Thứ sáu, 22/11/2024 | 09:57
RSS

Nguy cơ từ việc cầm cố sổ bảo hiểm xã hội

Thứ tư, 03/01/2018, 15:12 (GMT+7)

Việc cầm cố sổ BHXH có thể phát sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp, không những ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên liên quan mà còn ảnh hưởng đến trật tự xã hội

Gần đây, Báo BHXH tiếp nhận một số thông tin đề nghị tư vấn về tính pháp lý và những nguy cơ từ việc cầm cố sổ BHXH. Đại diện một số doanh nghiệp (DN) cũng bày tỏ quan ngại về hậu quả lâu dài của việc cầm cố sổ BHXH.

Đem sổ BHXH đi thế chấp

Chị T.- chuyên viên nhân sự của một DN đóng trên địa bàn KCN Hòa Phú (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: Thời gian gần đây, một số công nhân (CN) tại DN thông báo mất sổ BHXH và đề nghị cấp lại sổ BHXH mới. Theo chị T., việc công nhân báo mất sổ BHXH đặt ra không ít nghi vấn. "Có một nhóm CN báo mất sổ BHXH ở thời điểm gần nhau và DN nghi ngờ chuyện mất sổ này. Chúng tôi đã rà soát và nhận thấy, một số CN đã cầm cố sổ BHXH; đồng thời thông báo mất sổ BHXH để làm lại sổ mới. Hiện nay, việc cấp lại sổ BHXH khá dễ dàng và người lao động (NLĐ) có thể lợi dụng các quy định này để cầm cố sổ BHXH. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của DN và những nguy cơ, hệ lụy xã hội khác"- chị T. chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Thanh- Phó Giám đốc phụ trách BHXH Vĩnh Long cho biết, BHXH tỉnh đã nhận được thông tin từ một số DN phản ánh về tình trạng cầm cố sổ BHXH. "Việc cầm cố sổ BHXH, pháp luật không cho phép và có thể mang lại các hậu quả pháp lý rắc rối trước mắt cũng như lâu dài. Chúng tôi đã cử cán bộ theo dõi ở các điểm nghi vấn để có giải pháp xử lý phù hợp. Trước mắt, BHXH tỉnh sẽ phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để NLĐ cũng như những người có ý định cầm cố sổ BHXH của NLĐ hiểu các hậu quả khi cầm cố hoặc nhận cầm cố sổ BHXH để từ bỏ các ý định này"- ông Thanh nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến sổ BHXH, gần đây, chị Nguyễn Thanh H.- là tiểu thương ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) nhờ chúng tôi tư vấn liệu có thể cầm cố sổ BHXH? Theo nội dung trình bày, chị H. là chủ nhà trọ, có CN ở nhà trọ muốn vay 30 triệu đồng và thế chấp sổ BHXH (nếu tính ra nhận trợ cấp BHXH một lần trị giá hơn 40 triệu đồng). "Chúng tôi thống nhất nhau, người CN này sẽ làm giấy ủy quyền để sau một năm nữa, tôi sẽ nhận BHXH một lần với số tiền hơn 40 triệu đồng và cấn trừ số tiền đã vay. Tính ra, đúng một năm mà lời hơn 10 triệu đồng là quá tốt. Ở khu vực của tôi trước cũng từng có người nhận cầm sổ BHXH, nhưng tôi chưa an tâm lắm nên nhờ tư vấn cho chắc ăn"- chị H. kể.

Sau khi được chúng tôi phân tích về tính pháp lý cũng như những hệ lụy khi nhận cầm cố sổ BHXH, chị H. đã thôi ý định nhận cầm cố sổ BHXH. Chị H. đã nhận ra được việc cầm sổ BHXH cũng như "chơi dao", bởi lẽ người đi cầm sổ BHXH có thể âm thầm báo mất sổ và làm lại sổ BHXH mới. Sau một năm, có thể NLĐ này nhanh chân cầm sổ BHXH này để đi nhận trợ cấp BHXH một lần với đầy đủ giấy tờ thật và người thật. Trong khi đó, người cầm sổ BHXH có thể mất trắng, bởi giữ sổ BHXH của người khác chẳng khác nào giữ "giấy lộn"…

Khó tránh rủi ro

Theo Luật sư Lê Bình An (Đoàn Luật sư TP HCM), thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chánh (TTHC) của ngành BHXH, việc đề nghị cấp lại sổ BHXH hiện nay khá đơn giản. NLĐ chỉ cần có đơn trình báo mất sổ BHXH, đơn đề nghị cấp lại sổ BHXH có xác nhận của chính quyền địa phương, giấy xác nhận quá trình đóng BHXH, giấy xác nhận chưa được giải quyết trợ cấp một lần của cơ quan BHXH, tờ khai cấp sổ… Sau đó, nộp những giấy tờ trên cho cơ quan BHXH, trong thời hạn giải quyết theo quy định, cơ quan BHXH sẽ cấp lại sổ BHXH cho NLĐ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ khi gặp các sự cố mất sổ BHXH; song đáng tiếc là có trường hợp lại lợi dụng việc này để báo mất sổ BHXH và đề nghị cấp lại.

Tuy nhiên, Luật sư Lê Bình An cũng cảnh báo việc cầm cố sổ BHXH có thể phát sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp, không những ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên liên quan mà còn ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Việc cầm cố sổ BHXH có thể khiến các bên gặp những rủi ro nhất định. "NLĐ tham gia BHXH tuân theo nguyên tắc có đóng, có hưởng; đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều. Pháp luật về BHXH không cho phép mua bán, chuyển nhượng thời gian NLĐ tham gia BHXH. Điều này có nghĩa, chỉ người nào tham gia BHXH thì người đó hoặc thân nhân của họ mới được hưởng quyền lợi liên quan. Chẳng hạn, NLĐ tham gia BHXH nếu gặp rủi ro (trong thời gian chưa hưởng BHXH một lần mà qua đời) thì người thân của họ mới được hưởng chế độ tuất, chứ người cầm sổ BHXH không thể hưởng. Mặt khác, việc nhận BHXH một lần có thể được NLĐ ủy quyền cho người khác; song người được ủy quyền cũng chưa chắc nhận được, vì liên quan đến các thủ tục, nhất là trong trường hợp số sổ BHXH đó đã có người khác nhận BHXH một lần… Do đó, tốt nhất là không nên cầm cố hoặc nhận cầm cố sổ BHXH để tránh các mâu thuẫn và các vấn đề pháp lý liên quan"- Luật sư An phân tích.

Thời gian gần đây, BHXH một số địa phương liên tục gửi thông báo tình trạng sổ BHXH cũ của NLĐ bị mất, trong đó có tình trạng nhiều NLĐ trong cùng một DN bị mất sổ BHXH. Mặc dù nhiều trường hợp mất sổ BHXH một cách "bất thường"; song căn cứ vào hồ sơ lưu trữ trên phần mềm quản lý thu, BHXH các địa phương thực hiện cấp lại sổ BHXH mới, đồng thời thông báo hủy bỏ giá trị sử dụng của những sổ cũ đã bị mất. Việc làm này nhằm tạo thuận lợi cho NLĐ trong việc thụ hưởng chế độ chính sách. Do đó, để tránh phát sinh tranh chấp, mâu thuẫn liên quan đến sổ BHXH, người dân không nên nhận thế chấp sổ BHXH, bởi vừa vi phạm pháp luật, vừa dễ gánh hậu quả một khi sổ BHXH không còn giá trị sử dụng.

Trần Đức
Theo Bảo hiểm xã hội