Thứ bảy, 18/01/2025 | 10:08
RSS

Nhiều tuyến xe buýt Hà Nội có nguy cơ phải tạm dừng chạy vì bị nợ tiền

Thứ hai, 23/11/2020, 10:25 (GMT+7)

Chưa được thanh toán khoản trợ giá từ quý đầu năm, nhiều tuyến xe buýt Hà Nội đang gặp khó khăn, có nguy cơ phải tạm dừng chạy.

Sự kiện:
Hà Nội

Xe buýt Hà Nội có nguy cơ phải tạm dừng chạy vì bị nợ tiền

Ảnh minh họa

Gần hết năm 2020, nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn Thủ đô Hà Nội vẫn chưa được thanh toán khoản trợ giá từ quý đầu năm.

TTXVN đưa tin, theo Nghị định 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 10/4/2019), thay vì cơ chế trợ giá theo đặt hàng, từ tháng 6/2019, 104 tuyến buýt có trợ giá của thành phố phải chuyển sang cơ chế đấu thầu. Trong năm 2019, đã có 36 tuyến hoàn thành việc này, 68 tuyến trợ giá khác chưa kịp tổ chức đấu thầu, sang đến hết quý 1/2020 việc đấu thầu mới xong.

Do vậy, toàn bộ kinh phí hoạt động 68 tuyến buýt chưa đấu thầu trong 3 tháng đầu năm 2020 (tổng giá trị kinh phí trợ giá đề nghị thanh toán từ phía Sở giao thông Vận tải Hà Nội báo cáo thành phố là gần 312 tỷ đồng) hiện chưa được thanh toán.

Lý giải việc chậm trả của UBND TP Hà Nội, ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho Báo Giao Thông hay, thực hiện Nghị định số 32 của Chính phủ về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên có hiệu lực từ ngày 1/6/2019, 68 tuyến buýt đang thực hiện đặt hàng năm 2019 phải chuyển sang hình thức đấu thầu trong năm 2020.

Cụ thể, do phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức lựa chọn và dự thầu với nhiều bước, tiến độ gấp, khối lượng công việc lớn, thời gian chuẩn bị kéo dài, để đảm bảo dịch vụ vận tải hành khách công cộng được liên tục, UBND TP Hà Nội cho phép 68 tuyến buýt tiếp tục hoạt động ổn định, bình thường từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/3/2020 (đến khi lựa chọn được nhà thầu theo quy định).

Hiện UBND TP Hà Nội đang chỉ đạo các sở ngành liên quan nghiên cứu thanh toán cho các đơn vị đảm bảo theo đúng quy định hiện hành. Sau khi được được UBND thành phố và liên ngành chấp thuận và hướng dẫn, Trung tâm sẽ thành toán cho các đơn vị theo đúng quy định.

Nêu ý kiến về đề xuất này của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định: “Việc một số lĩnh vực dịch vụ công ích trên địa bàn TP Hà Nội chuyển từ phương thức đặt hàng sang đấu thầu nhưng chưa thể hoàn thành đấu thầu trước ngày 31/12/2019 là chậm so với quy định, đề nghị rút kinh nghiệm”.

Ông Tuấn cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ Hà Nội sử dụng trong phạm vi dự toán chi năm 2020 của thành phố để thanh toán các chi phí cho đơn vị cung ứng dịch vụ công trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến khi có kết quả trúng thầu theo mức giá không cao hơn giá đã thực hiện đặt hàng theo hợp đồng năm 2019 và giá trúng thầu năm 2020.

Thiên Thanh (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN