Thứ sáu, 22/11/2024 | 05:17
RSS

Bị phạt hàng trăm triệu đồng nếu cố tình giữ sổ BHXH không trả cho nhân viên

Thứ ba, 10/03/2020, 19:05 (GMT+7)

Doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền lên tới hàng trăm triệu đồng nếu không trả sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động khi họ nghỉ việc.

Cố tình giữ sổ BHXH không trả cho nhân viên1
Không trả BHXH cho người lao động là vi phạm pháp luật Ảnh minh họa

Tình trạng người lao động nộp đơn xin nghỉ việc và được doanh nghiệp chấp thuận, nhưng doanh nghiệp lại không chốt, trả sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động. Điều này, gây tâm lý hoang mang, chán nản khi những người lao động “thấp cổ bé họng” không biết dựa vào đâu để đòi quyền lợi cho bản thân. 

Do đó, mới đây một trong những nội dung đáng chú ý được đề cập tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã đưa ra quy định cụ thể về mức phạt đối với cá nhân, tổ chức không trả sổ BHXH cho người lao động vừa được Chính phủ ban hành vào ngày 1/3/2020. Nghị định này chính thức có hiệu lực từ ngày 15/4/2020.

Theo điều 4 khoản 40 nghị định 28 ghi rõ: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động.

Cố tình giữ sổ BHXH không trả cho nhân viên2

Sổ bảo hiểm xã hội. Ảnh minh họa

Điều 5 khoản 38 nghị định 28 ghi: Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Và điều 6 khoản 38 nghị định 28: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm trên là mức phạt đối với cá nhân. Còn theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 28 lại nêu, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. 

Như vậy, với các hành vi vi phạm nêu trên, doanh nghiệp có thể sẽ bị phạt tiền tới hàng trăm triệu đồng. Nghị định này chính thức có hiệu lực từ ngày 15/4/2020.

T.Linh (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN