Các đối tượng "phe vé" bị bắt giữ chiều ngày 5/12.
Ngày 5/12, Công an quận Nam Từ Liêm vừa bắt giữ hơn 10 "cò vé" do đã chèo kéo, mời khách mua vé trận bán kết lượt về, gây mất an ninh trật tự tại khu vực Quảng trường Sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Lực lượng chức năng cũng đã thu hàng trăm vé, trong đó có cả vé mời được nhân viên bảo vệ Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ thuộc Liên đoàn bóng đá Việt Nam chào bán, với giá 4,5 triệu đồng.
Sau khi vụ việc xảy ra, nhiều người băn khoăn việc “phe vé”, “cò vé” có bị xử lý hay không. Liên quan đến vụ việc này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp đã có những trao đổi dưới góc nhìn pháp lý về vụ việc.
Theo Luật sư Cường, pháp luật hiện nay không có quy định cụ thể để xử lý hành vi "cò vé", "phe vé". Hành vi mua bán vé tự phát, mua đi bán lại chỉ có thể bị xử lý theo quy định pháp luật nếu như việc mua bán này có dấu hiệu lừa đảo, làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức hoặc gây rối trật tự công cộng.
Theo quy định tại Điều 11, Nghị định 112/2013/NĐ-CP của Chính Phủ thì việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay các hành vi sau: Gây rối trật tự công cộng; Gây thương tích cho người khác; Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc dù đã bị nhắc nhở nhưng vẫn cố tình vi phạm.
Nghị định 17/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 112/2013/NĐ-CP đã bổ sung thêm các trường hợp áp dụng việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính, cụ thể là: Khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới mà người vi phạm có dấu hiệu bỏ trốn, tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm, gây cản trở việc xử lý vi phạm.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp
Như vậy, theo quy định của Nghị định 112/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 17/2016/NĐ-CP thì khi cơ quan công an xác định nhóm người trên có dấu hiệu của hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác đã bị nhắc nhở nhưng cố tình vi phạm hoặc có dấu hiệu của hành vi buôn lậu thì cơ quan công an có quyền giữ người theo thủ tục hành chính (không quá 24h) để xác minh, làm rõ, làm căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.
Trong quá trình tạm giữ các đối tượng trên, cơ quan công an sẽ làm rõ những chiếc vé rao bán trên là vé thật hay vé giả. Nếu có căn cứ xác định người bán vé đã làm giả vé thì người này sẽ bị khởi tố về tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (khi đã bán vé giả cho người khác).
Trong trường hợp những vé bán là vé thật, thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người bán thì việc mua đó chỉ bị xử lý nếu như làm mất trật tự công cộng, gây ách tắc giao thông hoặc gây ảnh hưởng tới đời sống xã hội.
Còn trong trường hợp hành vi mua bán vé không cản trở giao thông, không gây mất trật tự xã hội thì hành vi này không bị xử lý, không có chế tài để xử lý với hành vi mua đi, bán lại vé bóng đá. Vé xem bóng đá cũng là một loại tài sản được phép giao dịch trên thị trường, giá cả mua bán do hai bên thỏa thuận bởi vậy nếu có người mua vé nhưng sau đó không có nhu cầu sử dụng đã bán lại thì dù với giá bán bao nhiêu mà hai bên tự nguyện thỏa thuận thì việc mua bán đó cũng không bị coi là vi phạm pháp luật, không bị xử lý.
Đối với nhân viên VFF nếu có căn cứ xác định người này đã tuồn vé ra ngoài bán nhiều lần để thu lời bất chính thì cần làm rõ hành vi tuồn vé đó như thế nào, có vi phạm các quy định về quản lý nhà nước hay không để có biện pháp xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào hành vi, hậu quả cụ thể.
Cơ quan công an cần làm rõ tình tiết này để xác định những sai phạm của những người có liên quan, làm trong sạch, lành mạnh, công bằng thị trường bóng đã Việt Nam, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người hâm mộ bóng đá.
Xem thêm:
Tìm thấy thi thể người phụ nữ bỏ lại xe máy, gieo mình xuống sông Hàn