Thứ ba, 23/04/2024 | 12:38
RSS

Người dân phản ứng như thế nào trước tin BOT Cai Lậy thu phí trở lại?

Thứ bảy, 07/10/2017, 12:02 (GMT+7)

Theo thông tin mới nhất, chủ đầu tư BOT Cai Lậy đang làm việc với cơ quan chức năng để mở lại trạm thu phí trong tháng 10 này. Lập tức dư luận lại tranh cãi gay gắt về thông tin này.

BOT Cai Lậy thu phí trở lại, liệu tài xế có phản đối?

Thông tin BOT Cai Lậy thu phí trở lại vào trong tháng 10 này, liệu tài xế có phản đối? Ảnh Tri Thức Trực Tuyến

Theo thông tin từ phía Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang cho biết vừa ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh việc thu phí BOT trạm Cai Lậy với Bộ GTVT. Công ty này cũng đang làm việc với chính quyền địa phương để bàn biện pháp đảm bảo an ninh trật tự trước khi dự định thu phí trở lại trong tháng 10 này.

Phương án mới được đưa ra là sẽ giảm 30% giá vé qua trạm, từ 25.000 đòng – 140.000 đồng. Ngoài ra, hộ dân 4 xã sống gần trạm thu phí nếu không kinh doanh vận tải thì sẽ được miễn giá vé hoàn toàn khi qua trạm.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy được đưa vào hoạt động từ ngày 1/8. Trạm này xây dựng khi tuyến tránh QL1 dài 12km hoàn thành. Tuy nhiên, dù mới đưa vào hoạt động nhưng đã vấp phải nhiều sự phản đối của người dân và buộc ban điều hành BOT này phải xả trạm từ đêm 14/8 tới nay.

Đã gần 2 tháng từ ngày xả trạm, thông tin BOT Cai Lậy sẽ tiến hành thu phí trở lại trong tháng 10 và giảm giá vé 30% có lẽ là tin tức “nóng hổi” nhất đối với tài xế lái xe. Vậy họ sẽ phản ứng như thế nào?

Liệu người dân vẫn tiếp tục phản đối việc đặt trạm BOT tại đây khi trạm Cai Lậy thu phí trở lại? Thời điểm trạm thu phí này đi vào hoạt động đã khiến cánh tài xế rất bức xúc. Vấn đề cần giải quyết triệt để ở đây là vì sao không di dời trạm thu phí này về đúng vị trí của nó mà lại đặt trên QL1.

Trước đây, khi có thông tin sẽ giảm giá phí qua BOT Cai Lậy, nhiều ý kiến đã cho rằng, việc giảm vé nhưng thời gian thu phí sẽ điều chỉnh tăng lên sẽ là một trong những “đòn bẩy” để làm nhẹ bớt khi dư luận đang bức xúc.

Theo độc giả Duy bình luận trên Tri Thức Trực Tuyến "Cái người dân đấu tranh là dời trạm về đúng vị trí của nó chứ không cần giảm giá. Giảm giá mà thời gian thu tăng lên thì cũng như nhau".

Đồng tình với ý kiến trên, độc giả Huỳnh Minh Thuận nói rằng "Giảm 30% nhưng tăng thời gian thu phí cũng không khác gì nhiều".

Vì thế, nếu có một phép tính sơ quan rằng với mức thu phí ban đầu là 35.000 đồng/lượt thu trong 5 năm và số tiền 25.000 đồng/lượt thu trong 7 năm thì về bản chất số tiền phải mua vé không thay đổi là mấy.

Nhiều ý kiến cho rằng, tại sao không đặt trạm thu phí vào đường tránh mà lại phải đặt tại QL1. Nhiều phản ứng gay gắt hơn khi cho rằng đừng nghĩ tới việc giảm phí và cánh tài xế sẽ không cần giảm sẽ là một trong những vấn đề khiến ban quản lý, nhà đầu tư cũng như cơ quan chức năng đau đầu đi tìm lời giải.

Ý kiến của độc giả Minecfc.com cho biết: "Cần di chuyển trạm BOT này vào tuyến đường tránh vì QL1 lâu rồi người dân vẫn đóng phí bảo trì đường bộ."

Bởi vì việc đóng phí bảo trì đường bộ cho QL1 cộng thêm lại phải nạp phí BOT khi đi qua QL1 ở đây sẽ gây nên tình trạng phí chồng phí. Dường như, sự ức chế của người dân đã khiến việc vận hành trạm thu phí không được êm xuôi.

Phần lớn ý kiến cho rằng nên di dời trạm thu phí về đúng vị trí của nó, từ đó chủ đầu tư BOT này sẽ không gặp sự phản đối của phía tài xế cũng như người dân địa phương. Vì thế, cơ quan chức năng cần có một sự điều chỉnh thật sự hợp lý để nhằm đảm bảo lợi ích của cả người dân và nhà đầu tư BOT.

Mai An (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN