Thứ bảy, 20/04/2024 | 16:35
RSS

Những phận đời chưa bao giờ biết đến Vu Lan

Thứ năm, 15/08/2019, 07:15 (GMT+7)

Ở tuổi gần đất xa trời, muốn về quê hương một lần nhưng họ không nhớ nổi quê mình ở đâu. Những phận đời bệnh tật và bị ruồng bỏ, họ đau đớn, tủi cực và chỉ biết dựa vào nhau để sống.

Những mảnh đời bất hạnh ở trại phong Bình Phú chưa bao giờ biết đến Vu Lan, xây mộ cho mình trước khi qua đời
Cụ Nguyễn Văn Binh là một trong những người sống đầu tiên ở trại phong Phú Bình.

Lần tìm về xã Tân Kim (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), vượt qua nhiều con đường đất đỏ lởm chởm đầy ổ gà, mặt đường uốn lượn, xiêu vẹo theo vệt bánh xe và nổi lên toàn sỏi đá... chúng tôi mới đến được khu điều trị dành cho những người mắc bệnh phong. Trại phong Phú Bình nằm lặng lẽ, ẩn mình dưới sự bao bọc của rừng cây và đồi núi.

Cảm giác đầu tiên khi đặt chân tới nơi đây chính là sự tĩnh lặng đến nao người. Ẩn khuất dưới tán cây rừng là những dãy nhà hoang sơ, hưu quạnh, khung cảnh ấy khiến ai mới đến lần đầu cũng muốn chùn bước. Đây là nơi nương tựa của những con người đã gắn bó cả đời vì mắc căn bệnh bị người đời hắt hủi.

Những mảnh đời bất hạnh ở trại phong Bình Phú chưa bao giờ biết đến Vu Lan, xây mộ cho mình trước khi qua đời
Bệnh tật khiến một bên chân của cụ Binh phải cắt bỏ.

“Các cụ ở đây tình cảm lắm, ai đến cũng được chào đón như người nhà vậy”, bác sĩ Lê Thị Bình – phụ trách Trại phong Phú Bình nói. Quả thật, khi tiếp xúc chúng tôi mới cảm nhận được hết sự hiếu khách và quý người của các cụ.

Theo bác sĩ Bình, cả trại phong có 75 người đang sinh sống, trong đó đa phần là các cụ già, người trẻ nhất năm nay vừa tròn 30 tuổi. Có người đến đây từ lúc mới 15, 16 tuổi, nhưng cũng có trường hợp đi hết nửa đời người rồi mới dừng chân ở nơi đây để chiến đấu với bệnh tật.

Trong số 75 người đang sinh sống tại đây chỉ có khoảng 20 người xác định được quê quán. Số còn lại suốt mấy chục năm qua họ chẳng biết đến người thân, chẳng nhớ rõ quê quán và cũng chẳng biết bố mẹ, anh em ai còn sống hay đã chết.

Những mảnh đời bất hạnh ở trại phong Bình Phú chưa bao giờ biết đến Vu Lan, xây mộ cho mình trước khi qua đời
Bà Nguyệt đã ở trại phong được 54 năm.

Chuyến viếng thăm trại phong Bình Phú của chúng tôi đúng vào dịp lễ Vu Lan đang về, nhưng khi nhắc về điều này, tất cả những người sống ở đây đều tỏ ra buồn bã.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt (75 tuổi), người đã ở trại phong 54 năm nay nói rằng, bố mẹ bà chắc cũng mất hết rồi, anh em thì chẳng biết ai còn ai mất, nói đến Vu Lan mà chỉ thấy buồn vì chưa một ngày được báo hiếu với cha mẹ, lâu lắm rồi tôi cũng chẳng thắp được nén hương lên bàn thờ tổ tiên.

Đã 54 năm qua bà Nguyệt gắn bó với trại phong, đây cũng là khoảng thời gian bà xa gia đình và chưa một lần gặp lại. “Muốn về quê hương 1 lần nhưng giờ bà không nhớ quê mình ở đâu nữa rồi cháu ạ. Bà xây sẵn cho mình một ngôi mộ ở nghĩa trang phía sau bìa rừng rồi. Tiền xây mộ là khoản hỗ trợ hàng tháng nhà nước cấp, bà tích góp 10 năm mới đủ”, bà Nguyệt nghẹn ngào nói.

Còn cụ Lụa, năm nay đã tròn 90 tuổi và cụ đã ở trại phong Phú Bình được 60 năm. Cụ vẫn nhớ quê mình ở Nam Định, ở tuổi gần đất xa trời, cụ cũng muốn một lần được về quê hương nhưng cụ không nhớ nổi mình ở xã nào, huyện nào nữa.

Những mảnh đời bất hạnh ở trại phong Bình Phú chưa bao giờ biết đến Vu Lan, xây mộ cho mình trước khi qua đời
Đôi mắt của cụ Lụa bị mù và một chân bị cắt cụt nhưng cụ vẫn tự chăm sóc bản thân.

Cụ Lụa mắc bệnh phong bị biến chứng khiến đôi mắt của cụ vĩnh viễn không nhìn thấy ánh sáng. Một bên chân của cụ Lụa cũng bị cắt cụt, nhưng cụ vẫn tự chăm sóc được bản thân mình. Nói về gia đình trong những ngày Vu Lan đang tới, cụ bảo đã lâu lắm rồi cụ chỉ gặp được gia đình trong giấc mơ. “Cụ muốn về quê lắm, nhưng cụ không nhớ nổi mình ở xã nào, huyện nào nữa, cụ chỉ nhớ cụ có 8 người anh chị em. Không biết giờ họ còn sống hay đã chết”, cụ Lụa nói.

Những mảnh đời bất hạnh ở trại phong Bình Phú chưa bao giờ biết đến Vu Lan, xây mộ cho mình trước khi qua đời
Cụ lụa chỉ nhớ mình quê ở Nam Định, chứ không nhớ ở xã nào, huyện nào.

Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều có chung số phận khi từng một thời bị hắt hủi. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng mấý chục năm qua những con người này vẫn nương tựa vào nhau để sống với thứ tình cảm đặc biệt mà chỉ những người mắc bệnh phong mới hiểu.

Trong mỗi căn phòng nhỏ có 4 chiếc giường, nhưng chỉ còn lại 1, 2 người ở. Bệnh tật và tuổi già đã cướp đi những người bạn đời sống chung phòng với họ suốt mấy chục năm. Trong căn phòng ấy, đơn sơ giản dị nhưng ấm áp tình yêu thương.

Những mảnh đời bất hạnh ở trại phong Bình Phú chưa bao giờ biết đến Vu Lan, xây mộ cho mình trước khi qua đời
Nhìn những đứa trẻ họ rất nhớ gia đình, nhưng không thể trở về.

Phía trước nhà là những luống rau nhỏ, vài cây ngô, cây lạc. Chiều đến, lũ trẻ sống quanh trại phong hoặc là con của cán bộ trong trại chạy nhảy tung tăng khắp các sân vườn, các cụ lại tập trung ra trước cửa phòng nhặt rau, bóc lạc để chuẩn bị cho bữa tối.

Dù tay đang làm việc, nhưng mắt các cụ vẫn luôn hướng mắt về lũ trẻ. Giá như không bị bệnh tật, không xa cách gia đình thì có lẽ giờ này các cụ cũng đang vui đùa cùng con cháu và đặc biệt hơn khi mùa Vu Lan đang đến.

Nguyễn Long
Theo Đời sống Plus/GĐVN