Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:50
RSS

Người tiêu dùng thông minh lựa chọn thực phẩm ngày Tết như thế nào?

Thứ bảy, 06/02/2021, 10:20 (GMT+7)

An toàn thực phẩm vẫn là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là trong dịp Tết. Nhu cầu về thực phẩm và các loại hàng hóa luôn tăng cao, chính vì thế thị trường mua bán phục vụ người dân trong dịp Tết cũng trở lên vô cùng sôi động. Tuy nhiên, cách lựa chọn thực phẩm an toàn cho ngày Tết thì không phải người tiêu dùng nào cũng


Rau quả tươi, thực phẩm không thể thiếu cho mỗi gia đình

Để giữ trọn niềm vui và đảm bảo sức khỏe mọi người trong dịp Tết, mỗi gia đình cần biết cách lựa chọn, bảo quản và chế biến thực phẩm tươi sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Dưới đây là một số cách cách lựa chọn thực phẩm ngày Tết sạch và an toàn.

Rau quả:

Để phòng trừ trường hợp khan hiếm rau, rau giá cao, bạn chỉ nên mua các loại củ, quả có thời gian để dưới 1 tuần. Ngoài ra, để phân biệt rau an toàn, bạn nên để ý các loại rau này thường có màu nhạt hơn và không mượt bóng ở rau ngót, cải, cà chua, rau muống và cả với bắp cải. Bẹ ngoài cùng của rau trông rất cứng và ít độ bóng.

Hơn nữa, rau an toàn do không được xịt thuốc trừ sâu trong thời gian gần thu hoạch nên có hiện tượng sâu ăn lá. Một số loại củ, quả an toàn thường không được ngâm thuốc để bảo quản trong thời gian dài nên phần cuống vẫn còn tươi. Những loại rau quả ít dùng thuốc trừ sâu là bầu, bí xanh, bí đỏ, chuối... Thận trọng với những loại rau: rau muống, xà lách, rau cải xoong, tần ô, cải bẹ xanh, cải ngọt, rau má, đậu đũa, khổ qua, táo Thái Lan...

Không mua rau đã héo úa, dập nát hay có mùi lạ, có dấu hiệu bất thường như quá mập, quá phồng hoặc dính các hạt bụi nhỏ. Không nên mua những loại hạt có vỏ nhăn nheo, chỉ nên chọn loại hạt vỏ nhẵn, màu hồng đều. Tránh mua rau có rễ bám nhiều đất vì đó là nguồn vi sinh gây hư hỏng nhanh rau quả. Và cách bảo quan rau tốt nhất là để ở ngăn tủ mát. Rau nên nhặt sạch, bỏ lá giập, rửa dưới vòi nước nhiều lần, để ráo và cho vào túi nylon buộc chặt để ăn dần.

Khi sử dụng, cần nhặt tách riêng từng lá và cọng rau, ngâm ngập trong nước sạch 15-20 phút để hòa tan thuốc bảo vệ thực vật (nếu có). Sau đó, rửa trôi 2-3 lần trước vòi nước chảy hoặc trong chậu nước đầy. Nếu là quả thì nên gọt bỏ vỏ, loại những quả dập nát.

Thức ăn tươi sống: Trong dịp nghỉ lễ tết, các cửa hàng, siêu thị đều đóng cửa, giá thực phẩm tăng cao, chính vì vậy hầu hết các gia đình đều có tâm lý chọn cách tích trữ các sản phẩm đông lạnh trước đó vài ngày. Tuy nhiên, bạn nên kiểm tra kỹ hạn sử dụng thực phẩm, chọn các thực phẩm có thời gian lưu giữ ngắn hạn, bởi thời gian đông lạnh càng kéo dài, càng đồng nghĩa với số lượng chất bảo quản thực phẩm được lưu giữ trong thực phẩm.


Thực phẩm tươi sống được bày bán với số lượng lớn trong các siêu thị

Bạn nên chọn thịt có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô. Tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt. Thịt tươi, ngon phải có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính. Thịt tươi và sạch cần phải không có mùi lạ, mùi ôi thiu hay mùi thuốc kháng sinh.

Đối với thịt bò: Nên chọn loại thịt có thớ khô ráo, màu đỏ tươi.

Thịt lợn: Nên chọn thịt lợn màu hồng tươi, sớ thịt săn, da mỏng. Lớp mỡ có màu sáng bóng, có độ rắn. Loại thịt có mỡ hơi vàng là heo bệnh, có những hạt đốm trắng là bào nang sán.

Gà: Chọn con khỏe mạnh, mào đỏ tươi, da và lông mềm mại, lỗ chân lông nhỏ, hậu môn không ướt và đỏ, đùi to, chắc, chân nhỏ. Nên chọn gà mái tơ. Với gà công nghiệp, nên chọn có trọng lượng từ 2kg trở lên, nếu mua gà làm sẵn nên chọn con có màu vàng nhạt bởi vàng đậm có thể do người bán ngâm vào nước có pha bột sắt.

