Thứ sáu, 22/11/2024 | 14:49
RSS

Những chuyên án in dấu ấn Trung tướng Phan Văn Vĩnh

Thứ bảy, 07/04/2018, 07:32 (GMT+7)

Trong quá trình công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nguyên Tổng cục trưởng Cảnh sát – Trung tướng Phan Văn Vĩnh từng chỉ đạo phá nhiều chuyên án lớn: Thảm sát 6 người ở Bình Dương; Bắt bầu Kiên, Trịnh Xuân Thanh…

Những chuyên án in dấu ấn Trung tướng Phan Văn Vĩnh
Trung tướng Phan Văn Vĩnh

Ngày 6/4, Công an tỉnh Phú Thọ ra quyết định khởi tố bị can ông Phan Văn Vĩnh, nguyên Trung tướng, Tổng cục trưởng Cảnh sát - Bộ Công an để điều tra liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ đồng do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu.

Trong quá trình công tác, Trung tướng Phan Văn Vĩnh từng chỉ đạo phá nhiều chuyên án lớn. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trung tướng Phan Văn Vĩnh, sinh ngày 19/5/1955, quê Nam Định.

Trong chiến dịch 135, tấn công tội phạm những năm 80-90 thế kỷ XX, ông Phan Văn Vĩnh được đánh giá rất cao trong công tác chỉ đạo triệt phá các băng nhóm tội phạm khi còn công tác tại Đội CSĐT Thành Nam.

Thời điểm năm 1991, trong quá trình truy bắt 5 tên cướp chuyên sử dụng súng ngắn, lựu đạn khi gây án, ông Vĩnh bị thương nặng, hỏng một bên mắt. Ông được đề bạt Trưởng Công an thành phố Nam Định và được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Phá vụ án Lê Văn Luyện

Sáng 24/8/2011, người dân khu phố Sàn (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc giang) phát hiện gia đình chủ cửa hàng vàng Ngọc Bích bị sát hại. Trong đó, vợ chồng chủ cửa hàng vàng cùng con gái 18 tháng tuổi bị sát hại. Bé gái Trần Ngọc Bích, người duy nhất sống sót nhưng bị chém đứt tay.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ Công an thành lập ban chuyên án, Thiếu tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Cảnh sát Phòng chống tội phạm Bộ Công an (Tổng cục VI), làm Trưởng ban.

Năm ngày sau, cơ quan CSĐT thu được một số vàng nhãn hiệu Ngọc Bích được chôn trong vườn nhà Lê Văn Luyện. Sau đó, Ban chuyên án thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin liên quan tới hung thủ.

Chiều 31/8, Ban chuyên án đã bắt giữ Lê Văn Luyện tại km số 1057, thuộc quản lý của Đồn biên phòng Na Hình, xã Thụy Hùng (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Luyện thừa nhận mọi hành vi phạm tội sau đó.

Phá vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước

Ngày 7/7/2015, dư luận bàng hoàng khi hay thông tin vụ thảm sát xảy ra tại Công ty Chế biến gỗ Quốc Anh ở Bình Phước khiến 6 người tử vong.

Tiếp nhận thông tin vụ án, Bộ Công an đã huy động hàng nghìn điều tra viên vào cuộc. Trung tướng Phan Văn Vĩnh – Tổng cục trưởng Cảnh sát phòng, chống tội phạm làm trưởng ban chuyên án và có mặt tại hiện trường, trực tiếp chỉ đạo công tác phá án ngay sau đó.

Các đơn vị được trưng dụng phá án gồm Cục C44, C45, C53, C54 và một số đơn vị nghiệp vụ trực thuộc Bộ Công an phối hợp với các phòng nghiệp vụ của Công an Bình Phước.

Sau nhiều ngày sử dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết, chiều 10/7, Trung tướng Phan Văn Vĩnh triệu tập cuộc họp gồm tất cả các đầu mối nghiệp vụ để tổng hợp thông tin. Nhiều chứng cứ thu thập tại hiện trường cho thấy Nguyễn Hải Dương (người yêu cũ của con gái gia chủ)  là nghi phạm chính của vụ án.

Chiều cùng ngày hung thủ đã khai nhận mình là chủ mưu của vụ thảm sát này với sự giúp sức của một người khác.

Ngày 17/11/2017 sau hơn hai năm gây án, tử tù Nguyễn Hải Dương, hung thủ gây ra vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước đã bị thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.

Phá vụ Bầu Kiên

Chiều tối 20/8/2012, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt giam về hành vi "kinh doanh trái phép", theo điều 159 - Bộ Luật hình sự. Ngay sau đó, cơ quan CSĐT khám xét nhà riêng ông Kiên tại quận Tây Hồ, thu giữ  một số tài liệu, CPU phục vụ quá trình điều tra.

Trả lời phỏng vấn trên báo Công An nhân dân vào tháng 8/2012, Trung tướng Phan Văn Vĩnh đã nói về vụ án Bầu Kiên: trong quá trình thu thập tài liệu để điều tra về  vụ án này, cơ quan điều tra đã thường xuyên nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và sự phối hợp chặt chẽ của 3 ngành Tư pháp Trung ương.

Tuy nhiên, tướng Vĩnh cũng cho biết, xung quanh vụ án này, đã xuất hiện nhiều dư luận trái chiều, trong đó có cả việc một số phần tử xấu lợi dụng để gây tác động, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động bình thường của ngành Tài chính, Ngân hàng.

“Với tư cách là Trưởng ban chuyên án, tôi khẳng định không chịu bất kỳ sức ép nào trong điều tra vụ án”, tướng Vĩnh nói.

Khi vụ án được đưa ra xét xử, Bầu Kiên đã bị tuyên án 30 năm tù giam với 4 tội danh: kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo và cố ý làm trái trong phiên sơ thẩm 2014 và bị tuyên án giữ nguyên án sơ thẩm trong phiên phúc thẩm 2014.


Xem thêm: Khởi tố nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh

Nguyễn Hoàn
Theo Tiền Phong