Thứ bảy, 20/04/2024 | 19:52
RSS

Những chính sách quan trọng về chăm sóc sức khoẻ có hiệu lực từ năm 2020

Thứ năm, 02/01/2020, 09:00 (GMT+7)

Giá khám bệnh với người không có BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và các bệnh viện hạng I của Hà Nội sẽ tăng từ hôm nay.

Hà Nội và nhiều tỉnh, thành điều chỉnh giá dịch vụ y tế với người không có BHYT

Từ 1/1/2020, hàng loạt tỉnh, thành (như Hà Nội, Bình Định, Cà Mau, Cao Bằng...) sẽ áp dụng mức giá các dịch vụ y tế tối đa với người không dùng bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh.

Tại Hà Nội, thành phố có hơn 88% dân số tham gia bảo hiểm y tế, từ ngày 1/1 này, mức giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT (áp dụng trong các cơ sở KCB của nhà nước thuộc TP.Hà Nội quản lý) đã được HĐND TP.Hà Nội phê duyệt sẽ chính thức có hiệu lực.

Những chính sách chăm sóc sức khoẻ quan trọng có hiệu lực từ ngày đầu năm mới 2020 - Ảnh 1.
Giá khám bệnh với người không có BHYT tại Bệnh viện Xanh Pôn và các bệnh viện hạng I của Hà Nội sẽ tăng từ hôm nay

Danh mục các dịch vụ điều chỉnh giá, gồm: giá 10 dịch vụ KCB; giá 6 dịch vụ ngày giường; giá 1.937 dịch vụ kỹ thuật (DVKT) và xét nghiệm áp dụng cho các hạng BV.

Theo đó, giá khám tại BV hạng đặc biệt và hạng 1 của các cơ sở y tế của TP.Hà Nội (như Bệnh viện Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đống Đa, Hà Đông, Tim Hà Nội, Phụ sản Hà Nội, Tâm thần Hà Nội hay Đức Giang) là 38.700 đồng; BV hạng 2 là 34.500 đồng; BV hạng 3 là 30.500 đồng; BV hạng 4 và trạm y tế xã là 27.500 đồng. Giá này đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương.

Giá ngày giường được quy định với giường điều trị hồi sức tích cực (ICU)/ghép tạng hoặc ghép tủy hoặc ghép tế bào gốc áp dụng các mức: 753.000 - 678.000 - 578.000 đồng khi điều trị các BV hạng đặc biệt, 1, 2.

Với giường bệnh hồi sức cấp cứu, giá ngày giường mà người bệnh phải chi trả, theo các mức giá: 441.000 - 411.000 - 314.000 - 272.000 - 242.000 đồng (áp dụng tại 5 hạng BV: hạng đặc biệt, 1, 2, 3, 4). Giường bệnh nội khoa loại 1 (các khoa: truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư, tim mạch, tâm thần, thần kinh, nhi, tiêu hóa, thận học; nội tiết; dị ứng (nặng): 232.000 - 217.000 - 178.000 - 162.000 - 144.000 đồng, tương ứng áp dụng cho 5 hạng BV nêu trên.

Ngoài ra, các dịch vụ chụp chẩn đoán cũng có mức giá tự chi trả khá cao, như: chụp cộng hưởng từ (MRI) gan với chất tương phản đặc hiệu mô: 8,656 triệu đồng; chụp MRI tưới máu - phổ - chức năng: 3,156 triệu đồng; chụp MRI không có thuốc cản quang: 1,308 triệu đồng...

Cấm xúi giục, kích động người khác uống rượu, bia

Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ ngày 1/1, quy định một loạt hành vi như: Cấm người lái xe uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông, có nghĩa là, người tham gia giao thông chỉ được chọn hoặc uống rượu bia, hoặc lái xe;

Luật cũng cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; Cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; Cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.

Những chính sách chăm sóc sức khoẻ quan trọng có hiệu lực từ ngày đầu năm mới 2020 - Ảnh 2.
Từ 1/1/2010, cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia

Luật có hiệu lực từ 1/1/2020 này cấm bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh.

Luật cũng cấm cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ.

Luật này có hiệu lực sẽ không được mở mới các điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.

Đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn bị phạt 600.000 đồng

Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định 46 năm 2016) có hiệu lực từ 1/1.

Theo văn bản này, người đi xe đạp, xe đạp điện vi phạm nồng độ cồn sẽ bị phạt 80.000 đến 100.000 đồng khi có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở.

Phạt từ 200.000 đến 300.000 đồng nếu người đi xe đạp, xe đạp điện có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở; từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở.

Người bán lẻ thuốc trong nhà thuốc phải có trình độ từ Trung cấp dược trở lên

Luật Dược 105/2016/QH13 (có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2017) và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật dược quy định một số chính sách được áp dụng trong lĩnh vực hành nghề dược kể từ ngày 1/1/2020 như sau:

1. Về nhân sự trong các cơ sở kinh doanh dược:

- Đối với người phụ trách chuyên môn trong các cơ sở kinh doanh dược: Phải hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược ít nhất 08 giờ trong 03 năm, được tính từ ngày Luật dược có hiệu lực thi hành (tính từ ngày 1/1/2017);

- Đối với người trực tiếp bán lẻ thuốc trong nhà thuốc: Từ ngày 1/1/2020, người bán lẻ thuốc trong nhà thuốc phải có trình độ từ trung cấp dược trở lên;

2. Về trang bị thiết bị theo dõi nhiệt độ tự ghi:

- Đối với Quầy thuốc đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược còn hiệu lực hoặc có Giấy GPP còn hiệu lực, chậm nhất đến ngày 1/1/2020 phải trang bị thiết bị theo dõi nhiệt độ tự ghi.

3. Về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin:

- Đến 1/1/2020, Quầy thuốc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối mạng, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra. Có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu.

Quỳnh An
Theo Gia đình&Xã hội