Vịt: Chọn mua con trưởng thành và béo, ức tròn, da cổ và da bụng dày, mọc đủ lông, mỏ nhỏ và hơi cứng, xách thấy nặng tay. Thịt vịt đực ngon hơn vịt cái.

Với thịt gia cầm lựa thịt có màu sắc tự nhiên, từ trắng ngà đến vàng tươi, mắt sáng. Thịt cần có da kín, lành lặn, không có vết bẩn, vết bầm, mốc meo hoặc vết lạ. Thịt gia cầm hỏng thường có màu vàng thẫm, vàng tím hoặc vàng tối sẫm, mắt vẩn đục.

Đối với cá và hải sản: Tốt nhất nên mua cá tôm đang còn sống, đang bơi trong nước. Cá tươi có miệng ngậm kín. Thân cá rắn chắc, đàn hồi, không để lại vết ấn của ngón tay trên thịt cá. Vảy cá óng ánh, bám chặt thân cá, không có niêm dịch và mùi hôi thối khó chịu. Mang có có màu đỏ hồng, không bị nhớt hay mùi hôi. Trôn cá thụt sâu vào bên trong, có màu trắng nhạt và bụng cá lép.

Chọn tôm tép vỏ sáng lóng lánh, dài và trơn láng. Nghêu sò ốc còn sống. Mực nang thì nên chọn mực có thịt trắng như mứt dừa là ngon, mực ống thì nên chọn loại vừa, không qúa lớn, chưa vỡ túi đen. Các loại thủy sản khác nên chọn loại còn tươi, có màu sắc bình thường, đặc biệt không có mùi ươn hôi.

Mứt Tết: Khi chọn mua mứt Tết bạn nên chọn loại có bao bì, nhãn hiệu cũng như có địa chỉ thật rõ ràng. Đối với các loại mứt có màu sắc lòe loẹt, tươi sáng do sử dụng màu công nghiệp và nó chứa nhiều kim loại nặng có thể ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người sử dụng, có thể gây ung thư rối loạn tiêu hóa hay thần kinh.

Các loại mứt khô bạn có thể chọn các loại có màu sắc thật tự nhiên, hạn chế các loại mứt có nhiều màu tổng hợp. Bạn nên mua những loại mứt bao bì còn nguyên vẹn và được bày bán ở nơi thật thoáng mát, mới sản xuất và còn hạn sử dụng.

Hạt dưa: Đây là loại hạt dễ bị tẩm, nhuộm các loại hóa chất độc hại như Rhodamine B gây hại cho cơ thể. Nếu ăn hạt dưa nhuộm Rhodamine B lâu dài sẽ có nguy cơ gây suy gan, thận và ung thư.

Khi mua hạt dưa nên chọn loại hạt có màu đỏ nâu tự nhiên, không có màu đỏ hay hồng tươi cũng như không bị cháy đen. Nên thử trước khi mua bằng cách, cho cả hạt vào miệng để ngấm nước bọt rồi cho vào lòng bàn tay xoa xem có bị phai màu không. Vì phẩm màu tự nhiên khi cho vào nước sẽ phai màu ngay.

Bánh, kẹo: Hiện nay, nhiều sản phẩm bánh ngoại nhập khẩu có xuất xứ không rõ ràng thường tiềm ẩn hiện tượng trộn bánh đã hết hạn sử dụng, hoặc trộn bánh kém chất lượng (giá trị dinh dưỡng thấp) không tương xứng với bao bì mẫu mã.

Người tiêu dùng không nên vì giá rẻ hay chuộng "mác" ngoại mà mua bánh kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu chọn giỏ quà Tết gói sẵn để biếu, người tiêu dùng cũng nên cẩn trọng, xem kỹ cơ cấu sản phẩm được gói bên trong, tránh mua nhầm hàng ngoại kém chất lượng.

Rượu: Trước khi mua rượu, bạn nên kiểm tra tem, nhãn và nắp chai có rõ ràng không? Còn nguyên vẹn không? Nên chú ý khi mở rượu, nếu thấy có mùi xốc của cồn tức là rượu đó có hàm lượng cồn cao. Người uống cần lắc nhẹ ly để kiểm tra độ bám của rượu ở thành ly.

Thị trường Tết luôn là cơ hội cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đánh lừa người tiêu dùng. Trong khi đó nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, đặc biệt các mặt hàng thiết yếu như thịt, chả, mứt bánh kẹo, rượu, nước giải khát... tăng đột biến.Cục An toàn Thực phẩm khuyến cáo cẩn trọng với thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.

Để an toàn, nguyên tắc cơ bản là lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hạn sử dụng, có nhãn mác, không hỏng mốc và có mùi khó chịu. Đặc biệt, đối với mặt hàng bánh kẹo, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm đã được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm bằng cách xem trên nhãn mác có ký hiệu: (số thứ tự)/(năm cấp YT + tên viết tắt tỉnh, thành phố -XNCB). Quan sát kỹ thông tin trên bao bì bánh kẹo bao gồm nơi sản xuất, ngày sản xuất, ngày hết hạn, thành phần, cách bảo quản.

AN CHI
Theo Đại Đoàn Kết