Cầu Thịnh Long nối huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng của tỉnh Nam Định được Bộ giao thông vận tải tổ chức thông xe vào ngày mai (28/5). Cầu vượt sông Ninh Cơ, tính cả đường dẫn, cầu dài hơn 2,3km.
Dự án do Ban quản lý dự án (PMU) Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 1.158 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ODA từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng trong nước. Dự án được khởi công vào 1/2018, đến nay, sau 27 tháng thi công, các hạng mục của dự án đã hoàn thành, đáp ứng các điều kiện để thông xe, đưa vào khai thác.
Cầu Thịnh Long bắc qua sông Ninh Cơ có tổng mức đầu tư công trình hơn 1.158 tỷ đồng (54,902 triệu USD), trong đó 970,176 tỷ đồng là vốn vay từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc, 187, 926 tỷ đồng còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam Bên cạnh đó, riêng chi phí giải phóng mặt bằng (50 tỷ) từ nguồn ngân sách tỉnh Nam Định, báo Dân Việt cho hay.
Cầu Thịnh Long được thiết kế có tổng chiều dài là 2.359.58 m, trong đó phần cầu dài 988.47m (19 nhịp), còn lại là đường dẫn hai bên, được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực. Mặt cầu rộng 12m, gồm 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ...
Cầu Thịnh Long được xây dựng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ tăng cường khả năng kết nối giao thông nội tỉnh Nam Định, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho khu vực ven biển của tỉnh này, mà còn nâng cao khả năng kết nối giữa các tỉnh ven biển phía Bắc. Trước khi cầu Thịnh Long được xây dựng, trong nhiều năm qua, việc qua lại giữa hai huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu (Nam Định) phụ thuộc vào phà Thịnh Long.
Sứ mệnh lịch sử của hai bến phà Thịnh Long và Phú Lễ sắp đi đến hồi kết khi cầu Thịnh Long sẽ thông xe, đưa vào khai thác vào ngày 28/5. Từ ngày mai, hai bến phà Thịnh Long và Phú Lễ sẽ kết thúc nhiệm vụ chở khách qua sông Ninh Cơ.
Trực tiếp trải nghiệm trên chuyến phà Phú Lễ vượt sông Ninh Cơ từ phía bờ Nghĩa Hưng chiều 25/5, quan sát của PV Báo Giao thông, phương tiện và hành khách vẫn đông đúc, tấp nập. Phà vừa cập bến đã đầy chuyến, rồi khởi hành ngay sang phía bờ huyện Hải Hậu. Trên phà có khoảng 20 khách, ô tô, xe máy đủ cả. Tiếng bàn tán, xì xào về việc sắp có cầu mới, người dân không phải qua phà là chủ đề chính trong câu chuyện của mọi người.
“Cầu Thịnh Long là dự án thỏa ước mơ ngàn đời của người dân hai huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu. Khi cầu thông xe, hai bến phà Thịnh Long và Phú Lễ sẽ kết thúc sứ mệnh lịch sử chở khách qua sông Ninh Cơ. Sắp tới, người dân sẽ được đi lại bằng cầu cứng, quãng đường được rút ngắn, thời gian đi lại giảm, đảm bảo ATGT, nhất là trong mùa mưa bão”, ông Trương Mạnh Khiêm, Phó giám đốc Sở GTVT Nam Định cho biết.