Thứ bảy, 20/04/2024 | 01:46
RSS

Những đại án đáng chú ý nhất vừa được xét xử đầu năm 2018

Thứ năm, 15/02/2018, 06:00 (GMT+7)

Chưa đầy 2 tháng đầu năm 2018, nhiều đại án nghiêm trọng được đưa ra xét xử thu hút sự quan tâm từ dư luận.

Những vụ đại án kinh tế đáng chú ý nhất vừa được xét xử đầu năm 2018
Những vụ đại án kinh tế đáng chú ý nhất vừa được xét xử đầu năm 2018. 

Xét xử vụ án ông Đinh La Thăng và đồng phạm

Từ này 8-22/1, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).  

HĐXX đã tuyên Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN) 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng; Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC) 14 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, chung thân về tội Tham ô tài sản. Tổng mức án phải lĩnh là chung thân.

Các bị cáo khác là Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn cùng lĩnh 9 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng...

Cáo trạng xác định bị cáo Đinh La Thăng chỉ định PVC thực hiện và ký gói thầu EPC số 33 trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tạm ứng sai quy định hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỉ đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.100 tỉ sai mục đích gây thiệt hại gần 120 tỉ đồng.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, đã chỉ đạo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng số 33 trái quy định để PVC được nhận tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỉ đồng; chỉ đạo việc sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng trong số tiền tạm ứng vào mục đích khác, không đưa vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số hơn 119 tỉ đồng.

Riêng Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận và 8 người khác bị truy tố tội Tham ô tài sản do cấu kết lập hồ sơ khống để rút 13 tỉ đồng chia nhau sử dụng cá nhân.

Chiều 11/1, trong phần luận tội, đại diện VKSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại toà đã đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Đinh La Thăng 14-15 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước…".

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, bị đề nghị chung thân về tội "Cố ý làm trái…" và "Tham ô tài sản". Bị cáo Phùng Đình Thực (nguyên tổng giám đốc PVN) bị đề nghị 12-13 năm tù. Các bị cáo khác bị đề nghị từ 24 tháng tù treo đến 28 năm tù. Như vậy, ông Đinh La Thăng đã được nhận mức án thấp hơn đề nghị của VKSND TP Hà Nội.

Xét xử Trịnh Xuân Thanh tham ô tài sản tại PVP Land

Những vụ đại án kinh tế đáng chú ý nhất vừa được xét xử đầu năm 2018

Ngày 5/2, TAND Hà Nội mở lại phiên tòa sau một ngày nghị án và sẽ tuyên án với Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng) và 6 bị cáo khác trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land).

Theo đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh lĩnh án chung thân, Đinh Mạnh Thắng 9 năm tù, Đào Duy Phong 16 năm tù, Nguyễn Ngọc Sinh 13 năm tù, Thái Kiều Hương và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy cùng mức án 10 năm tù, theo Tri thức trực tuyến. 

Riêng bị cáo Lê Hòa Bình 8 năm tù, Nguyễn Thị Kim Thoa 6 năm tù. Tổng hợp cả bản án trước đó họ đã lĩnh do liên quan vụ án khác, Bình và Thoa cùng lĩnh án chung thân.

Theo cáo trạng, ngày 27/3/2010, nhóm 5 cổ đông sáng lập Công ty CP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương thống nhất ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng toàn bộ 24 triệu cổ phần sở hữu tại dự án Tổ hợp Trung tâm Thương mại, văn phòng cao cấp Nam Đàn Plaza ở đường Phạm Hùng (Hà Nội) cho Lê Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ 1-5, với giá 20.756,34 đồng/cổ phần, tương đương 52 triệu đồng/m2.

Trong khi 4 cổ đông thực hiện việc chuyển nhượng với giá trên thì cổ đông còn lại là PVPLand - đơn vị sở hữu nhiều cổ phần nhất (50,5%) - chỉ bán với giá 13.578 đồng/cổ phần, tương đương 34 triệu đồng/m2. Tổng giá trị cổ phần chuyển nhượng chỉ 191 tỉ đồng, giảm 87 tỉ đồng so với giá chuyển nhượng của 4 cổ đông nêu trên.

