Thứ bảy, 20/04/2024 | 05:58
RSS

Người làm lộ đề thi THPT Quốc gia 2018 có thể bị xử lý hình sự

Thứ hai, 25/06/2018, 06:36 (GMT+7)

Theo quy chế, cán bộ coi thi bị buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu làm lộ đề thi, mua, bán đề thi THPT Quốc gia 2018.

Người làm lộ đề thi THPT Quốc gia 2018 có thể bị xử lý hình sự
Người làm lộ đề thi THPT Quốc gia 2018 có thể bị xử lý hình sự. Ảnh minh họa.

Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018 của Bộ giáo dục và Đào tạo dành một phụ lục cho công tác coi thi.

Trong đó, lưu ý đầu tiên được nhắc đến là trước mỗi buổi thi, trưởng điểm thi đảm bảo các phương tiện thu, phát thông tin cá nhân (nếu có) của tất cả người làm nhiệm vụ tại điểm thi phải được lưu giữ tại phòng trực của điểm thi.

Điều 22 của Quy chế cũng quy định, khi thực hiện nhiệm vụ coi thi, cán bộ coi thi không được mang các thiết bị thu phát thông tin, không được làm việc riêng, hút thuốc hoặc sử dụng đồ uống có cồn. "Cán bộ coi thi phải bảo vệ đề trong giờ thi, không để lọt đề ra ngoài phòng thi", văn bản nêu, theo Một thế giới  

Quy chế nêu rõ các hình thức xử lý với cán bộ tham gia tổ chức thi nếu vi phạm. Cụ thể, người tham gia tổ chức thi là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong hoặc sau kỳ thi) sẽ bị đình chỉ làm công tác thi và đề nghị cơ quan quản lý cán bộ áp dụng quy định của pháp luật về công chức, viên chức để xử lý kỷ luật.

Mức phạt cảnh cáo áp dụng đối với người phạm một trong các lỗi: để thí sinh quay cóp, mang tài liệu và vật dụng trái phép vào phòng thi; chấm thi không đúng hướng dẫn hoặc cộng điểm bài thi có nhiều sai sót; ra đề thi vượt quá phạm vi chương trình THPT; truyền dữ liệu thi không đúng cấu trúc, không đúng thời hạn, không đúng quy định của Bộ Giáo dục.

Tuỳ theo mức độ vi phạm, cán bộ làm thi có thể bị hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc chuyển đi làm công tác khác nếu vi phạm một trong các lỗi như: ra đề thi sai; trực tiếp giải bài thi hoặc hướng dẫn cho thí sinh lúc đang thi; lấy bài thi của thí sinh này giao cho thí sinh khác; gian lận khi chấm thi, cho điểm không đúng quy định, vượt khung hoặc hạ điểm của thí sinh.

Hình thức buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự được áp dụng khi cán bộ vi phạm lỗi: Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi; làm lộ đề thi, mua, bán đề thi; làm lộ số phách bài thi; sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh; cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm; đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh; gian dối trong việc sửa chữa học bạ, hồ sơ của thí sinh.

Những người vi phạm lần đầu các hành vi dưới mức quy định tại các điểm trên, bị xử lý khiển trách. Cán bộ làm mất bài thi của thí sinh khi thu bài, vận chuyển và bảo quản bài thi, chấm thi hoặc có những sai phạm khác trong công tác tổ chức thi, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị kỷ luật theo một trong các hình thức kỷ luật như đã nêu.

Trước những lo ngại về tính minh bạch, khách quan trong coi thi, chấm thi, một số ý kiến cho rằng để tránh các hiện tượng tiêu cực, gian lận trong thi cử, hiện tượng coi lỏng, coi chặt nên cho một cán bộ công an vào trong phòng thi hoặc giám sát, theo báo Lao động.

Về vấn đề này, Chánh thanh tra Bộ GDĐT Nguyễn Huy Bằng cho rằng: “Mỗi đơn vị đều có chức năng và nhiệm vụ riêng của mình. Thi cử là việc diễn ra bình thường và ngành giáo dục đủ sức làm việc này, công an là lực lượng phối hợp.

Tôi không ủng hộ ý kiến đưa công an vào trong các phòng thi, bởi tôi tin đại đa số các thầy cô trong ngành nghiêm túc, đủ sức làm việc đó. Có những hiện tượng đặc biệt, mang tính kỹ thuật cao, thì mới cần đến các lực lượng khác hỗ trợ, như lực lượng công an. Chúng ta cũng không nên quá nặng nề làm ảnh hưởng đến tâm lí của các thí sinh”, ông Bằng cho hay.


Xem thêm: Bản tin tổng hợp sáng 7/6: Hơn 95.000 thí sinh thi vào lớp 10

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN