Thứ sáu, 19/04/2024 | 00:27
RSS

Nghịch lý hài Tết 2021: Số lượng tăng đột biến nhưng thiếu tiếng cười sâu cay

Thứ năm, 04/02/2021, 16:39 (GMT+7)

Thị trường hài Tết 2021 tăng đột biến về số lượng nhưng lại thiếu tiếng cười sâu sắc, gợi suy ngẫm cho người xem.

Tăng đột biến về số lượng, thể loại

Chỉ còn chưa đầy một tuần lễ nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu. Những ngày này, người người, nhà nhà hối hả lo sắm sửa, dọn dẹp nhà cửa để tiễn năm cũ, đón năm mới. Nhiều người cũng háo hức chờ đón những "đặc sản" hài Tết được phát hành để có thêm "món ăn vui vẻ" trong những ngày đầu Xuân.

Đặc biệt, năm nay dịch Covid-19 khiến đời sống xã hội có nhiều biến động và đảo lộn. Chính vì thế, nhu cầu được cười, được vui, được xả stress… sau một năm đầy căng thẳng đối với người dân vô cùng lớn. Có lẽ, nắm bắt được tâm lý này nên các nhà sản xuất hài Tết đã mạnh dạn thực hiện nhiều sản phẩm đa dạng để tung ra thị trường.

Nghịch lý hài Tết 2021: Số lượng tăng đột biến nhưng thiếu tiếng cười sâu cay

Nghệ sĩ Quốc Anh, Phú Đôn... trong hậu trường quay hài Tết dân gian "Thói đời".

Dạo một vòng quanh thị trường có thể thấy số lượng các sản phẩm hài Tết được tung ra ở thời điểm này tăng đột biến về số lượng. Có thể kể đến nhiều sản phẩm như: "Thói đời", "Khi Cuội yêu", "Tết đú - đú Tết", "Mr. Lù 4: Chuyến hàng cuối năm", "Làng ế vợ 7", "Mất vợ vì rượu 2", "Để cho thầy lấy vợ", "Chọc vợ Tây Bắc", "Tết này ai là bố", "Cưới ngay kẻo ế 5"...

Trong số các phim kể trên, "Thói đời" là phim duy nhất thuộc thể loại hài dân gian với sự tham gia của nhiều diễn viên tên tuổi như: NSND Quốc Anh, NSND Minh Hằng, NSƯT Phú Đôn, Việt Bắc, Đỗ Duy Nam, Anh Quân… Phim tái hiện bức tranh xã hội phong kiến thời xưa, phóng tác những tiếng cười trong kho tàng dân gian Việt. Từ đó phản ánh ước vọng của người dân về một cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Phim lồng những vấn đề thời sự nổi cộm thời nay vào bối cảnh xưa để đem lại tiếng cười sâu sắc và khéo léo nhắc nhở mỗi người soi lại mình.

Nhìn chung, phim hài Tết năm nay đa dạng về đề tài, phong phú về thể loại, nội dung gần gũi với đời sống. Có cả hài dân gian, hài hiện đại, hài hành động, hài tình huống, hài tiểu phẩm... Từ mâu thuẫn tình yêu - gia đình, xung đột quyền lợi ở làng quê, tranh giành đất đai, đua nhau thể hiện sự giàu sang cho đến giãn cách xã hội, đồng lòng chống dịch...

Những bộ phim chứa các cảnh hở hang, lồ lộ da thịt đã được tiết chế. Tuy nhiên, các phim hài Tết vẫn chưa có nhiều nét đặc sắc, chưa có tính đột phá. Nhiều bộ phim chỉ mang tính "làm cho có" chứ chưa có sự đầu tư một cách bài bản. Tiếng cười mà nhiều phim mang đến vẫn chỉ dừng ở tiếng cười cơ học, cười xong quên ngay, không đọng lại được thông điệp khiến người xem suy ngẫm.

Nhiều phim gây cười mà không thể cười

NSND Quốc Anh cho rằng, bất kỳ một phim hài Tết nào, bên cạnh yếu tố giải trí cũng phải mang lại thông điệp để khán giả tiệm cận tới những giá trị của đời sống. Một bộ phim hài Tết mà chỉ thỏa mãn yếu tố giải trí thôi thì chưa phải là "đặc sản", đó chỉ là "cơm nguội hâm nóng".

Nghịch lý hài Tết 2021: Số lượng tăng đột biến nhưng thiếu tiếng cười sâu cay

Cảnh trong phim hài Tết "Làng ế vợ".

"Xem lại phim hài Tết cách đây hơn 10, chúng ta thấy chất lượng rất ổn. Ổn từ khâu kịch bản, bối cảnh, nghệ sĩ tham gia... Nói như vậy không có nghĩa là mình chê phim hài Tết ở thời điểm hiện tại nhưng nhiều khi cũng phải nhìn lại để có hướng phát triển cho phù hợp.

Trong hài Tết, ngoài tiếng cười, cần phải có điều gì đó đọng lại. Những phim hài trước đây, xem phim xong tối đi ngủ nhớ lại vẫn thấy thấm thía, vẫn thấy sâu sắc. Điều đó đang thiếu dần trong nhiều phim hài Tết hiện nay", NSND Quốc Anh chia sẻ.

Danh hài Chiến Thắng cho hay: "Hài tết như một ăn nhẹ, món tráng miệng của khán giả. Nếu trên bàn tiệc có những món sơn hào hải vị thì hài Tết là "món salat" để người xem đỡ ngấy. Theo tôi những bộ phim hài được khán giả gọi là nhảm, hài khoe thân… sẽ không còn đất sống.

Nhưng thị trường hài Tết đang có một mảng bị "bỏ ngỏ" đó là hài dân gian. Ngày trước, khi, đạo diễn Phạm Đông Hồng còn sống, năm nào anh cũng làm hài dân gian. Đó là những câu chuyện "mượn tích xưa, nói chuyện nay", người xem vừa thấy vui vẻ vì hài hước, vừa phải suy ngẫm vì những điều sâu cay.".

NSND Quốc Anh thừa nhận rằng, nhiều năm nay, hài Tết luôn phải đối diện với tình trạng khan hiếm kịch bản hay. Đội ngũ viết kịch bản lâu năm bị cạn kiệt dần ý tưởng, trong khi đội ngũ mới lại chưa đủ để đáp ứng yêu cầu.

Vì lẽ đó mà nhiều nhà sản xuất buộc phải làm theo kiểu "chộp giật" là kịch bản chưa hoàn thiện vẫn quay. Thậm chí, có nhiều trường hợp, kịch bản chỉ là những gạch đầu dòng ngắn ngủi rồi khi ra phim trường thì phó mặc tất cả cho nghệ sĩ. Tuy nhiên, không phải nghệ sĩ nào cũng đủ khả năng để phóng tác kịch bản.

"Nghệ sĩ có nghề còn biết vẽ ra tình huống, lời thoại… nhưng có những nghệ sĩ không thuộc sở trường của họ thì muốn họ vẽ cũng rất khó. Và vì thế mà nhiều đoàn đã rất bị động. Đó là chưa kể, một bộ phim hài Tết mà chỉ quay có 3 – 4 ngày thì lấy đâu ra thời gian để đầu tư. Tôi cho rằng, đó chính là những yếu tố khiến nhiều phim hài Tết vừa nhạt, vừa cứng, gây cười mà không thể cười", NSND Quốc Anh nói thêm.

=> Bài 2: Nhà sản xuất hài Tết 2021 kiếm nguồn thu từ đâu khi không phát hành dạng đĩa?

 

 

Hà Tùng Long
Dân Việt