Trong vụ mua bán này, cáo trạng nêu rõ do PVP Land muốn chuyển nhượng cổ phần phải được phép của công ty mẹ là PVC nên bị cáo Thái Kiều Hương, nguyên phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Việt San - một trong 5 đơn vị là cổ đông sáng lập Công ty CP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương, đã gặp Đinh Mạnh Thắng để nhờ thu xếp cuộc gặp với chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh. Bị cáo Hương biết anh trai của bị cáo Thắng (ông Đinh La Thăng) là người có thể tác động đến bị cáo Trịnh Xuân Thanh.

Cuối tháng 3/2010, qua kết nối của bị cáo Thắng, bị cáo Hương đã gặp Trịnh Xuân Thanh tại một nhà hàng trên đường Xuân Diệu. Tại đây, bị cáo Hương đã đề cập việc chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương.

Sau cuộc gặp, Trịnh Xuân Thanh chấp thuận phương án chuyển nhượng với giá tương đương 34 triệu đồng/m2. Cáo trạng thể hiện lời khai của các bị cáo: phần 18 triệu đồng/m2 chênh lệch sẽ chuyển cho một số người vì tính tổng giá vẫn là 52 triệu đồng/m2 như đã thống nhất tại hợp đồng đặt cọc. 

Sau phi vụ này, Trịnh Xuân Thanh được nhận 14 tỉ đồng, Đinh Mạnh Thắng nhận 5 tỉ đồng cùng nhiều bị cáo khác hưởng tổng số 49 tỉ đồng từ Lê Hòa Bình "lại quả".

Đại diện VKS cho rằng hành vi của các bị cáo thỏa mãn tội "Tham ô tài sản". Căn cứ tài liệu chứng cứ, VKS quyết định truy tố Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo tội danh trên là đúng người, đúng tội, đúng quy định. 

Xét xử vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 

Những vụ đại án kinh tế đáng chú ý nhất vừa được xét xử đầu năm 2018

Sau gần một tháng xét xử và nghị án kéo dài, ngày 7/2, TAND TP.HCM đã tuyên bố trả hồ sơ cho VKSND Tối cao để điều tra bổ sung vụ Phạm Công Danh (giai đoạn 2), Trầm Bê và 44 đồng phạm bị truy tố tội cố ý làm trái. 

HĐXX nhận thấy vụ án còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, thiếu nhiều chứng cứ không thể bổ sung tại phiên tòa nên đã ra quyết định trả hồ sơ và nêu ra sáu yêu cầu cần được làm rõ. 

Theo hồ sơ, do cần tiền để trả nợ cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB), đảm Bảo Thanh khoản và tăng vốn điều lệ theo phương án được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, Phạm Công Danh đã chỉ đạo Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) cùng các bị cáo khác dùng tiền của VNCB gửi qua các ngân hàng khác dùng đảm bảo cho 29 công ty khác để vay tiền lại bằng hồ sơ giả mạo. 

Số tiền vay được đều được chuyển về cho Danh sử dụng. Tại ba ngân hàng (Sacombank, BIDV và TPBank) bị cáo Danh chỉ gặp trực tiếp bị cáo Trầm Bê, nguyên lãnh đạo Ngân hàng Sacombank), còn hai ngân hàng còn lại chỉ gián tiếp, thông qua cấp dưới đề xuất lên để vay tiền. 

HĐXX nhận thấy quá trình xét hỏi công khai tại tòa, các bị cáo là cán bộ của các ngân hàng khác khẳng định không quen biết ông Danh. Họ chỉ biết các công ty do VNCB và ông Danh giới thiệu, không biết mục đích vay tiền thực tế và sau khi vay được dòng tiền đổ về cho cá nhân ông Danh. Các bị cáo này có lỗi chưa tuân thủ đúng quy trình nhưng không cố ý giúp sức cho ông Danh. 

Tại tòa, bị cáo Trầm Bê khăng khăng cho rằng cùng hành vi như nhau tại ba ngân hàng nhưng chỉ mình bị cáo bị truy tố. Theo ông Bê, việc cho vay như vậy là đúng quy định cũng như quy trình của ngân hàng. 

