Cơ quan thú y Hà Nội thu gom lợn chết vứt tại các bãi rác ở Ba Vì đưa đi tiêu hủy (Ảnh: Trần Quang)
Người nuôi bị bỏ rơi?
Trong ngày 27.12, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều khu vực của huyện Bình Lục (Hà Nam) đã xuất hiện nhiều xác lợn chết vứt bên bờ mương, kênh, bãi rác, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Điều đáng nói là ngay tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam, chúng tôi cũng phát hiện nhiều xác lợn bị bệnh nhưng các lái buôn vẫn thản nhiên cho lên xe đưa đi tiêu thụ.
"Thủ phủ" lợn lớn nhất miền Bắc những này khá yên ắng, mọi công việc vẫn diễn ra bình thường, song trên mỗi nét mặt của bà con nông dân luôn tỏ ra lo âu, chán nản.
Đang dọn cỏ bên bờ mương trong làng, thấy chúng tôi hỏi chuyện, bà Nguyễn Tâm, một nông dân ở xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục lắc đầu bảo: "Hết khủng hoảng giá giờ lại thêm dịch, thất bại chồng thất bại, nông dân chúng tôi "trắng tay" thật rồi".
Bà Tâm cho hay: "Gia đình tôi từng là hộ nuôi khá nhiều lợn nhung qua lần mất giá năm 2016, tôi phải bán bớt đàn và giảm đầu nái để cố cầm cự nhưng đến đợt dịch lở mồm long móng xảy ra vào khoảng giữa tháng 12 vừa rồi đã khiến vợ chồng tôi thực sự trắng tay".
"Đợt dịch lở mồm long móng lần này rất nguy hiểm và khó lường, dù chúng tôi đã dùng mọi loại thuốc để chữa trị nhưng cũng phải chịu thua vì dịch bệnh quá mạnh, bà con nghi ngờ dịch bệnh lần này có điều bất thường nên mới ác liệt và khó chữa đến thế", bà Tâm nói.
Nhiều hộ dân ở Ba Vì, Thường Tín (Hà Nội) cũng đang chịu thiệt hại nặng trong đợt dịch LMLM. Hộ bà Hồ Thị Bảy ở thôn Hiệu Lực, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội) là một trong những nạn nhân bị nặng nhất. "Vụ Tết năm nay, gia đình có hơn 70 con lợn đẹp đang lớn nhanh như thổi, vợ chồng tôi rất mừng, chỉ chờ ngày xuất chuồng kiếm chút tiền lãi mà giờ hỏng hết, chúng tôi mất Tết rồi", bà Bảy buồn rầu.
Điều bà Bảy và bà con ở Ba Vì bức xúc là dù dịch bùng phát mạnh, gây thiệt hại nặng cho người nuôi nhưng phía chính quyền địa phương không hề có hành động gì giúp nông dân.
"Lợn của nông dân chết bệnh la liệt từng ngày mà thú y cũng không đến hỏi han gì. Lo mất cơ nghiệp, tôi phải tự mình mua thuốc sát trùng về phun chuồng trại chứ không có người nào của thú y đến phun cả. Tôi cũng tự mua thuốc điều trị cho lợn nhưng cũng "lực bất tòng tâm”, bà Bẩy ngậm ngùi.
Nhiều tỉnh giấu thông tin dịch?
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Thiện - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục cho biết, dịch lở mồm long móng đã được phát hiện ở xã khoảng 10 ngày nay. Ngay sau đó, lãnh đạo xã đã báo và phối hợp với cán bộ thú y huyện cùng các cơ quan liên quan về thực tế kiểm tra, ra soát dịch bệnh trên toàn địa bàn.
Lái buôn thu gom lợn bị dịch LMLM đưa đi tiêu thụ ở tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm ở Hà Nam. Ảnh phóng viên chụp chiều ngày 27/12 (Ảnh: Trần Quang)
"Thời điểm kiểm tra chúng tôi đã phát hiện có khoảng 10 hộ dân chăn nuôi lợn tại 3/6 thôn có lợn xuất hiện biểu hiện bị bong móng, choãi chân... nên các cán bộ thú y đã tiến hành thăm, khám xem kỹ và phát hiện các cá thể lợn (phấn lớn là lợn con và lợn choai) tại các hộ này đã bị bệnh LMLM", ông Thiện khẳng định.
