Thứ sáu, 22/11/2024 | 00:26
RSS

Người dân muốn tiêm vắc xin Covid-19 phải ký giấy đồng ý tiêm

Thứ bảy, 06/03/2021, 10:11 (GMT+7)

Ngày 6/3, bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương – Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, người dân phải ký giấy đồng ý tiêm vắc xin Covid-19.

Ngày 6/3, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn tiêm chủng cho nhân viên y tế trên toàn quốc, tại 700 đầu cầu trên cả nước. 

Tại Hội nghị, bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương – Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, theo khuyến cáo của nhà sản xuất, tiêm vắc xin Covid-19 AstraZeneca có thể xảy ra các phản ứng như: 

10% người tiêm xảy ra các phản ứng thông thường như các vắc xin khác: đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại vị trí tiên, bồn chồn, sốt nhẹ, có người ớn lạnh; Từ 1-10% tại vị trí tiêm sưng, đỏ tại vị trí tiêm

"Phản ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ, phản ứng quá mẫn, muộn, có thể xảy ra sau tiêm nhưng hiện nay Tổ chức Y tế thế giới WHO chưa có đủ dữ liệu. Cũng chưa có bằng chứng liên quan giữa các trường hợp phản ứng nghiêm trọng có liên quan đến vắc xin Covid-19", bà Hồng nhấn mạnh. 

Theo bà Hồng, để phòng bệnh, vắc xin Covid-19 AstraZeneca cần tiêm 2 liều, mỗi liều cách nhau 12 tuần, có thể tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, nên tiêm cùng 1 loại vắc xin Covid-19 để phòng bệnh... 

"Đây là vắc xin dành cho người từ 18 tuổi trở lên. Người tiêm phải ký vào giấy đồng ý tiêm chủng vắc xin Covid-19. Đây là điểm khác biệt so với việc tiêm các vắc xin phòng bệnh khác", bà Hồng nhấn mạnh. 

Người dân muốn tiêm vắc xin Covid-19 phải ký giấy đồng ý tiêm

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay, dự tính hơn 100 triệu liều vắc xin Covid-19 sẽ được tiêm trong năm 2021

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, do vắc xin Covid-19 là vắc xin mới, ra đời nhanh nhất, được đưa vào sử dụng nhanh nhất. Do đó, các nhà nghiên cứu, sản xuất đều chưa có thời gian đủ dài để đánh giá về hiệu quả phòng dịch. Các vắc xin Covid-19 có mức độ bảo vệ, thời gian bảo vệ khác nhau. Có vắc xin hiệu lực bảo vệ của vắc xin được 1 năm, có vắc xin chỉ 6 tháng.

Vì vậy, Bộ Y tế xác định, song song với việc nhập khẩu vắc xin Covid-19 cần phải đẩy mạnh sản xuất vắc xin Covid-19 trong nước, đảm bảo an ninh vắc xin lâu dài.

"Do thời gian theo dõi ngắn nên những phản ứng sau tiêm có thể xảy ra, kể cả phản ứng có lợi lẫn bất lợi. Ngay cả vắc xin quen thuộc, đã sử dụng lâu cũng có thể xảy ra các phản ứng không tốt. Vì vậy, việc tiêm chủng vắc xin Covid-19 mới này cần triển khai thận trọng", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Long, lô vắc xin Covid-19 đầu tiên về từ 24/2, tuy nhiên Việt Nam phải chờ giấy chứng nhận xuất xưởng của Hàn Quốc, có kết quả an toàn mới triển khai tiêm. Dự kiến mùng 8/3 sẽ triển khai tiêm mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên cho các đối tượng ưu tiên.

Dự kiến hơn 100 triệu liều vắc xin Covid-19 được tiêm trong năm 2021

"Đến tháng 3 sẽ có thêm 1,3 triệu liều vắc xin Covid-19 của COVAX, tháng 4 và 5, nguồn cũng cũng sẽ tăng lên, đảm bảo đủ nguồn cung cấp vắc xin cho người dân. Tuy nhiên, đợt này vắc xin ít nên tập trung ưu tiên cho các đối tượng trực tiếp phòng chống dịch, hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Ngày 8/3 sẽ tiến hành tiêm vắc xin Covid-19 cho Hải Dương và các đơn vị điều trị bệnh nhân Covid-19 như Bệnh viện Bệnh

Nhiệt đới T.Ư, Tp HCM.... Ngay cả cán bộ ở Bộ Y tế cũng sẽ tiêm đợt sau", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Để đảm bảo sử dụng vắc xin Covid-19 an toàn nhất, Bộ trưởng nhấn mạnh những điểm cần lưu ý khi tiêm chủng.

Thứ nhất là phải khám sàng lọc trước khi tiêm. Đối với các vắc xin khác chỉ hỏi tiền sử bệnh, đo nhiệt độ, nhưng với vắc xin Covid-19 phải khám sàng lọc để mũi tiêm được an toàn.

Thứ 2 là các đơn vị tổ chức tiêm chủng sẽ quản lý việc tiêm chủng Covid-19 trên hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân. Các đơn vị sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử, còn người dân cần tải app sức khỏe về để được thông báo về tình hình tiêm chủng, sức khỏe của mình, tiện cho việc quản lý và theo dõi sức khỏe.

"Tiến tới, chúng ta sẽ có visa Covid-19 liên thông quốc tế tiện lợi cho người dân khi đi ra nước ngoài học tập, làm việc", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng yêu cầu phải đẩy mạnh truyền thông cho người dân hiểu được ích lợi của vắc xin Covid-19, những hạn chế của vắc xin Covid-19 mới, những phản ứng không mong muốn có thể xảy ra sau tiêm... để người dân hiểu và ủng hộ việc tiêm chủng mở rộng.

"Dù hiệu quả vắc xin không đảm bảo phòng bệnh 100% nhưng nếu người tiêm có bị mắc Covid-19 thì bệnh sẽ nhẹ hơn", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Long, song song với việc tiêm chủng vẫn phải nghiêm túc các biện pháp phòng dịch Covid-19. Đảm bảo trong năm 2021 sẽ tiêm chủng đầy đủ cho người dân trong nước.

"Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay. Từ nay đến cuối năm 2021 dự tính sẽ triển khai tiêm hơn 100 triệu liều vắc xin Covid-19 cho người dân. Do đó, ngành y tế huy động tổng lực toàn ngành y tế tham gia vào chiến dịch này", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ. 

Diệu Linh
Theo Dân Việt