Bị cáo Bê nói chỉ phê duyệt chủ trương, không biết mục đích thật của ông Danh và các doanh nghiệp giả mạo hồ sơ vay tiền. Bị cáo này không biết mục đích vay tiền, thực tế bị cáo Danh dùng tiền làm gì, do đó không thể buộc bị cáo đồng phạm tội cố ý làm trái. Sai sót là vì nghiệp vụ của cấp dưới, bị cáo không phục cáo buộc của VKS. 

HĐXX đề nghị VKS đánh giá một cách khách quan, đảm bảo không oan sai, không bỏ lọt tội phạm. Đối với các bị cáo là cán bộ BIDV Gia Định, qua thẩm vấn, tranh tụng tại tòa, đại diện VKS xác định lại các bị cáo vi phạm một điều khoản khác với nội dung cáo trạng truy tố. Như vậy cần xác định lại để có căn cứ xét xử phù hợp, đúng người, đúng tội. 

Bị cáo Danh và các bị cáo đề nghị HĐXX xem xét 4.500 tỉ đồng chuyển về VNCB để tăng vốn điều lệ. Đây là tiền vay từ ba ngân hàng nhưng không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. 

Số tiền này theo tài liệu có thể hiện đã chuyển về VNCB, được VNCB sử dụng. Vậy bị cáo Danh có hành vi cố ý làm trái, gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.000 tỉ đồng. Trong số hơn 6.000 tỉ đồng, Danh đã chuyển 4.500 tỉ đồng vào VNCB. Vậy cần xác định VNCB thiệt hại hơn 6.000 tỉ đồng hay bao nhiêu cần phải làm rõ. 

Theo HĐXX, căn cứ xem xét thiệt hại này cần phải được đảm bảo phù hợp với đánh giá của Ngân hàng Nhà nước cũng như ý kiến của Thủ tướng Chính phủ khi ông Danh và đồng phạm bị bắt, nếu có.

Huỳnh Huyền Như lĩnh án chung thân

Những vụ đại án kinh tế đáng chú ý nhất vừa được xét xử đầu năm 2018

Chiều tối 9/2, sau 2 ngày xét xử “đại án" kinh tế Huỳnh Thị Huyền Như (40 tuổi, nguyên Phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) - chi nhánh (CN) TP Hồ Chí Minh) và Võ Anh Tuấn (46 tuổi, nguyên cán bộ văn phòng Vietinbank- CN TP Hồ Chí Minh) trong việc lừa đảo chiếm đoạt trên 1.085 tỷ đồng của 5 công ty, HĐXX đã tuyên án.

Theo đó, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Huyền Như mức án tù chung thân, tổng hợp hình phạt với bản án trước mức hình phạt chung là tù chung thân; Võ Anh Tuấn 7 năm tù, tổng hợp hình phạt chung với bản án trước là 27 năm tù.

Về phần trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên buộc Huyền Như bồi thường cho 5 công ty số tiền 1.085 tỉ đồng đã chiếm đoạt, trong đó Tuấn liên đới cùng Huyền Như bồi thường cho công ty Hưng Yên 200 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, từ năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như đã vay trên 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và vay của nhiều cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản tại TP.HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt, Quảng Nam, An Giang.

Đến năm 2010, do kinh doanh thua lỗ và phải trả lãi suất cao, Như không còn khả năng thanh toán.Từ ngày 1/9/2001 đến 24/6/2010, Như là cán bộ của Ngân hàng Vietinbank chi nhánh TP.HCM, đến ngày 25/6/2010, Huỳnh  Thị Huyền Như được bổ nhiệm là quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ chi nhánh TP.HCM.

Trong khoảng thời gian từ tháng 5/2011đến tháng 9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt được 1.085 tỷ đồng của 5 công ty. Trong đó, Như chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Công ty Hưng Yên, 170 tỷ đồng của Công ty An Lộc, 380 tỷ đồng của Công ty Phương Đông, 124 tỷ đồng của Công ty Bảo Hiểm Toàn Cầu, 209,9 tỷ đồng của Công ty SBBS.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN