Khi nhiệt độ dao động lớn, cơ thể người cao tuổi điều chỉnh thân nhiệt kém hơn người trẻ. Ảnh minh họa.
Nguy cơ mắc bệnh hô hấp cao
Tháng 11 có thể được coi là giai đoạn chuyển đổi thời tiết ở hầu hết các vùng miền trong cả nước. Thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn, trung gian truyền bệnh phát triển, gây bệnh và lây lan thành dịch.
Hình thái thời tiết hiện tại ở miền Nam là những cơn mưa bất chợt cuối mùa mưa để chuyển sang mùa khô. Trong khi đó, ở miền Trung là những đợt mưa dài có thể gây ngập úng. Miền Bắc hiện ở giai đoạn nền nhiệt độ chung thấp dần, dải nhiệt độ chênh lệch lớn giữa ngày và đêm, xen kẽ là những đợt mưa ẩm gió mùa...
Khi thời tiết chuyển mùa, cơ thể người cao tuổi dễ bị nhiễm bệnh do hệ miễn dịch đã suy giảm. Cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe người cao tuổi trong những tháng giao mùa là phòng bệnh và áp dụng các biện pháp hạn chế dùng thuốc.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, ở người cao tuổi, mọi chức năng cơ thể đều suy giảm. Trong đó, sức đề kháng cũng giảm. Do đó, bệnh có thể tấn công dễ dàng, nhất là các bệnh gây ra bởi vi sinh vật (virus, vi khuẩn, vi nấm).
Người cao tuổi thường có các bệnh nền, bệnh lý nhiễm khuẩn vùng răng miệng..., đặc biệt các bệnh mãn tính như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, suy gan, suy thận, ung thư .. Những bệnh này khiến hệ miễn dịch cơ thể suy yếu, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh hô hấp. Khi nhiệt độ dao động lớn, cơ thể người cao tuổi điều chỉnh thân nhiệt kém hơn người trẻ và dễ cảm lạnh.
Môi trường trong nhà về mùa lạnh cũng thường ô nhiễm hơn. Ngoài ra, tình trạng nhiều bụi, khói của bếp than, bếp củi, bếp dầu, nhà ở chật, không thông thoáng do thường xuyên đóng cửa,... cũng là những yếu tố thuận lợi khiến người cao tuổi dễ mắc các bệnh đường hô hấp.
Trong khi đó, một số trường hợp thường hút thuốc lá, thuốc lào. Điều đó càng làm tổn thương hệ thống hô hấp. Đồng thời, khiến các bệnh hô hấp càng thêm trầm trọng.
“Viêm đường hô hấp, viêm mũi họng là bệnh có thể gặp quanh năm. Tuy nhiên, vào thời điểm giao mùa chuyển lạnh, người cao tuổi hay gặp nhất. Nó gây nên hiện tượng hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, đau rát họng gây ho, tức ngực, có khi khó thở. Tiếp đến là viêm họng hoặc viêm mũi mạn tính kéo dài hoặc thường xuyên tái phát”, chuyên gia cho biết.
Nguy hiểm hơn là viêm phế quản, viêm phổi cấp tính. Ở người cao tuổi, thân nhiệt không tăng cao như người trẻ. Do đó, tình trạng bệnh có thể bị nhầm là nhẹ, ít được quan tâm. Nhiều trường hợp khi diễn biến xấu được đưa vào bệnh viện thì đã quá muộn.
Vào mùa lạnh, bệnh mạn tính như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính cũng có nguy cơ tái phát, dễ xuất hiện các biến chứng. Yếu tố thuận lợi gây bệnh là người nghiện hút thuốc lá, thuốc lào. Khi hít vào đường hô hấp sẽ làm tổn thương các nhu mô phổi (tổ chức phổi). Từ đó, làm tăng nguy cơ bội nhiễm.
Mùa lạnh, các loại bệnh cúm cũng lây lan mạnh hơn. Khi người cao tuổi bị cúm, bệnh tình diễn biến nặng hơn do sức đề kháng kém. Đặc biệt, dịch Covid-19 cũng có nguy cơ bùng phát vào mùa lạnh và người cao tuổi là nhóm dễ bị tổn thương cũng như tử vong nhất.
Dễ nhầm là mắc bệnh nhẹ
“Triệu chứng mắc bệnh hô hấp ở người cao tuổi cũng giống như những người khác, nhưng thường nặng hơn và tùy theo loại bệnh. Nếu cảm lạnh thông thường thì hắt hơi sổ mũi, chảy nước mũi, đau rát họng gây ho, tức ngực, có khi gây khó thở.
Tùy từng trường hợp mà có thể ho khan hoặc có đờm. Đờm có thể là màu trắng, đặc quánh hoặc lỏng. Đôi khi, đờm có một ít máu tươi do có tổn thương một số mạch máu nhỏ ở đường hô hấp trên gây ra”, PGS Nga chia sẻ.
Nếu suy hô hấp, người cao tuổi thường gặp như khó thở khi gắng sức. Sau đó, người bệnh có thể khó thở thường xuyên, khó thở nhanh, thở không đều, khò khè. Hơi thở của người bệnh sẽ chậm dần, thở nông do các cơ hô hấp bị suy yếu. Các biểu hiện có thể kèm theo là mặt, môi, vành tai, các đầu chi tím tái.
Chuyên gia cảnh báo, các bệnh lý hô hấp ở người cao tuổi rất dễ bị nhầm là bệnh nhẹ. Lý do là bởi khi nhiễm khuẩn, nhiệt độ ở người cao tuổi không tăng như người trẻ. Tuy nhiên, khi đã viêm phổi, tình trạng tổn thương phổi, suy hô hấp diễn tiến nhanh và nặng nề hơn. Đặc biệt, khi viêm phổi nặng, người cao tuổi có nguy cơ tử vong.