Nhà báo Đặng Vỹ khẳng định Nghị định 49 của Chính phủ là cần thiết, đúng đắn nhưng việc làm của các nhà mạng hiện nay, đặc biệt là việc yêu cầu khách hàng phải chụp ảnh để bổ sung thông tin đã gây thiệt hại cho khách hàng, và “việc phải có ảnh chân dung của khách hàng là trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ chứ không phải trách nhiệm của khách hàng”. Được phép của nhà báo Đặng Vỹ, báo Lao Động xin chia sẻ thông tin của anh.
Nhà mạng vô hiệu các hợp đồng kinh tế?
Nhà báo Đặng Vỹ cho biết: “Dưới đây là 2 bản hợp đồng (HĐ) tôi mở thuê bao với Mobifone, một HĐ thuê bao trả trước, một HĐ trả sau. Đương nhiên cũng có hàng triệu người có HĐ như tôi, nhưng tôi vẫn đưa lên đây để tiện người khác không cần lục tìm, và những người làm mất HĐ được đọc. Vì tôi biết các vị không đánh giá cao, thấy không cần thiết giữ cái HĐ này, nên có khi vứt đi rồi. Nhưng hóa ra, hôm nay nó có giá trị pháp lý để khởi kiện nhà mạng đây.
Tôi tuyên bố, nếu Mobifone cắt thuê bao điện thoại của tôi, tôi sẽ kiện họ đến cùng. Tôi sẽ mời LS Nguyễn Kiều Hưng bảo vệ cho tôi.
Xin tóm tắt:
1. Trong cả 2 hợp đồng này, không có bất cứ điều khoản nào ràng buộc rằng, bất cứ khi nào nhà mạng yêu cầu cung cấp thông tin bổ sung thì khách hàng (là tôi) buộc phải cung cấp.
2. Cũng không có điều khoản nào quy định, khi Chính phủ ra Luật mới hay bổ sung, là tôi buộc phải theo các yêu cầu của nhà mạng thực hiện các quy định bổ sung của Luật.
Từ đây cho thấy, việc phải có ảnh chân dung của tôi bổ sung vào hồ sơ thuê bao, là TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ, chứ KHÔNG PHẢI TRÁCH NHIỆM CỦA TÔI. Trong mục "Nghĩa vụ của bên A" (tức tôi), hoàn toàn không buộc tôi phải có nghĩa vụ này.
Vì vậy, bằng cách nào đó nhà mạng phải tự kiếm lấy hình chân dung của tôi, là chuyện của họ. Họ không có chân dung tôi là họ đã không tuân thủ Nghị định 49, chứ tôi không vi phạm. Họ có thể đến nhà tôi xin chụp ảnh chẳng hạn, chứ tôi không rảnh đến tận chỗ họ chầu chực xin chụp hình.
Nhà mạng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng không?
3. Ở bản HĐ thuê bao trả sau của tôi (HĐ ngày 1/4/2013), hai bên cam kết: "Mọi thay đổi của HĐ này sễ được quy định trong các phụ lục...". Đến nay, Mobifone chưa hề có động thái liên lạc với tôi để đề nghị đàm phán lại HĐ và bổ sung bằng phụ lục.
Như vậy, nếu họ đơn phương cắt thuê bao của tôi, tôi kiện họ ngay!
4. Trong HĐ trả trước của tôi (HĐ ngày 2/3/2012), hai bên cam kết về điều khoản chấm dứt HĐ thì:
4.1) Điều 5 quy định: "Bên B có quyền đơn phương tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ dịch vụ trong trường hợp:
- Bên A không thực hiện đúng nghĩa vụ quy định tại khoản 2 điều 2, khoản 3 và khoản 6 điều 4 của HĐ này.
Truy lại các khoản này, thấy:
i) Khoản 2.2. quy định các nghĩa vụ của bên A, bao gồm (vắn tắt): cung cấp chính xác địa chỉ thanh toán, và các thông tin liên quan khác có trong HĐ; Sử dụng dịch vụ đúng quy định của PL; Thanh toán cước đầy đủ và đúng hạn; Mất SIM phải báo ngay; Thông báo bằng VB cho bên B khi thay đổi địa chỉ, CQ... Nói chung là thay đổi thông tin.
ii) Khoản 4.3 cũng quy định bên khách hàng phải tuân thủ về thanh toán và phạt lãi suất chậm nộp.
iii) Khoản 4.6 quy định nếu khách hàng sử dụng quá hạn mức đăng ký trước kỳ thì sẽ tạm ngừng dịch vụ.
4.2) Điều 6: "Chấm dứt hiệu lực của HĐ", quy định bên B (nhà cung cấp DV) có quyền đơn phương chấm dứt HĐ trong các trường hợp:
i) Kể từ ngày bên A yêu cầu tạm dừng DV, quá 31 ngày mà bên A không yêu cầu tiếp tục sử dụng.
ii) Trong thời gian tạm ngừng DV, bên A không thanh toán các loại cước còn lại.
Và quan trọng nhất là ở ĐIỀU 7, hai bên cam kết là nếu có tranh chấp, thì sẽ phải "giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục, quy định và hệ thống pháp luật hiện hành của nước CHXHCNVN"; "Các yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc tranh chấp thuộc phạm vi thỏa thuận của hai bên có ghi trong hợp đồng sẽ được các bên cùng xem xét, giải quyết trên cơ sở thương lượng, hòa giải. Nếu không thống nhất được, các bên có quyền đưa ra giải quyết theo THỦ TỤC TỐ TỤNG theo quy định của pháp luật Việt Nam".
Vậy nếu thuê bao của tôi bị cắt, tôi sẽ kiện nhà mạng ra tòa”.