Thứ sáu, 29/03/2024 | 08:57
RSS

Nhà trường nói gì về vụ học sinh giỏi quốc gia trượt đại học?

Thứ bảy, 05/11/2016, 20:52 (GMT+7)

Việc một em học sinh giỏi quốc gia thi trượt đại học không đơn giản do “mù” thông tin như một số thông tin em trình bày qua báo chí.

Mặc dù đạt tổng số 27,5 điểm và thừa so với điểm chuẩn của trường đại học nhưng thí sinh Đặng Thị Huyền (người dân tộc Hoa ở thôn Na Cho Cai, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, Hà Giang) vẫn thi trượt đại học. Đáng chú ý, Huyền cũng là một trong 102 gương mặt học sinh giỏi người dân tộc thiểu số tiêu biểu được vinh danh sáng ngày 5/11, tại Hà Nội

Mặc dù là học sinh giỏi quốc gia nhưng em Đặng Thị Huyền (trái) vẫn thi trượt đại học

Mặc dù là học sinh giỏi quốc gia nhưng em Đặng Thị Huyền (trái) vẫn thi trượt đại học. Ảnh Vietnam+

Chia sẻ với báo Vietnam+, Huyền cho biết, em học lớp 12 Trường Phổ thông dân tộc nội trú cấp 2 - cấp 3 Yên Minh (Hà Giang). Năm học 2015-2016, Huyền được chọn dự thi học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý và đoạt giải ba. Trong kỳ thi THPT Quốc gia, tính cả điểm cộng em đạt tổng 27,5 điểm.

Sau khi nhận giấy báo điểm, em đã làm hồ sơ gửi xét tuyển vào hai trường là Đại học Luật Hà Nội (ngành Luật Kinh tế và Luật) và Đại học Sư phạm Hà Nội (ngành Sư phạm Địa và Việt Nam học). Sau khi gửi hồ sơ đi, em có theo dõi điểm chuẩn của các và biết mình không đủ điểm chuẩn vào ngành Luật Kinh tế nhưng đều dư điểm vào ba ngành còn lại.

Được biết theo quy chế năm nay, trong vòng 5 ngày kể từ khi trường công bố danh sách trúng tuyển trên cổng thông tin điện tử của trường, thí sinh phải gửi giấy chứng nhận kết quả thi về trường. Thời gian gửi giấy trúng tuyển được căn cứ trên dấu bưu điện.

Sau thời gian trên, nếu trường không nhận được giấy chứng nhận kết quả thi của thí sinh thì thí sinh đó sẽ được coi như thí sinh ảo và bị loại ra khỏi danh sách trúng tuyển. Huyền cho biết em đã không gửi giấy chứng nhận kết quả thi.

Lý do thi trượt đại học Huyền đưa ra là do thiếu thông tin, không tiếp cận được Internet

Lý do thi trượt đại học Huyền đưa ra là do thiếu thông tin, không tiếp cận được Internet. Ảnh minh họa

“Tuy nhiên, do xem trên điện thoại nên em không đọc được danh sách thí sinh trúng tuyển trong file đính kèm. Em cũng không biết quy định thí sinh phải nộp giấy chứng nhận về trường ngay sau khi có điểm chuẩn. Em cứ nghĩ khi nào có giấy trúng tuyển, lên trường nhập học mới phải nộp giấy báo điểm…,” Huyền chia sẻ.

Với mong muốn được học đại học, Huyền vừa có thư gửi Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ để trình bày về hoàn cảnh của mình và mong Bộ trưởng giúp đỡ cho em một cơ hội được vào học.

Tuy nhiên, trao đổi với báo Dân Trí về trường hợp thi trượt đại học của em Huyền, bà Trần Bích Thúy – hiệu trưởng ngôi trường Huyền từng theo học, trước khi kì thi THPT quốc gia diễn ra, nhà trường đã tổ chức ít nhất 4 buổi tư vấn về kì thi. Trong đó, nhà trường nhắc đi nhắc lại rất kĩ các quy trình thi cử cũng như xét tuyển.

Sang học kỳ 2, ít nhất nhà trường tổ chức khoảng 8 buổi tư vấn thi cử nữa, chưa kể một buổi giao lưu trực tuyến với Giám đốc Sở GD&ĐT dành cho học sinh lớp 12 mà bản thân Huyền cũng có mặt. Vậy nên, nếu nói Huyền không nắm kĩ thông tin khi các bạn trong trường đều nắm được là chưa xác đáng.

Tâm thư Huyền gửi Bộ trưởng GD&ĐT sau khi thi trượt đại học

Tâm thư Huyền gửi Bộ trưởng GD&ĐT sau khi thi trượt đại học. Ảnh Dân Trí

Thứ hai, theo bà Thúy, ngay sau khi có thông tin điểm thi và việc xét tuyển của các trường, nhà trường liên lạc với Huyền thì số điện thoại em đăng kí với nhà trường không thể gọi được.

Về vấn đề này, ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang khẳng định các em học sinh ở trường cấp 3 mà Huyền theo học đều được tư vấn rất kĩ càng trước khi kì thi diễn ra. Nhà trường cũng tạo điều kiện tối đa để các em tiếp cận Internet nhưng thí sinh Huyền đã không có liên lạc.

“Gần 6 nghìn học sinh lớp 12 của chúng tôi đều nắm được thông tin, tại sao mỗi em Huyền không biết? Tôi còn đích thân tổ chức Hội nghị trực tuyến về tuyển sinh cho toàn bộ học sinh lớp 12 để giải đáp toàn bộ thắc mắc.

Trong đó, em Huyền cũng thuộc diện tham gia. Do đó, nếu nói em trượt do “mù” thông tin là chưa chính xác”, ông Sử khẳng định.

Minh Thùy (t/h)
Theo Đời sống Plus