Người phụ nữ xinh đẹp Nguyễn Ngọc Mỹ không lấy chồng ở vậy nuôi đàn chó gần một trăm con
Người phụ nữ mà chúng tôi nói đến là chị Nguyễn Ngọc Mỹ 45 tuổi, ngụ đường Lê Văn Việt (quận 9, TP HCM). Chị Mỹ sống độc thân trong căn nhà 2 tầng cũ kỹ hơn 2 chục năm nay. Công việc của chị là thiết kế quần áo. Khi chúng tôi đến, đang ở ngoài cửa đã nghe thấy tiếng sủa đàn chó của chị vang lên inh ỏi từ trong nhà.
Chị Mỹ kể rằng, sau hơn 20 năm nhận nuôi những con chó bị bỏ rơi, hắt hủi thì đến nay đàn chó của chị đã lên tới 91 con. Trong đó, con nhỏ nhất gần 2 tháng tuổi, còn con nhỏ nhất đã hơn 12 năm. “Từ hồi còn nhỏ xíu tôi đã thương chó lắm, nhưng mà lúc đó còn ở với gia đình nên dù thích nhưng không nuôi nhiều được”, chị Mỹ nhớ lại.
Một kỷ niệm mà cho đến nay chị vẫn chưa quên đó là năm chị đang học đại thì có một con chó bị bệnh, rồi chết. Chị Mỹ kể lại: “Lúc đó tôi có nuôi một con của người đàn ông cho, nó dễ thương lắm. Nhưng tự nhiên có lần nó sùi bọt mép. Lúc đó tôi đang đi học tiếng Anh ở Đại học Nông Lâm, về thì không thấy đâu nữa. Nghe mẹ tôi nói sợ nó bị điên nên đem cho ông hàng xóm đập đầu. Lần đó, tôi khóc không biết bao nhiêu tháng”.
Chị cho biết, chị có một tình yêu thương đặc biệt với động vật, nhưng đối với loài chó là chị thương nhất. Lý giải điều này, chị Mỹ nói: “Vì tỉ số gen của nó gần giống như mình. Nên gần như tâm tư, cảm xúc của nó gần như con người. Vui buồn nó cảm nhận được hết. Ví dụ có những lúc tôi buồn gì đó, khóc, thấy tôi nằm trên ghế bố thì nó tới liếm tay, rồi nó gặm yêu từng cái từng cái giống như an ủi mình vậy. Nó cũng biết hờn biết giận, chẳng hạn như tôi la nó thì nó giận nó bỏ ăn. Chúng không cắn mình đâu, do vô tình cắn nhau đụng mình thôi. Mà nhiều đứa dễ thương lắm, mình tập nhảy tầng trên chúng biết được cũng co chân nhún nhảy y như người vậy. Những lúc vậy mình tưởng như có cả chục đứa bạn đang ở bên cạnh", chị Mỹ tâm sự.
Cả đàn chó 91 con của chị Mỹ được chị âu yếm gọi bằng những cái tên khác nhau. Chị xưng hô với chúng hết sức thân thuộc. “Mỗi đứa tôi đặt một tên, đặt theo hình dạng, đặc điểm, tính cách của nó. Ví dụ như con mà hay lục lọi thì tôi đặt là Tò Mò. Con mà bị tai nạn không chết thì tôi đặt là Họa Đơn Vô Chí. Rồi một con bị chó lớn cắn khâu 36 mũi thì tôi đặt là Mạng To. Con nào mà kêu không thèm quay lại thì tôi đặt là Ba Trợn…”, chị Mỹ vui vẻ kể.
Con Lắc Ky là con chị nhận nuôi gần đây nhất vào tháng 2 đầu năm nay. Chị Mỹ kể lại: “Một người phụ nữ mang đến nói con chó này là của hàng xóm, người ta ngược đãi, xích ngoài mưa cho lội bì bõm. Thấy vậy tôi nhận nuôi. Nó già lắm rồi, mắt mờ, răng rụng…Tôi đặc biệt thương những con này”.
