Theo kết quả một nghiên cứu mới đây của Mỹ, cứ 8 phút có một em bé bị thương vì dụng cụ chăm sóc hay đồ chơi trẻ em. Mỗi năm, có gần 70.000 trẻ em dưới 3 tuổi bị đưa tới phòng cấp cứu vì những thương tích từ các vật dụng này..
Việc chăm sóc và nuôi lớn một em bé rất tốn kém nên để tiết kiệm, nhiều bậc phụ huynh đã lựa chọn đồ chơi trẻ em là hàng second hand - hàng đã qua sử dụng.
Theo Giám đốc Trung tâm Chăm sóc trẻ em Nokomis Jane Greminger - Mỹ cho biết: “Đồ second hand có thể tiết kiệm tiền nhưng các bậc phụ huynh cẩn trọng khi mua đồ cũ vì chúng có thể ẩn chứa những nguy hiểm cho bé.”
Theo đó, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo những sản phẩm không nên sử dụng lại để tránh những nguy hiểm cho bé:
Ghế ngồi xe hơi cho trẻ em
Tổ chức quản lý giao thông quốc gia của Mỹ nói rằng ghế ngồi ôtô cho trẻ em có thể được tái sử dụng sau những va đập nhỏ. Nhưng họ cũng khuyên rằng sau những va đập ở mức độ trung bình thì chiếc ghế đó nên được thay. Tuy nhiên khi đi mua đồ cũ, cha mẹ khó có thể nhìn ra được sự khác biệt giữa cái ghế ngồi ôtô dành cho trẻ em mà đã từng bị va đập nhẹ, hay bị va đập trung bình, hay chưa từng bị va đập.
Nón bảo hiểm và các loại nón khác
Viện các bác sĩ chỉnh hình Mỹ khuyên nên thay nón bảo hiểm sau bất kỳ va đập nào, dù nhỏ. Các bậc phụ huynh tuyệt đối không nên mua nón bảo hiểm cũ, đặc biệt là nón bảo hiểm cho trẻ em.
Thảm trải nhà
Một tấm thảm trải nhà đã dùng rồi kể cả sau khi đã được giặt giũ vẫn có thể mang tới rất nhiều tạp chất như các tế bào da chết, vi khuẩn, tóc, rận rệp, nấm mốc.
Thú bông
Thú bông có bề mặt bằng vải nên vi khuẩn và bụi có thể "ẩn giấu" bên trong. Thú bông là đồ chơi của hầu hết trẻ nhỏ nên chắc chắn các bố mẹ sẽ không thích trẻ sử dụng những đồ chơi có chứa đầy vi khuẩn gây bệnh.
Máy xay sinh tố
Máy xay sinh tố là thứ hay bị chính người sử dụng làm cho quá tải như bắt nó xay liên tục quá lâu, nhồi quá nhiều thực phẩm hoặc những thứ quá cứng… Chính vì thế mà những chiếc máy xay sinh tố cũng có thể mang theo những mẩu thực phẩm tí hon kẹt ở lưỡi dao rồi lưỡi dao có thể bị cong, bình có thể không còn tốt nữa. Chưa kể đến việc máy cũ quá có thể dễ bị cháy chập, đặc biệt nguy hiểm khi ở nhà có trẻ con. Sự lựa chọn tốt hơn là mua một cái máy mới.
Đồ trang sức hoá trang cho trẻ em
Đồ trang sức hoá trang thành siêu nhân, công chúa, cô tiên… cho trẻ con thường có những chất như nickel, chì, catmi… để tạo nên độ bóng đẹp. Chính vì lý do này mà năm 2004 đã có một đợt thu hồi hơn 150 triệu món trang sức trẻ em ở nước Mỹ. Mặc dù bây giờ đồ trang sức trẻ em đã được kiểm định kỹ hơn, nhưng cũng không thể chắc chắn là những món trang sức cũ cha mẹ mua có chì hay các chất độc hại trong đó không, đặc biệt là khi đồ chơi Trung Quốc không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán la liệt như hiện nay.
Cách đảm bảo an toàn khi dùng đồ cũ cho trẻ
Ở mỗi độ tuổi khác nhau, bé sẽ có thói quen sử dụng đồ chơi khác nhau, vì thế các loại đồ chơi được thiết kế phù hợp với độ tuổi đó. Nếu để bé dùng đồ chơi không phù hợp với độ tuổi của mình thì có thể sẽ gây hại cho sức khỏe của bé. Chẳng hạn, đồ chơi cho bé trên 3 tuổi thường được thiết kế bằng nhiều chi tiết nhỏ. Nếu để bé dưới 3 tuổi sử dụng các loại đồ chơi này có thể sẽ gây ảnh hưởng đến tính mạng của bé bởi các bé thường có thói quen cho những vật nhỏ vào miệng và vô tình có thể sẽ nuốt phải các vật đó.
Ngoài ra, không nên chọn đồ chơi bằng kim loại, bằng nhựa sắc nhọn vì nó cũng có thể gây tổn thương cho bé. Mà thay vào đó, các mẹ nên chọn đồ chơi bằng gỗ, được mài nhẵn các cạnh. Hơn nữa, việc chọn mua các loại đồ chơi cũ cho bé này cũng rất nguy hiểm vì nó chứa nhiều chất gây hại cho sức khỏe. Các mẹ nên cân nhắc và xem xét thật kĩ khi mua những sản phẩm đồ chơi cũ cho bé là đồ điện tử vì những sản phẩm này thường rất dễ bị hỏng và không có nguồn gốc xác định.
Các bé thường ném đồ chơi ở bất kì đâu trong nhà, điều này không chỉ gây bừa bộn, mất mĩ quan mà còn gây nguy hiểm đến bé bởi bé sẽ bị vấp ngã nếu vô tình dẫm phải những đồ chơi nhỏ này. Do vậy, phải hướng dẫn bé để đồ chơi đúng chỗ.
Đặc biệt, phải thường xuyên cảnh báo những hành động có thể gây hại cho bé và tuổi thọ đồ chơi như đập mạnh tay vào đồ chơi, để pin vào nước...Đồ chơi cũ cho bé là những sản phẩm đã qua sử dụng, vì thế trước khi hướng dẫn bé chơi các loại đồ chơi này, cũng phải kiểm tra kĩ về độ an toàn của đồ chơi.