Thứ năm, 25/04/2024 | 23:58
RSS

Nhức nhối tội phạm ngân hàng

Thứ năm, 31/12/2020, 11:28 (GMT+7)

TS Cấn Văn Lực cho rằng, tội phạm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng Việt Nam đang là vấn đề nhức nhối. Theo báo cáo 8 tháng đầu năm 2020 của Công ty An ninh mạng Viettel, 90% trong số 3 triệu vụ cảnh báo tấn công mạng là nhắm đến hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam.

h
Kẻ gian mạo danh nhân viên ngân hàng hoặc gửi link giả mạo ngân hàng…

Những thiệt hại không thể tính bằng tiền

Công an TP Nam Định vừa điều tra, làm rõ một vụ mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng. Đối tượng phạm tội đã bị bắt giữ và bị truy tố.

Cụ thể, Cảnh sát hình sự Công an TP Nam Định phát hiện các đối tượng sử dụng mạng xã hội zalo, facebook, viber… đăng thông tin thu mua tài khoản ngân hàng của học sinh, sinh viên với giá 150.000 đồng/tài khoản.

Sau khi thu mua, các đối tượng tiếp tục rao bán lại thông tin tài khoản ngân hàng cho các đối tượng khác sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mỗi tài khoản được rao bán với giá 1.500.000 đồng trở lên để hưởng tiền chênh lệch. Số tiền chiếm đoạt từ hành vi lừa đảo được dịch chuyển thông qua những tài khoản ngân hàng không chính chủ này.

Đó là một trong những vụ việc an ninh mạng nổi cộm trong thời gian qua. Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, cho biết từ đầu năm đến nay đã có khoảng 4.000 vụ việc liên quan đến tấn công an ninh mạng, trong đó có lĩnh vực ngân hàng như khách hàng bị lừa mất tiền qua tài khoản do bị lừa đảo, kẻ gian mạo danh nhân viên ngân hàng hoặc gửi link giả mạo ngân hàng…

“Tổng thiệt hại của những vụ tấn công trên khoảng 100 tỷ đồng. Trong đó, một ngân hàng bị hacker tấn công có chủ đích gây thiệt hại 44 tỷ đồng”, ông Giang nói.

Theo các chuyên gia, trong xu hướng chuyển đổi số của ngành ngân hàng, bên cạnh những thuận lợi cũng tiềm ẩn nhiều thách thức. Công ty Phần mềm an ninh mạng (McAfee) và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS), từng đưa ra nghiên cứu, tội phạm mạng đang là nguyên nhân khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 1,2% GDP toàn cầu (tức hơn 1.000 tỷ USD năm 2020), tăng 50% so với năm 2018. Cùng với đó là nhiều thiệt hại khác không thể tính bằng tiền.

Còn tại Việt Nam TS Cấn Văn Lực , thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nói, rủi ro tội phạm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng Việt Nam đang là vấn đề khá thách thức: Theo báo cáo 8 tháng đầu năm 2020 của Công ty An ninh mạng Viettel, 90% trong số 3 triệu vụ cảnh báo tấn công mạng là nhắm đến hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam.

Trong khi đó TS Đinh Thị Thanh Vân - Phó Chủ nhiệm Khoa Tài chính ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội dẫn số liệu cho thấy, năm 2020 50 triệu người dùng đã bị mất thông tin bao gồm tài khoản cá nhân, số điện thoại. Cũng theo các báo cáo, rủi ro về an ninh tài chính đối với người dùng Việt Nam đã tăng lên rất nhiều, so với năm 2018 thì năm 2019 đã tăng tới hơn 50%.

Khách hàng đề cao cảnh giác

Giới chuyên gia cho rằng, số vụ tấn công mạng gia tăng một phần là do các ngân hàng chưa đầu tư đồng bộ để nâng cấp hệ thống, thiếu những phiên bản hiện đại nhất. Bên cạnh đó, cũng có thể do lỗi kỹ thuật, sự không đồng nhất của đội ngũ vận hành hệ thống.

Để hạn chế những vụ tấn công an ninh mạng vào ngành ngân hàng, các chuyên gia cho rằng ngân hàng tăng cường đầu tư bảo mật một cách đồng bộ. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý đang tiếp tục hoàn hiện hệ thống luật pháp, trong đó có việc xây dựng danh mục hệ thống thông tin quốc gia, phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tài chính cung cấp thông tin về vị trí, cơ sở dữ liệu… để truy tìm tội phạm. Ngoài ra, khách hàng cũng phải đề cao cảnh giác và bảo mật thông tin cá nhân của mình.

Về vấn đề hành lang pháp lý, nhiều quan điểm cho rằng cần có bộ luật riêng về an toàn hoạt động ngân hàng, phòng chống tội phạm công nghệ. Chính phủ, NHNN cần có các thông tư quy định về an toàn hoạt động và an ninh công nghệ ngân hàng. Các NHTM cần đồng bộ xây dựng hệ thống quy trình nghiệp vụ và đầu tư giải pháp công nghệ, phần mềm cho hệ thống NHTM, đào tạo kỹ năng cho nhân viên NHTM và khách hàng khi sử dụng dịch vụ.    

H.Hương
Theo Đại Đoàn Kết