Chị Mỹ kể rằng, sống với bầy chó hơn 20 năm nên chị Mỹ huấn luyện cho chúng rất quy củ, có khu vệ sinh riêng. Với những con mới nhận về, chị huấn luyện hằng ngày. Căn nhà thường xuyên được lau dọn, đàn chó được tắm bằng nước nóng để không ảnh hưởng đến sức khỏe của chính chị và hàng xóm. "Tôi nuôi chúng với cái tâm muốn cứu giúp, mong muốn chúng có cuộc sống tốt hơn. Đa số láng giềng, người quen đều ủng hộ nhưng cũng có một số người đàm tiếu bảo tôi khùng, dư tiền...", chị nói.
Tuy nhiên, do căn nhà trên đường Lê Văn Việt khá cũ kỹ lại nhỏ trong khi đàn chó ngày một nhiều. Chị Mỹ có kế hoạch bán một số tài sản để về Bình Dương mua đất xây nhà mới. "Tôi sẽ thiết kế hẳn một tầng dành riêng cho đàn thú cưng sinh sống", chị Mỹ cười cho biết.
Chị Mỹ cho biết, để nuôi được đàn chó gần 100 con, chị phải tốn kém rất nhiều thứ, thậm chí đến cả công việc của chị. Chị kể: “Mỗi ngày tôi phải đặt mua gan, xay ra để cho chúng ăn. Rồi tôm, bò viên lấy từ đồ thừa của nhà hàng. Một ngày tính tiền gan là 150 nghàn và nấu hết 13 ký gạo, chưa nói tiền lặt vặt. Trước đây thì tôi mua sữa bịch, nhưng giờ đông quá nên nên mua sữa bò cho tụi nó uống. Ngày hôm nay pha một thau cho tốp này ăn, ngày mai cho tốp khác ăn, cứ luân phiên như vậy”.
Khi chúng tôi hỏi, giả sử bây giờ có người hỏi mua chị có bán không thì không do dự, chị trả lời rằng có mua cả chục tỷ một con cũng không bán. “Có những người tới xin về nuôi mà quý lắm tôi mới cho. Nhưng trước khi cho thì tôi cũng phải tới nhà để xem nhà cửa người ta thế nào, có hàng rào không. Cho xong thì tôi còn đi thăm, nếu thấy người ta không quan tâm thì tôi sẽ xin lại”, chị cho biết.
Mặc dù chăm sóc kỹ như vậy, nhưng thỉnh thoảng những con chó của chị Mỹ cũng không tránh khỏi bệnh tật, rồi chết đi. Mỗi lần có con nào chết đi, chị cũng “tiễn biệt” chúng theo cách hết sức tử tế. “Mới đây có một con bị bệnh. Lúc đến phòng khám, người ta đông lắm nhưng thấy tôi vừa ôm chó vừa khóc tội nghiệp quá nên người ta nhường cho tôi làm trước. Khi nó chết đi, tôi ướp trà, trừa cái mặt ra rồi đêm mới đem đi chôn ở chỗ kín đáo, không gây ô nhiễm cho mọi người”, chị Mỹ tâm sự.
Vì có một tình yêu đặc biệt như vậy với loài chó, chị Mỹ phải chịu đựng, hi sinh rất nhiều, thậm chí phải chịu điều tiếng không hay của người đời. Chị nói: “Thậm chí nhiều người nói tôi điên, dư tiền đi nuôi chó này nọ. Nhưng tôi chịu thôi, nhiều lúc cũng gắng gượng lắm. Tôi nghĩ là mình có một cái duyên kiếp gì đó với loài chó, chứ không phải ai cũng làm vậy được đâu, chịu đựng giữ lắm”.
Chị Mỹ kể rằng, mối tình đầu của chị là năm khoảng 22 tuổi. Tuy nhiên, sau khi mối tình này đã trải qua khoảng hơn 10 năm thì hai người chia tay, vì thỉnh thoảng 2 người lại lời qua tiếng lại vì đàn chó của chị. “Đụng đến tôi thì tôi nhịn chứ đụng đến chó là tôi không nhịn”, chị kể.
Chị cũng cho biết, từ giờ chị sẽ không nhận nuôi thêm con nào nữa, vì nhà đã quá chật, không còn chỗ. Chị cười, nói tiếp: “Năm nay tôi 45 rồi. Nếu nuôi tốt mấy con này thì chúng nó cũng tầm 20 năm nữa, lúc đó tôi cũng đã lụm khụm mất rồi”.
(Theo Vanhien)