa điểm công cộng.


Chợ hoa Tết Bến Bình Đông trong đêm.

Mỗi người mỗi cảnh, có người nằm ngủ trên yên xe máy sau một ngày làm xe ôm đói rạc; có đứa trẻ lang thang bước chân rã rời; hay như cụ Bảy, cụ Yến ngủ vạ vật chân cầu, chợ búa…

Trên chiếc ghe bầu chở hoa của thương hồ về muộn trên kênh Tàu Hủ, chìm sâu trong đêm, tôi nghe văng vẳng câu vọng cổ của chị ru con: “... Cuộc đời trôi theo con nước ròng, nước lớn. Kiếp thương hồ dọc ngang phiêu dạt, đón Tết xa quê mà xao xuyến trong... lòng...”.

Trần Đáng
Dân Việt