Thứ sáu, 26/04/2024 | 16:32
RSS

Ngừng sản xuất vắc xin phòng viêm não mô cầu, Bộ Y tế tìm cách ứng phó

Thứ tư, 30/05/2018, 12:13 (GMT+7)

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn về việc đảm bảo cung ứng vắc xin phòng não mô cầu.

Theo Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, vắc xin phòng viêm não mô cầu là vắc xin trong tiêm chủng dịch vụ nên việc tiên lượng, dự báo nhu cầu sử dụng vắc xin phòng bệnh não mô cầu là khó khăn, dẫn tới việc dự trù vắc xin biến động hàng năm.

Điều này gây nên tình trạng việc cung ứng vắc xin não mô cầu không ổn định, có lúc thừa nhiều nhưng đôi khi lại không có đủ lượng vắc xin đáp ứng kịp thời cho nhu cầu tiêm chủng.

Hiện tại, có 2 vắc xin phòng não mô cầu được cấp giấy đăng ký lưu hành và nhập khẩu vào Việt Nam (không yêu cầu cấp phép nhập khẩu).

Thế giới ngừng sản xuất vắc xin phòng viêm não mô cầu
Bệnh viêm não mô cầu là bệnh nguy hiểm có thể tử vong sau 24 h. Nguồn: VOV

Thứ nhất là vắc xin VA-MENGOC-BC (phòng bệnh não mô cầu 02 tuýp B, C).

Số lượng dự kiến nhập khẩu cả năm 2018 là 800.000 liều - tương đương số lượng đã nhập khẩu và cung ứng tại Việt Nam năm 2017.

Thứ 2 là vắc xin Polysaccharide Meningococcal A+C (Phòng bệnh não mô cầu 02 tuýp A,C).

Từ đầu năm 2018 đến nay, chưa có lô vắc xin Polysaccharide Meningococcal A+C nào được nhập khẩu vào Việt Nam do hiện nay, nhà sản xuất đã ngừng sản xuất vắc xin này trên toàn cầu để chuyển sang sản xuất vắc xin Menactra® phòng bệnh do não mô cầu 04 tuýp A, C, Y, W-135 (có bổ sung thêm 02 tuýp Y và W-135 so với vắc xin Polysaccharide Meningococcal A+C).

Theo báo cáo của nhà sản xuất, tính đến thời điểm hiện tại, vắc xin Polysaccharide Meningococcal A+C đã không còn tồn hàng trên phạm vi toàn cầu.

Để đảm bảo cung ứng vắc xin phòng não mô cầu cho nhu cầu tiêm chủng dịch vụ của nhân dân, Cục Quản lý Dược đã có Công văn số 8596/QLD-KD yêu cầu các đơn vị có kế hoạch cụ thể trong việc dự trù, dự trữ, chủ động liên hệ kịp thời với nhà nhập khẩu, cung ứng để ký hợp đồng, đấu thầu, mua sắm nhằm đảm bảo kịp thời, đủ vắc xin phòng não mô cầu.

Đồng thời, đề nghị Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cung cấp các thông tin liên quan đến số ca, tuýp mắc phải của bệnh do não mô cầu tại Việt Nam trong thời gian gần đây.

Dự kiến nhu cầu sử dụng vắc xin phòng bệnh do não mô cầu theo từng quý năm 2018 và 2019 để các cơ sở nhập khẩu có thể chủ động đặt hàng sớm với nhà sản xuất, nhà cung ứng thuốc nước ngoài.

Được biết, vắc-xin phòng não mô cầu được sản xuất bằng công nghệ sinh học với nhiều công đoạn phức tạp (tạo ngân hàng chủng virus từ virus gốc, tạo chủng làm việc,...), thời gian cần thiết trung bình cho sản xuất là từ 6-12 tháng; từng lô sản xuất/nhập khẩu phải được kiểm định trong nước và nước ngoài và chỉ được lưu hành sau khi có kết quả kiểm định đạt yêu cầu.

Mặt khác, do yêu cầu cao về công nghệ nên số lượng nhà sản xuất trên toàn thế giới ít; vắc-xin được sử dụng đề phòng bệnh cho người khỏe mạnh và chỉ được sử dụng tại các cơ sở tiêm chủng.

Thế giới ngừng sản xuất vắc xin phòng viêm não mô cầu 2
Bệnh viện viêm não mô cầu được điều trị tại BV Bạch Mai. Nguồn: Sức khoẻ và Đời sống

Bên cạnh đó, trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, vắc-xin phải được cơ quan kiểm định có thẩm quyền của nước ngoài kiểm tra đáp ứng yêu cầu.

Sau khi đã nhập khẩu vào Việt Nam, vắc-xin phải được tiếp tục kiểm định bởi Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế đạt yêu cầu mới được đưa ra lưu hành, sử dụng.

Chính vì thế, Cục Quản lý dược cũng đề nghị Viện Kiểm định Quốc gia Vắc-xin và Sinh phẩm y tế chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để kịp thời kiểm định vắc-xin phòng não mô cầu ngay khi nhận được mẫu vắc-xin của cơ sở nhập khẩu, đảm bảo rút ngắn tối đa thời gian kiểm nghiệm, xuất xưởng lô để nhanh chóng đưa vắc-xin vào sử dụng.

Thời gian gần đây liên tiếp ghi nhận các ca viêm não mô cầu được điều trị tại Hà Nội. 

Theo các chuyên gia y tế, viêm não mô cầu là căn bệnh lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch. Bệnh thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại...), người bị suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10 - 20%, tỷ lệ tử vong có thể từ 8 - 15%.

Khi phát hiện ca nghi nhiễm, bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, cách ly để tránh lây lan dịch. Bệnh nguy hiểm nhưng có thể dự phòng bằng cách tiêm vắc-xin.


Xem thêm Clip: Cách trị cảm cúm chỉ trong 24 giờ - Bí quyết cần bỏ túi ngay

TH
Theo Đời sống Plus/GĐVN