Vụ tấn công diễn ra lúc 23h đêm giờ địa phương. Nhóm đầu trọc phân biệt chủng tộc đã lao vào những người du mục Nga ở các túp lều cạnh sông Akhtuba và tấn công họ bằng gậy sắt. Sau cuộc tấn công này đã có 2 người gồm 1 cụ 80 tuổi và 1 bé gái 14 tuổi trọng thương nguy kịch. Một nam giới và một phụ nữ bị giết chết.
3 kẻ tình nghi đã bị cảnh sát bắt và chúng đều là người của một nhóm đầu trọc sinh sống ở địa phương. 1 tên trong đó còn là học sinh.
Không phải đến khi những người du mục Nga bị tấn công, người ta mới biết đến những nhóm thanh niên đầu trọc. Họ xuất hiện lần đầu tiên ở nước Anh vào khoảng những năm 1968 - 1969. Xuất thân của những thanh niên này đều thuộc lớp người lao động tại các khu công nghiệp. Chính vì vậy, họ lựa chọn trang phục giống công nhân và cạo nhẵn đầu.
Ban đầu, những người đầu trọc không hề phân biệt sắc tộc. Tuy nhiên, đến cuối năm 1970 ở Anh, những người đầu trọc lớp thứ 2 xuất hiện, phần lớn đều là những người thất nghiệp do cuộc khủng hoảng kinh tế. Nhận thấy đặc điểm này, các phần tử phát xít mới ở đất nước mặt trời mọc đã lợi dụng tuyên truyền quan điểm phân biệt chủng tộc.
Chúng cho rằng người nước ngoài đã cướp việc làm của người bản xứ Anh. Các thành viên cực hữu đã trở thành những phần tử của đầu trọc phát xít. Vượt qua biên giới nước Anh, các nhóm đầu trọc phát xít nổi lên ở nhiều nước khác như Hungary, Slovenia, Ba Lan, Bulgaria, CH Czech, Croatia, Mỹ ..
Tại Nga, đầu trọc hiện diện lần đầu vào những năm 1990. Nizhni Novgorod, Saint Petersburg và Matxcơva trở thành nơi trung tâm hoạt động của chúng. Do hệ thống giáo dục sụp đổ và kinh tế khủng hoảng, số lượng đầu trọc ở Nga tăng lên nhanh chóng.
Bộ Nội Vụ Nga cho biết, khoảng 20.000 thanh niên đã tham gia vào các băng nhóm đầu trọc. Các nhóm cực đoan không có tổ chức thống nhất này cũng đe dọa tình hình chính trị - xã hội của nước Nga.
Có thể nhận thấy, các đầu trọc Nga thường nhắm vào người châu Á và Kavkaz, thỉnh thoảng là người châu Âu và người Mỹ, để tấn công và đánh giết. Những tên đầu trọc luôn nghĩ chúng đang tận lực chống những người nhập cư vào nước Nga bởi họ đeo theo văn hóa ngoại lai.
Đến năm 1998, các phần tử phát xít mới đã đến Nga để chia sẻ những kinh nghiệm với các nhóm thanh niên địa phương.
Theo một số chuyên gia, đầu trọc là kết quả của một xã hội khủng hoảng. Vì vậy, thay vì lao vào các cuộc chiến với mục tiêu chống chủ nghĩa cực đoan thì nên tìm cách tăng cường giáo dục, cải thiện điều kiện sống, chấm dứt sự khủng hoảng thì sẽ hiệu quả hơn.