Honda CR-V hiện đang có nhiều lợi thế so với Mazda CX-5 khi mức giá bán đã giảm đáng kể
Ngay sau khi Honda Việt Nam (HVN) công bố mức giá bán mới dành cho CR-V nhiều khách hàng hiện đang chờ đợi đến ngày mẫu crossover này chính thức được bán ra. Tại thị trường trong nước cuộc đua trong phân khúc crossover vẫn chỉ là cuộc chiến song mã giữa 2 cái tên Honda CR-V và Mazda CX-5. Tuy nhiên, lợi thế từ trước đến nay vẫn luôn thuộc về CX-5 kể từ khi mẫu xe này xuất hiện.
Trước hết, với lợi thế về giá bán cũng như khả năng điều chỉnh linh hoạt, Mazda CX-5 gần như khuất phục mọi đối thủ cùng phân khúc. Tuy nhiên, đến nay HVN đã chuyển hướng nhập khẩu CR-V nhằm tận dụng ưu đãi thuế nhập khẩu kể từ năm 2018. Ngay khi lô hàng đầu tiên xuất hiện ít ngày liên doanh này đã công bố mức giá bán lẻ của hàng loạt mẫu xe nhập khẩu trong đó có CR-V đang khiến nhiều đối thủ nhất là Mazda CX-5 phải lưu tâm.
Giá bán CR-V mới đã được điều chỉnh giảm sâu so với lô hàng đầu tiên. Cụ thể, CR-V sẽ có 3 phiên bản khác nhau với giá lần lượt là 958 triệu, 998 triệu và 1,068 tỷ đồng. So với giá bán tương tự của CX-5 hiện là 899 triệu, 999 triệu và 1,019 tỷ đồng, có thể thấy mức chênh lệch cao nhất hiện nay của 2 mẫu xe này chỉ còn 59 triệu đồng và phiên bản tầm trung có giá gần tương đương nhau.
Mazda CX-5 hiện đang mất dần lợi thế về giá so với Honda CR-V
Chỉ cách đây vài tháng mức chênh lệch cao nhất của 2 mẫu xe này vẫn lên tới hơn 150 triệu đồng cùng với đó là sự nhỉnh hơn đáng kể về trang bị cũng như tính năng của CX-5 đã giúp mẫu xe này bỏ xa CR-V. Hiện phiên bản CR-V mới đã hoàn toàn lột xác với nhiều công nghệ mới và đặc biệt là sự xuất hiện của động cơ tăng áp 1.5L đã khiến CR-V được khách hàng lưu tâm hơn.
Cả 3 phiên bản CR-V đều được trang bị động cơ VTEC Turbo dung tích 1.5L có sức mạnh lên tới 188 mã lực đây cũng là thông số tương đương với động cơ 2.5L đang được trang bị trên Mazda CX-5 nhưng với phiên bản cơ sở CX-5 chỉ được trang bị động cơ 2.0L có sức mạnh 153 mã lực.
Tuy nhiên thiếu sót đáng kể nhất của Honda CR-V chính là tất cả các phiên bản bán ra tại Việt Nam đều chỉ có bán dẫn động cầu trước (FWD), phiên bản dẫn động 4 bánh (AWD) không được HVN nhập khẩu và phân phối. Trong khi đó CX-5 đa dạng hơn khi có cả 2 tùy chọn hệ dẫn động.
Honda cũng một lần nữa làm người tiêu dùng hụt hẫng khi cắt bỏ hệ thống “đáng tiền’ nhất là Honda Sensing trên các mẫu CR-V nhập khẩu về Việt Nam. Đây cũng chính là hệ thống mà Honda đã rất tự hào và cũng là hệ thống an toàn mới nhất trên các mẫu xe của hãng.
Một điểm mạnh khác không thể bỏ qua của CR-V là mẫu xe này được thiết kế với kiểu dáng 5+2 rất đa dụng. Dù cho vẫn còn nhiều đánh giá không tốt vì cho rằng hàng ghế cuối quá nhỏ và chật nên không có nhiều tiện ích. Vì thế CR-V vẫn chỉ là mẫu xe 5+2 chứ không phải một mẫu SUV 7 chỗ đúng nghĩa.
Ngoài ra, một điểm mạnh lớn nhất có thể giúp CR-V được quan tâm hơn vì đây là mẫu xe nhập khẩu duy nhất trong phân khúc cho đến thời điểm này. Các đối thủ như Mazda CX-5, Hyundai Tucson hay Nissan X-Trail đều đang được lắp ráp trong nước. Với tâm lý có phần coi trọng hàng nhập khẩu nhiều khả năng sẽ giúp CR-V gia tăng đáng kể sức cạnh tranh khi được phân phối trở lại.
Xem thêm: Dàn siêu xe của Cường Đô La bất ngờ bị CSGT dừng trên đường nhắc nhở