Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:29
RSS

Vụ 2 nữ sinh tự tử ở sông Lam: "Không ngẫu nhiên mà các em quyên sinh"

Thứ hai, 11/12/2017, 14:43 (GMT+7)

"Bản năng sinh tồn rất lớn, con người phải tìm đến cái chết khi thật sự bế tắc. Vì sao phải chọn cái chết, chắc chắn có lý do", chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn nói về việc 2 nữ sinh lớp 8 tự tử ở sông Lam vừa qua.

Vụ 2 nữ sinh tự tử ở sông Lam chắc chắn phải có lý do
Vụ 2 nữ sinh tự tử ở sông Lam chắc chắn phải có lý do.Sông Lam đoạn qua cầu Dùng - nơi 2 nữ sinh lớp 8 đã tự tử

Ngày 9/12, người dân tham gia giao thông cầu Dùng (Thanh Chương, Nghệ An) bất ngờ khi thấy 2 nữ sinh nắm tay nhau, từ từ lội ra dòng sông sâu. Sự việc diễn ra quá nhanh nên không ai kịp ứng cứu.

Hai học sinh sau đó được xác định là Nguyễn Thị D. (SN 2003, trú tại xã Thanh Lĩnh) và em Lê Thị Thu Th. (trú tại xã Thanh Thịnh). Hai em cùng là học sinh lớp 8 ở xã mình và là bạn học chơi thân với nhau.

Đến khoảng 20 giờ tối cùng ngày thi thể 2 nữ sinh đã được tìm thấy và bàn giao cho gia đình.

Cái chết thương tâm của 2 nữ sinh mới 14 tuổi này khiến người thân đau đớn, bạn bè và nhà trường bàng hoàng, xót xa. Được biết trước đó, 2 nữ sinh này không có biểu hiện gì khác thường.

Nhiều ý kiến cho rằng, 2 em tìm đến cái chết có thể chỉ là do khủng hoảng tâm lý ở lứa tuổi dậy thì. Tuy nhiên, TS tâm lý Đinh Đoàn phủ nhận điều đó.

Hai nữ sinh tự tử phải có nguyên nhân

TS Đinh Đoàn nói rằng: "Ai cũng dậy thì, ai cũng khủng hoảng, cơ bản là phải tìm hiểu cặn kẽ, nguyên do khiến 2 nữ sinh lớp 8 tìm đến cái chết. Tôi đọc báo và thấy có chi tiết, một nữ sinh để lại bức thư, trong bức thư có nói: "Cảm ơn bố mẹ… Từ giờ cha mẹ sẽ không có đứa con này nữa. Cha mẹ ở lại hạnh phúc và mạnh khỏe”.

Không có lửa làm sao có khói, không thể có chuyện tự dưng 2 nữ sinh hành động như thế. Có thế, bố mẹ nói một câu gì đó mà học sinh này cho là tổn thương. Hoặc ví dụ bị cô thầy trách mắng, bạn bè xúc phạm, hay đi học về bị quấy rồi…".

TS Đinh Đoàn nói thêm: "Bản năng tồn của con người là rất lớn, chỉ có khi uất ức, lòng tự ái, tự trọng bị tổn thương quá lớn mà không tìm được "lối thoát" người ta mới tìm đến cái chết. Ở tuổi các em nhiều khi suy nghĩ tìm đến cái chết như là một sự chứng minh.

Các em đang ở độ tuổi rất đẹp, yêu đời và không tự dưng tìm đến cái chết. Chỉ trong trường hợp họ cảm thấy đau, cảm thấy nhục mà không thể chịu đựng được nữa mới tìm sự giải thoát tiêu cực như vậy".

Vụ 2 nữ sinh tự tử ở sông Lam chắc chắn phải có lý do

Nữ sinh D. và bạn. Ảnh Fb của D.

Nói về lứa tuổi "nhạy cảm" này, ông Đinh Đoàn phân tích: "Nhiều khi, bố mẹ chỉ mắng một câu đơn giản như "loại mày chỉ có ăn hại" nhưng ở cái tuổi rất nhạy cảm của các em thì đó như là sự xúc phạm ghê gớm và có thể dẫn đến những hành động sai lầm sau đó".

Lý giải vì sao 2 nữa sinh lớp 8 là D. và Th. lại cùng nhau tự tử, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho rằng: "Có thể 2 bạn này chơi rất thân với nhau. Khi người này bị tổn thương và muốn tìm đến cái chết, người bạn kia chưa đủ chín chắn để khuyên can.

Ngược lại sẽ suy nghĩ "tao với mày là bạn, tao sẽ đi cùng mày. Dù có chết thì tao với mày sẽ mãi mãi là bạn thân". Không có chuyện cả 2 nữ sinh đều cùng lúc gặp những vấn đề như nhau. Phải biết rằng, ở tuổi các em, có thể làm mọi thứ vì bạn, sống chết vì bạn". 

Người lớn cần làm gì với trẻ vị thành niên?

Theo TS Đinh Đoàn, trước khi tìm đến cái chết chắc chắn các em đã trăn trở, suy nghĩ về một việc gì đó. Việc này có thể diễn ra trước đó 1-2 ngày, thể hiện qua tâm lý, cảm xúc…

Để nhận ra sự thay đổi đó, cần ở sự quan tâm từ người lớn. Nếu nhận ra chắc chắn sẽ giải tỏa được cho các em.

TS Đinh Đoàn cũng nói rằng, các em ở độ tuổi 14-15 vẫn là những đứa trẻ. Người lớn đừng đợi đứa trẻ tìm đến mình để giãi bày mà hãy chủ động tìm đến trẻ. Trẻ đâu đủ khôn, đủ dũng cảm để tâm sự với người lớn mọi việc.

Ví dụ, một bé gái bị hãm hiếp, chắc chắn sẽ cảm thấy đau đớn, tủi nhục nhưng lại không dễ dàng để bày tỏ việc đó với người lớn.

"Công tác tư vấn học đường là rất quan trọng. Nhiều trường đã có phòng tư vấn nhưng tiếc rằng chỉ lập lên cho có phong trào. Nhiều nơi, có người tư vấn nhưng chỉ… ngồi lù lù.

Tôi nói luôn, ngồi đó thì chẳng có em nào dám chủ động đến để bày tỏ, chia sẻ mà phải làm điều ngược lại. Mình phải tổ chức các hoạt động, nói chuyện với các em, cho các em địa chỉ, số điện thoại… để lúc cần các em sẽ tìm đến", TS Đinh Đoàn nói.

Sau cùng, TS Đinh Đoàn nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh, thầy cô giáo: Ở tuổi các em, gia đình, nhà trường khi giáo dục dạy dỗ phải hết sức khéo léo. Người lớn cần phải quan tâm đến con trẻ nhất là những biểu hiện tâm lý. Khi trẻ đang cảm thấy bị tổn thương, nếu tìm thấy sự chia sẻ ở người lớn, chắc chắn các em sẽ không có những suy nghĩ và hành động dại dột".

Hạo Nhiên
Theo Đời sống Plus/GĐVN