Ông Thiện cho biết thêm, trước tình hình đó, các cán bộ thú y xã, huyện đã vận động và hướng dẫn bà con tiêu hủy lợn bị bệnh theo đúng quy định. Đồng thời, xã cũng khuyến khích các hộ chăn nuôi trên địa bàn "bán chạy" đàn lợn thương phẩm không bị bệnh đủ tuổi xuất chuồng để hạn chế thiệt hại.
Lợn chết do dịch LMLM bị vứt la liệt các bãi rác, kênh, mương ở một số nơi của huyện Bình Lục (Hà Nam) (Ảnh: Trần Quang)
"Do không có kinh phí nên ngoài việc tuyên truyền để dân tiêu hủy lợn bị bệnh ra địa phương không có tiền để hỗ trợ cho bà con. Hiện, địa phương vẫn giám sát, kiểm tra thường xuyên kiểm soát công tác phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên chúng tôi vẫn gặp khó trong công tác kiểm soát việc người dân bán lợn dịch ra thị trường", ông Thiện nói.
Dù dịch LMLM đã xảy ra cách đây gần nửa tháng khiến bà con bị thiệt hại nặng, nhiều khu vực còn xuất hiện nhiều xác lợn chết vứt vương vãi khắp nơi song đến tối ngày 27.12 khi trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, lãnh đạo Chi cục Thú y Hà Nam cho rằng, hiện tỉnh vẫn chưa nhận được số liệu, thông tin cụ thể về tình trạng này, "vẫn đang chờ các xã, huyện báo cáo lên".
Tuy nhiên, sau khi phóng viên đưa ra các bằng chứng về thông tin và hình ảnh về lợn chết do dịch LMLM, ông Đinh Huy Bách - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nam đã phải thừa nhận. Ông Bách cho hay: Hiện, tỉnh đã có văn bản xuống các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM và các dịch bệnh khác nói chung. Đồng thời chúng tôi tiến hành cấp phát 8.000 lít dung dịch để các huyện, thành phố trên địa bàn tiến hành phun tiêu độc, khử trùng vào các ngày tới.
Theo ông Bách, ngày 27.12, Chi cục Thú y tỉnh đã cử cán bộ xuống địa bàn làm việc với các huyện để nắm bắt tình hình và làm việc cụ thể về vấn đề này. Cùng với đó, trong quá trình kiểm tra tại các bãi rác, bờ kênh trên địa bàn huyện Bình Lục, các cán bộ cũng có phát hiện các bao tải chứa lợn chết và đã kịp thời cho người thu gom đưa đi tiêu hủy theo quy định.
Trong một số ô chuồng tại chợ đầu mối tiêu thụ lợn lớn nhất miền Bắc xuất hiện nhiều cá thể lợn bị ốm, long móng nằm la liệt trên nền xi măng ẩm ướt, bẩn thỉu (Ảnh: Trần Quang)
Trước thông tin phóng viên phát hiện có lái buôn ngang nghiên trao đổi, mua bán lợn nghi bị dịch LMLM ở chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam, ông Bách cho rằng, bản thân chưa nắm rõ được thông tin nhưng hàng ngày tại chợ này vẫn có cán bộ thú y túc trực cùng với Ban quản lý chợ giám sát và kiểm tra chặt chẽ đầu vào, đầu ra và chưa từng phát hiện trường hợp lợn ở đây bị LMLM. "Từ thông tin mà phóng viên cung cấp, tôi sẽ cho người kiểm tra, nắm bắt lại tình hình", ông Bách nói.
Tiếp giáp Hà Nam, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình cũng mới thừa nhận với chúng tôi ở địa phương mình cũng có xuất hiện một số điểm có dịch. "Ninh Bình mới chỉ xuất hiện một số điểm dịch nhỏ nhưng đến nay địa phương đã tiến hành khoanh vùng và dập dịch xong, không để xuất hiện điểm dịch mới. Đồng thời, chúng tôi cũng tiến hành phối hợp chặt chẽ và đơn vị liên quan tuyên truyền và tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch LMLM trên toàn tỉnh", ông Đinh Quốc Sự - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình khẳng định.
Đã phát sinh 27 ổ dịch LMLM Ngày 27/12, theo thông tin từ Cục Thú y cả nước đã phát sinh tới 27 ổ dịch. Trong đó, có một số ổ dịch mới ở Ba Vì, Thường Tín (Hà Nội), Hòa Bình, Bắc Ninh... Riêng thông tin từ Sở NNPTNT Bắc Ninh cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh này đã xuất hiện dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) type O, A tại một số địa phương. Tổng số lợn chết và tiêu hủy tại các địa phương nêu trên là 112 con, tổng khối lượng 7.595kg. |