Thứ sáu, 29/03/2024 | 04:04
RSS

Nghỉ làm để xem bóng đá, có bị trừ lương không?

Chủ nhật, 28/01/2018, 17:00 (GMT+7)

Sếp cho cả công ty nghỉ làm một ngày để xem và cổ vũ trận chung kết của tuyển U23 bóng đá thì ngày đó có bị trừ lương không. (Thúy Hạnh)

Nghỉ làm để xem bóng đá, có bị trừ lương không?
Nghỉ làm để xem bóng đá có bị trừ lương không?

Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, người lao động được nghỉ làm việc nhưng vẫn được hưởng nguyên lương trong ba trường hợp sau:

1. Nghỉ hằng năm (nghỉ phép năm)

Theo khoản 1 Điều 111, người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động.

Người làm công việc trong điều kiện bình thường được nghỉ 12 này.

Người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt (theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành) hoặc lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật được nghỉ 14 ngày

Người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt được nghỉ 16 ngày.

Theo Điều 112, cứ 5 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động được tăng thêm tương ứng một ngày.

2. Nghỉ lễ, tết

Theo quy định tại khoản 1 Điều 115, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

+ Tết Dương lịch một ngày (ngày 1 tháng 1 dương lịch);

+ Tết Âm lịch 5 ngày;

+ Ngày Chiến thắng một ngày (30/4);

+ Ngày quốc tế lao động một ngày (1/5);

+ Ngày Quốc khánh một ngày (2/9);

+ Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương một ngày (10/3 âm lịch).

Nếu những ngày nghỉ nêu trên trùng vào ngày nghỉ hằng tuần, người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp (khoản 3 Điều 115).

3. Nghỉ việc riêng được hưởng nguyên lương

Khoản 1 Điều 116, người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây:

+ Kết hôn: nghỉ 3 ngày

+ Con kết hôn: nghỉ một ngày

+ Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết: nghỉ 3 ngày.

Đối với các trường hợp nghỉ việc khác, việc nghỉ có hưởng lương hoặc không hưởng lương theo sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Như vậy, trường hợp sếp bạn cho cả công ty nghỉ không thuộc một trong ba trường hợp trên. Tuy nhiên, tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa sếp và nhân viên mà bạn vẫn có thể được nhận lương. Khi đó, ngày nghỉ này được quy đổi vào ngày nghỉ phép hoặc một ngày nghỉ nào đó thuộc ba trường hợp đã nêu ở trên (trừ trường hợp nghỉ lễ, tết) hoặc sếp tự cho nghỉ với lý do liên quan đến hoạt động sản xuất của công ty theo Bộ luật Lao động 2012.

Luật sư Kiều Anh Vũ Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh
Theo Vnexpress