Thứ sáu, 29/03/2024 | 17:31
RSS

Nhiều trường đại học dự kiến tăng học phí, cao nhất thu gần 60 triệu đồng/năm học/sinh viên

Thứ bảy, 08/04/2023, 07:44 (GMT+7)

Năm học 2023 - 2024, nhiều trường đại học dự kiến sẽ tăng học phí sau thời gian dài điều chỉnh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo báo giáo dục và thời đại, các trường ở phía Nam đưa ra mức học phí dự kiến năm học 2023-2024 với chương trình chuẩn như sau:

Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh nâng mức học phí lên 940.000 đồng/tín chỉ với chương trình chuẩn. Các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh mức học phí gấp 1,4 lần so với các học phần giảng dạy bằng tiếng Việt. Năm ngoái, học phí của trường dao động 715.000 đồng/tín chỉ (tương đương 22,5 - 29,9 triệu đồng/năm).

Nhiều trường đại học dự kiến tăng học phí

Nhiều trường đại học dự kiến sẽ tăng học phí năm học 2023 – 2024. Ảnh: internet. 

Trường ĐH Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) quyết định mức học phí 30 triệu đồng/năm với chương trình trình chuẩn. Mức này tăng 2,5 triệu đồng so với mức dự kiến năm ngoái.

Trường ĐH công nghệ TP Hồ Chí Minh tăng học phí bình quân dự kiến 5,3 - 6 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 16 - 18 triệu đồng/học kỳ. Riêng ngành Dược học, sinh viên phải đóng 6 - 6,5 triệu đồng/tháng, tương đương 18 - 20 triệu đồng/học kỳ. Nhà trường cho biết đơn giá học phí của một tín chỉ được giữ nguyên trong suốt năm học và có thể thay đổi vào năm tiếp theo (không vượt quá 7%/năm).

Khoa Y, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tăng thu học phí tăng theo lộ trình. Cụ thể, năm học tới, học phí các ngành Y đa khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền, Dược học là 55,2 triệu đồng/năm (tăng 6,2 triệu đồng so với năm học trước). Riêng ngành Điều dưỡng có mức học phí 41,8 triệu đồng/năm (tăng 4,8 triệu đồng so với năm học trước).

Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, chương trình chuẩn có mức học phí 7,05 triệu đồng/học kỳ (tăng nhẹ so với mức dự kiến năm ngoái). Chương trình đại học chính quy chất lượng cao gần 18 triệu đồng/học kỳ.

Trong khi đó, học phí chương trình quốc tế liên kết đào tạo quốc tế giữ nguyên 212,5 triệu đồng/toàn khóa học (đã bao gồm học phí tiếng Anh, chương trình chính khóa, kỹ năng mềm...). Sinh viên học 8 học kỳ, học phí trung bình 26,5 triệu đồng/học kỳ.

Theo báo Đại đoàn kết, ở khu vực phía Bắc, Học viện Tài chính đưa ra mức học phí dự kiến năm học tới với chương trình chuẩn là 22-24 triệu đồng (tăng 10-20% so với hiện tại). Học phí với chương trình chất lượng cao tăng nhẹ lên 48-50 triệu đồng.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến nâng mức thu hệ đại trà từ hơn 440.000 đồng lên thành hơn 500.000 đồng/tín chỉ với khóa tuyển mới sắp tới. Với hệ chất lượng cao, mỗi sinh viên phải nộp gần 1,5 triệu đồng/tín chỉ, so với mức cũ là 1,3 triệu đồng.

ĐH FPT tăng học phí chính khóa là 28,7 triệu đồng/học kỳ, tương đương cả năm 57,4 triệu đồng/năm học. Trong khi đó, năm 2020 - 2021, sinh viên phải đóng 25,3 triệu đồng/học kỳ, năm học 2022 - 2023, học phí là 27,3 triệu đồng/học kỳ.

Trường ĐH Điện lực đưa ra mức học phí trong năm tới là 16 - 18 triệu đồng/năm học (tăng 14% so với năm trước).

Trao đổi với báo Người Lao Động trước thông tin tăng học phí của các trường ĐH, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết:

"Chất lượng đào tạo quyết định chi phí đào tạo. Hiện nay, với các trường đại học công lập, chi phí đào tạo đến từ các nguồn: Ngân sách nhà nước; các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ,... và học phí. Như vậy, học phí chỉ là một phần của chi phí đào tạo. 

Học phí đại học phải phù hợp với thu nhập của người dân chứ không được nâng lên cao chót vót. Các trường đại học không thể lấy cớ nâng cao chất lượng đào tạo, vẽ ra chi phí. Bởi nếu như vậy, hậu quả là người nghèo, đối tượng thu nhập thấp khó cơ cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học". 

Thúy Vũ (Tổng hợp)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại