Thứ năm, 25/04/2024 | 20:06
RSS

Người đàn ông hoại tử tay, nhiễm độc nặng sau khi bị rắn hổ mèo cắn

Thứ bảy, 07/11/2020, 11:18 (GMT+7)

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lờ đờ, sưng nề, hoại tử lan rộng từ bàn tay lên cẳng tay sau 2 ngày bị rắn hổ mèo cắn.

Ngày 7/11, thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận  cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận cấp cứu trường hợp nam bệnh nhân bị tổn thương nội tạng kèm rối loạn đông máu do nhiễm độc nặng sau khi bị rắn hổ mèo cắn.

Cụ thể, nạn nhân là ông  P.N.T. (46 tuổi, ngụ Phước Thuận, Ninh Thuận). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lờ đờ, sưng nề, hoại tử lan rộng từ bàn tay lên cẳng tay sau 2 ngày bị rắn hổ mèo cắn. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị tổn thương nội tạng (gan, thận, tim) kèm rối loạn đông máu do nhiễm độc nặng.

Bệnh nhân ngay lập tức được tiến hành thẩm tách siêu lọc máu, kháng sinh, cắt lọc vết thương hoại tử và hội chẩn trực tuyến với bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Sau một thời gian điều trị, hiện bệnh nhân đã xuất viện với bàn tay lành dần và chờ ghép da.

Trao đổi với PLO, BS.CK 2 Thái Phương Phiên - Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh tỉnh Ninh Thuận cho biết, trước đó bệnh viện cũng đã tiếp nhận và điều trị thành công nhiều  trường hợp bị rắn độc cắn, nhưng ông T. là trường hợp đầu tiên bị rắn hổ mèo cắn gây nhiễm trùng nhiễm độc nặng, tổn thương đa cơ quan.

Người đàn ông hoại tử tay, nhiễm độc nặng sau khi bị rắn hổ mèo cắn

Rắn hổ mèo.

Theo bác sĩ Phiên, rắn hổ mèo có tên khoa học là Naja siamensis (tiếng Anh là Indochinese spitting cobra), thuộc họ rắn hổ (Elapidae family). Rắn có màu vàng xanh nhạt, dài khoảng 0,2 - 1,5 m, nặng 100 - 3000g, có thể phình mang (có hình hai mắt kính nhưng không có gọng kính), dựng đầu cao và phun được nọc rắn.

Rắn thường sống vùng cao, khô ráo như các ụ mối, hang hốc hoặc xung quanh nhà như dưới các đóng củi, dưới chuồng gà hay chuồng heo, các hang hốc quanh nhà để tìm kiếm mồi Ở nước ta, rắn hổ mèo thường gặp ở các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. 

Tính đến thời điểm này, vẫn chưa có huyết thanh kháng nọc rắn hổ mèo đặc hiệu. Điều trị triệu chứng là biện pháp duy nhất trong khi chờ đợi nọc rắn được thải trừ, bác sĩ Phiên thông tin thêm.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN